Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2016.
Theo đó, BIDV đạt hơn 6.400 tỷ đồng thu nhập từ lãi thuần, tăng 25%. Các hoạt động kinh doanh khác như hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán đều mang lại kết quả khả quan so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí hoạt động trong kỳ chiếm hơn 3.000 tỷ, tăng không đáng kể so với cùng kỳ.
Tuy nhiên chi phí rủi ro tín dụng trong kỳ là hơn 2.400 tỷ đồng, tăng mạnh gần 6 lần so với quý III/2015. Tính chung 9 tháng đầu năm, BIDV phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 7.000 tỷ, tăng 80%.
Kết thúc quý III, BIDV đạt 1.937 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 4% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm, BIDV ghi nhận 5.632 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 71% kế hoạch cho cả năm 2016.
Sau khi nộp thuế, lợi nhuận ròng của nhà băng này còn 4.569 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng này cũng đến từ khoản 826 tỷ đồng nhờ thoái vốn tại Ngân hàng liên doanh VID Public Bank, nếu không tính khoản lãi đột biến thì lợi nhuận ngân hàng đã giảm 12%.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khiến kết quả kinh doanh của BIDV kém khả quan. |
Tính đến ngày 30/9/2016, tổng tài sản của ngân hàng trên 947.000 tỷ, tăng 12% so với thời điểm đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng đạt 662 nghìn tỷ đồng, tăng 12%. Tiền gửi của khách hàng đạt 712.000 tỷ, tăng trưởng mạnh lên tới 26%.
Sau 9 tháng, riêng ngân hàng có 13.217 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV đã tăng từ khoảng 1,6% cuối 2015 lên gần 2%, tương ứng với hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm.
Đáng chú ý là trong số hơn 13.000 tỷ đồng nợ xấu thì nợ có khả năng mất vốn lên tới gần 7.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2015.
Hiện tại, vốn điều lệ của nhiều nhà băng nhỏ trong hệ thống chỉ ở mức 3.000 tỷ đồng như Ngân hàng Việt Nam Thương tín, Kiên Long bank, SCB, Vieta bank, ANZ Việt Nam,…Như vậy, gần 7.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn của BIDV đã gấp đôi nhiều nhà băng này.
Ngày 21/10, Hội đồng quản trị của BIDV đã ra quyết định chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8,5% vào ngày 21/11 sắp tới. Trước đó, Đại hội cổ đông của ngân hàng này đã quyết định chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để lấy nguồn tiền bổ sung vốn.
Tuy nhiên, cuối tháng 5/2016 Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị biểu quyết lại vấn đề trên để nộp cổ tức bằng tiền mặt vào ngân sách nhà nước. Quyết định này đã chấm dứt tranh cãi việc chi trả cổ tức.
Hiện tại Nhà nước đang sở hữu 95,28% vốn điều lệ của BIDV. Theo tính toán, với tỷ lệ 8,5% chi trả tiền mặt, ngân sách nhà nước sẽ có thêm khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV, trong tổng số 2.900 tỷ đồng mà nhà băng này sẽ phải trả cho cổ đông.
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn