Rất nhiều trẻ nhập viện do dịch cúm, tay chân miệng
Ngày 3/11, Ths.BS Đỗ Thiện Hải – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, đây là thời điểm giao mùa ở miền Bắc, có thể rất nhiều trẻ phải nhập viện do dịch bệnh.
Một số bệnh hay gặp như cúm, ho gà, tay chân miệng, sởi… khiến trẻ nhập viện rất nhiều. Đặc biệt, cúm mùa tăng nhiều nhất trong thời điểm này. Trung bình mỗi ngày Khoa phải tiếp nhận 5-7 trẻ nhập viện do cúm mùa với tình trạng bệnh rất nặng.
Hiện nay, cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Cúm nặng thường có biểu hiện: sốt cao, viêm đường hô hấp, sau 2-3 ngày trẻ thấy mệt, không chơi, khó thở.
Cũng theo bác sĩ Hải, đối với những trẻ mắc hen phế quản, tim bẩm sinh hoặc đang chữa ung thư…nếu mắc thêm cúm, nguy cơ bệnh nặng rất cao.
Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngoài cúm mùa, thời tiết giao mùa cũng là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, các bệnh truyền nhiễm tăng. Hiện nay, mỗi ngày Khoa cũng tiếp nhận khoảng 5-6 trẻ mắc tay chân miệng.
Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng là sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao khó hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
Trẻ bị tổn thương ở da, đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
Theo ông Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, số bệnh nhi nhập viện trong thời điểm giao mùa ngày càng tăng. Bên cạnh các bệnh lý hô hấp và tiêu hóa, đáng lo là bệnh tay chân miệng.
Ông Nguyễn Văn Thường cho biết, theo ghi nhận tại Khoa Nhi của Bệnh viện, số bệnh nhi tăng 25 đến 30% so với ngày thường, trong đó báo động nhất là bệnh tay chân miệng. Theo đó, trung bình mỗi ngày bệnh viện Xanh Pôn ghi nhận từ 30- 40 bệnh nhi vào khám, trong số đó chủ yếu là điều trị ngoại trú ở nhà.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cảnh báo, thời tiết giao mùa có thể bùng phát nhiều dịch bệnh, nếu chủ quan nhiều dịch bệnh có thể gây tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, ngoài những bệnh mới nổi, còn có những căn bệnh khác như: Sốt xuất huyết, cúm gia cầm, sốt rét đã và đang lưu hành ở Việt Nam có thể sắp bùng phát. Đặc biệt là virus zika đang khiến nhiều nước lo lắng và tích cực đối phó. Ở nước ta, tuy phát hiện không nhiều, nhưng cũng không thể chủ quan.
Do đó, để đối phó với dịch bệnh nói chung, ngành y tế cần tập trung vào dự phòng, phát hiện, đáp ứng và khống chế dịch bệnh.
“Chúng ta không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào, kể cả bệnh cúm thường (H1N1) cũng rất nguy hiểm và gây tử vong. Hiện bệnh cúm mùa đang gia tăng ở một số tỉnh, bởi vậy phải có biện pháp phòng chống bệnh kịp thời”, bà Tiến nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, để phòng dịch bệnh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; Vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn