Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm được quy định trong Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) năm 2012, với nội dung chính là tăng hạn mức bảo hiểm cho người gửi tiền khi NH có biến động.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến tăng mức bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm lên 75 triệu đồng Ảnh: TẤN THẠNH
Cụ thể, NHNN đề xuất nâng mức trả tiền bảo hiểm lên tối đa 75 triệu đồng thay vì mức 50 triệu đồng áp dụng từ năm 2005 đến nay. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG. Tại văn bản lấy ý kiến đăng trên website, cơ quan soạn thảo không lý giải vì sao chọn hạn mức 75 triệu đồng và cũng không có đánh giá tác động của dự thảo chính sách.
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế , hàm Phó Tổng giám đốc NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cho biết thay đổi mức BHTG cần dựa trên các yếu tố cơ bản là lạm phát, thu nhập bình quân đầu người và thông lệ quốc tế. Ứng với các yếu tố này, về lạm phát, Việt Nam có mức lạm phát rất cao và chỉ ổn định dưới 7%/năm trong vài năm gần đây. Thu nhập bình quân đầu người tăng khá mạnh trong 12 năm qua, đến nay đạt mức 2.000 USD/người/năm, tương đương 45 triệu đồng. Thông lệ quốc tế thường xem xét mức BHTG gấp 4-5 lần thu nhập bình quân đầu người của quốc gia đó. Như vậy, thu nhập bình quân của Việt Nam hiện khoảng 45 triệu đồng thì mức BHTG chấp nhận được phải là 200 triệu đồng. Nếu cơ quan BHTG khó khăn do nguồn vốn của quỹ hạn chế, ngân sách nhà nước khó khăn thì cũng phải duy trì mức 150 triệu đồng.
Chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hạn mức này phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có mức thu nhập bình quân đầu người. “Tôi tính toán nếu trả mức bảo hiểm lên 75 triệu đồng thì tăng chưa được gấp 2 lần so với thu nhập bình quân đầu người hiện nay, trong khi mức BHTG theo thông lệ quốc tế đang duy trì ở mức cao hơn 4-5 lần thu nhập bình quân đầu người. Như vậy, có tăng như đề xuất cũng là mức rất lạc hậu. Theo tôi, phải có mức cao gấp 4 lần, tức là khoảng 180 triệu đồng” - chuyên gia này nêu quan điểm.
Từng tham gia Hội đồng Thẩm định dự án Luật BHTG năm 2012, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho biết khi đó, ông đã đề xuất phải nâng mức bảo hiểm lên tối đa 200 triệu đồng, được nhiều ý kiến đồng thuận nhưng về sau vẫn giữ ở mức 50 triệu đồng vì nhiều lý do.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, trước đây, Việt Nam không đặt vấn đề phá sản NH, tiền gửi tiết kiệm của đa số người dân ở các mức 10 triệu - 50 triệu đồng còn chiếm đa số nhưng BHTG có hạn mức 50 triệu đồng đã có nhiều ý kiến cho là thấp. Trong bối cảnh đó còn thông cảm được vì BHTG chưa có đủ thời gian thu quỹ. Sau 12 năm, BHTG tăng thêm được 25 triệu đồng, lại đặt trong bối cảnh nhà nước “sẽ thí điểm cho phá sản NH yếu kém, tiền gửi của người dân sẽ được bảo đảm khi phá sản NH” sẽ gây thất vọng cho thị trường.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo hiện nay, BHTG gần như chỉ mang tính lý thuyết, ít được người dân thắc mắc vì tiền gửi của họ được nhà nước bảo đảm an toàn ngay cả trong trường hợp 3 NH yếu kém bị xóa sổ khi NHNN mua lại với giá 0 đồng. BHTG hầu như chưa bao giờ phải chi trả bồi thường, trừ một vài lần vỡ quỹ tiết kiệm. Do đó, việc tăng lên mức bao nhiêu có thể chưa quá cấp thiết.
Tuy nhiên, sắp tới, khi tái cơ cấu hệ thống NH với các giải pháp mạnh, cho thí điểm phá sản NH, tổ chức tín dụng yếu kém thì chi trả BHTG sẽ trở thành vấn đề lớn. Khi đó, chắc chắn rằng mức đền bù 75 triệu đồng khiến người dân có thể thấy khá bất an, không tạo được niềm tin cho họ gửi tiền vào NH.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn