Ảnh minh họa
Theo kết quả kiểm toán năm 2015 tại Ngân hàng Nhà nước, 13 tổ chức tài chính , ngân hàng, bảo hiểm, tổng nợ xấu toàn hệ thống tại 31.12.2014 là 145,2 nghìn tỉ đồng (tăng 28,7 nghìn tỉ đồng, tương ứng với tăng 24,6% so với cuối năm 2013), chiếm 3,25% tổng dư nợ. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) ở mức cao và tăng nhanh, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, cách xử lý nợ xấu của VAMC lại chưa hiệu quả, các tổ chức tín dụng phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng.
Trước thực trạng này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã xây dựng và lấy ý kiến cho dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có một đề án nghiên cứu việc dùng ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu.
Mục đích của đề án là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững, giảm mạnh rủi ro hệ thống và tăng cường hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính .
Tuy nhiên, đề án này cũng không tránh khỏi những ý kiến trái chiều, cụ thể nhiều câu hỏi đặt ra là nợ xấu là do ngân hàng gây ra mà ngân sách lại do dân đóng góp. Vậy bao nhiêu cho đủ?
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo của Kiểm toán Nhà nước ngày 26.8 về vấn đề này, ông Dương Quốc Anh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Chính phủ đang đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, giảm nợ xấu theo kinh nghiệm của các nước. Ví dụ như ở Thái Lan, Hàn Quốc, khi các ngân hàng xử lý không nổi các khoản nợ xấu thì họ sẽ bán lại cho các cơ quan quản lý của trung ương, thường là Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước, bán lại theo giá thị trường.
Trên cơ sở tập hợp toàn bộ nợ xấu của nền kinh tế, Thái Lan và Hàn Quốc sẽ đánh giá trên cơ sở tài sản đặc biệt, phát hành trái phiếu, trái phiếu này là từ ngân sách. Ở Thái Lan, để phát hành tỷ lệ trái phiếu trên ngân sách, người Thái phải trả phần thuế tổng 30 năm để xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Còn ở Hàn Quốc, Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) ban đầu cũng phát hành cho định chế nước ngoài, sau đó các nhà đầu tư trong nước và tổ chức kinh tế trong nước cùng tham gia.
Trong một quốc gia thường sẽ có 4 nguồn huy động vốn chính: Các hộ gia đình, các doanh nghiệp, ngân sách, các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu lại hầu hết là từ bất động sản.
"Theo kinh nghiệm của các nước thì hầu hết là dùng ngân sách để xử lý nợ xấu", ông Dương Quốc Anh nói.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn