Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải đề xuất các phương án xây dựng Quyết định của Bộ GTVT về mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không. Trong đó có những điều chỉnh liên quan trực tiếp đến chi phí đầu vào của hãng hàng không, đồng thời cũng có những điều chỉnh liên quan trực tiếp đến chi phí đi lại của hành khách bằng máy bay.
Cụ thể, đối với hành khách, Cục Hàng không đề xuất tăng giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không là 2 USD/khách quốc tế (tăng 0,5 USD) và 18.181 đồng/khách quốc nội (tăng gấp đôi so với giá hiện hành).
Cơ sở để tăng phí là mức thu hiện nay của Việt Nam thấp hơn so với khu vực ASEAN. Ví dụ Singapore đang áp mức 6 USD/khách, Myanmar 6,5 USD/khách, Campuchia 3 USD/khách và Trung Quốc là 2 USD/khách không phân biệt bay nội địa hay quốc tế.
Nếu đề xuất tăng giá được thông qua, hành khách bay vào giờ đẹp có thể chịu giá vé cao hơn hiện tại.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không đề nghị tăng giá dịch vụ hành khách tại cảng hàng không nhóm A lên 90.909 đồng, nhóm B tăng lên 72.727 đồng, nhóm C tăng lên 54.545 đồng đối với khách bay nội địa.
Cơ sở đề xuất tăng giá là mức thu hiện tại đối với giá phục vụ hành khách quốc nội của Việt Nam hiện tại chỉ bằng khoảng 56% bình quân khu vực ASEAN. Trong khi đó, nhiều nhà ga phục vụ hành khách đã được cải tạo, nâng cấp, chất lượng phục vụ hành khách được nâng cao.
Đối với hãng hàng không dự kiến sẽ phải chịu tăng giá dịch vụ cất/hạ cánh lên 15% so với mức hiện tại. Đồng thời muốn bay vào giờ đẹp phải trả tiền cao hơn 15% so với giá của khung giờ bình thường. Bù lại, nếu bay vào giờ thấp điểm sẽ được giảm 15%.
Đây là lần đầu tiên ngành hàng không đưa ra chủ trương ban hành giá cất/hạ cánh theo khung giờ để tác động đến chi phí đầu vào, từ đó các hãng điều chỉnh lịch bay phù hợp với năng lực khai thác tại các cảng hàng không, tránh dồn tải vào giờ cao điểm gây tắc nghẽn.
Còn việc tăng giá, theo Cục Hàng không, mức giá dịch vụ cất hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa đã được duy trì ổn định từ năm 2011 đến nay và chỉ bằng 46%-67% mức bình quân khu vực ASEAN. Do đó, cần phải điều chỉnh để đảm bảo đủ bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa. Đồng thời có nguồn tích luỹ để nâng cấp, đầu tư mới đường băng, đường lăn theo định hướng của nhà nước trong bối cảnh ngân sách hạn chế.
Để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, Cục Hàng không đề xuất lộ trình tăng giá theo 2 giai đoạn: từ ngày 1-7-2017 tăng 5% và từ 1-1-2018 tiếp tục tăng thêm 10% nữa so với giá hiện hành.
Kế hoạch tăng giá một số dịch vụ hàng không được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đặt vấn đề từ nhiều năm trước, khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là liên bộ Tài chính – GTVT. Theo Luật hàng không sửa đổi 2014, Bộ GTVT có thẩm quyền quản lý giá, phí, lệ phí trong hoạt động hàng không dân dụng.
Đại diện hãng hàng không cho biết việc điều chỉnh giá như trên nếu được chấp thuận sẽ tác động làm tăng khá mạnh chi phí đầu vào của hãng. Trong khi theo tính toán của ACV, các hãng hàng không dự kiến sẽ phải tăng chi hơn 143 tỉ đồng/năm, tương đương 5.188 đồng/hành khách và chỉ chiếm tỷ lệ 0,11% giá vé máy bay. Còn với chi phí tăng trực tiếp đối với hành khách sẽ khiến mỗi khách đi máy bay phải trả thêm khoảng 20.000 đồng - 40.000 đồng tại cảng hàng không nhóm B và A, tương ứng với tỉ lệ 0,5% - 0,8% giá vé máy bay. Do đó, ACV cho rằng không có tác động làm tăng giá vé.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn