Đỏ mắt tìm nhà đầu tư
Ngày 2/2/2018 đã diễn ra phiên đấu giá 162.500 cổ phần Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tại công ty cổ phần Đại lý Hàng hải - Vinacomin (Vicosa). Điều đáng nói, với đợt thoái vốn này, TKV dự định bán 100% vốn tại Vicosa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tương đương 214.755 cổ phần với giá trị hơn 21 tỷ đồng (chiếm 85,9% vốn điều lệ của Vicosa). Tuy nhiên chỉ có 2 nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến cổ phiếu Vicosa với số lượng đặt mua 162.500 cổ phần, tương đương 16,2 tỷ đồng.
Mặc dù cổ phiếu không đắt hàng, song kết quả này cũng được coi là khả dĩ hơn nhiều lần so với hai lần TKV bán vốn tại Vicosa trước đây. Trước đó, TKV đã hai lần bán đấu giá cổ phần Vicosa nhưng không thành công, cả 2 lần đấu giá đều bị hủy vì không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.
Thời điểm đầu năm 2017, trong báo cáo gửi bộ Tài chính , bộ Công Thương về tình hình sắp xếp, đổi mới, kiện toàn bộ máy hoạt động doanh nghiệp năm 2016, tập đoàn TKV cũng cho biết đang tích cực thoái vốn trong ngành tại Vicosa, thậm chí còn giảm vốn điều lệ của công ty này từ 45 tỷ đồng xuống 25 tỷ đồng để dễ bán cổ phần nhưng vẫn thất bại.
TKV sẽ thoái toàn bộ vốn tại Vicosa.
Vicosa có trụ sở tại số 55A Lê Thánh Tông, phường Hồng Gai, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, vốn điều lệ 25 tỷ đồng (trong đó công ty mẹ TKV nắm 85,9% vốn điều lệ), hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải hàng hóa đường thủy nội địa và ven biển...
Vicosa có tiền thân là đại lý tàu biển than Việt Nam, năm 2003 được chuyển thành mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu chỉ hơn 1,8 tỷ đồng. TKV (thời điểm đó là tổng công ty Than Việt Nam) vẫn giữ tỉ lệ cổ phần 85,9% từ 2003 đến nay.
Đến năm 2011, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông công ty, các cổ đông đã quyết định tăng vốn điều lệ công ty này từ 1,8 tỷ tăng vọt lên 45 tỷ đồng, trong đó TKV đầu tư 39 tỷ đồng. Sau đó, cũng chính đại hội đồng cổ đông, công ty này ký quyết định giảm vốn điều lệ từ 45,5 tỷ đồng xuống 25 tỷ đồng vào cuối năm 2016.
Theo đó TKV rút hơn 17 tỷ đồng ra khỏi Vicosa, các cổ đông khác rút bớt hơn 3 tỷ đồng. Việc giảm vốn điều lệ này được công bố lý do là công ty dư thừa vốn nên phải giảm để giảm áp lực cổ tức và nhằm thu hút nhà đầu tư để chuẩn bị thoái vốn.
Xét về hoạt động kinh doanh, nhiều năm Vicosa làm ăn lẹt đẹt. Năm 2013, công ty chỉ đạt 1,52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và năm 2014 báo lỗ 4,39 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính 2016, doanh thu cả năm công ty đạt 145 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2015 (đạt 193 tỷ đồng). Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh âm 1,2 tỷ đồng.
Trước đó khoản này trong năm 2015 cũng âm hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên do có khoản thu nhập bất thường từ lợi nhuận khác giá trị hơn 4 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế cả năm vẫn đạt 2,7 tỷ. Năm 2015 lợi nhuận sau thuế của Vicosa ghi âm 2,5 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính 2016, sở dĩ lợi nhuận Vicosa năm này dương là do có khoản thu 3,8 tỷ đồng từ nhượng bán thanh lý tài sản cố định. Chính bởi hoạt động kinh doanh èo uột, nếu không có khoản thu nhập bất thường thì lỗ triền miên nên năm 2017 công ty chỉ dám đặt kế hoạch doanh thu 171 tỷ đồng (tăng 18% so với 2016) nhưng chỉ tiêu lợi nhuận chỉ phấn đấu mức 200 triệu đồng (giảm 92% so với 2016).
Đến cuối năm 2016, công ty lỗ gần 4,4 tỷ đồng. Cộng với khoản lỗ 2,5 tỷ dồn lại từ các năm trước đã dẫn đến khoản lỗ lũy kế hơn 6,9 tỷ đồng.
Những “trái đắng” của TKV
Trên thực tế, Vicosa chỉ là một trong số những công ty con, công ty thành viên có vốn đầu tư của TKV đang làm ăn bết bát, thua lỗ. Mới đây, ngày 16/1/2018, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại TKV và một số đơn vị thành viên thời kỳ năm 2010 đến ngày 30/6/2015.
Theo đó, Thanh tra kết luận TKV có một số khoản đầu tư không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn với giá trị rất lớn và kiến nghị xử lý sai phạm kinh tế lên tới gần 15.000 tỷ đồng và 6,7 triệu m2 đất đai.
Điển hình là công ty liên danh công nghiệp Kẽm Việt Thái thua lỗ hơn 297 tỷ đồng, mất hết vốn chủ sở hữu và nợ đọng hơn 24 tỷ đồng, công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên phải xử lý khoản nợ 13,7 triệu USD cho ngân hàng Eximbank Thái Lan, đầu tư thành lập công ty CP Cromit Cổ Định (Thanh Hóa) không hiệu quả, gây lãng phí số tiền 436,95 tỷ đồng...
Chưa dừng lại ở đó, tập đoàn TKV cũng đầu tư ngoài ngành số tiền 76,4 tỷ đồng vào công ty Vận tải thủy Vinacomin, công ty này lỗ lũy kế 140,4 tỷ đồng, làm mất hết vốn đầu tư của các cổ đông, tổng nợ phải trả lên đến 446,5 tỷ đồng. Công ty CP Đóng tàu Sông Ninh nợ TKV không có khả năng thu hồi 52,6 tỷ đồng buộc phải cho phá sản. Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà cũng làm TKV mất vốn 47,9 tỷ đồng...
Trong một diễn biến khác, đầu năm 2017, Thanh tra bộ tài chính công bố kết luận thanh tra đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trong năm 2015. Theo đó, tập đoàn này đang gánh khoản lỗ 1.407 tỷ đồng tính đến hết 2015 mà nguyên nhân từ hoạt động đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ cũng như các công ty thành viên.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2015, công ty mẹ - TKV đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm 31/12/2015 hơn 15.729 tỷ đồng vào 59 công ty, bao gồm 49 công ty con, 7 công ty liên doanh, liên kết và 3 công ty khác. Lũy kế đến hết năm 2015 có 11 công ty kinh doanh lỗ số tiền hơn 1.407 tỷ đồng.
Điển hình, công ty CP Vận tải thủy - Vinacomin lỗ 139 tỷ đồng; Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV lỗ 115 tỷ đồng; Công ty Đóng tàu Sông Ninh - TKV lỗ 90 tỷ đồng; Công ty Liên doanh Aluminna (Campuchia - Việt Nam) lỗ 69 tỷ đồng; Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin lỗ gần 70 tỷ đồng và công ty CP Sắt Thạch Khê lỗ hơn 17 tỷ đồng.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn