Bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại BV Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới TƯ, Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà.
Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt) trở đi là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, do vậy nhiều người bệnh cho rằng, đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi, song chính giai đoạn này lại có thể xảy ra những biến chứng nặng. Biến chứng thứ nhất là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu.
Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này mà nó chỉ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định có phải truyền dịch cho bệnh nhân hay không. Những trường hợp thoát mạch quá nhiều có thể sẽ dẫn tới dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn...
Ở trẻ nhỏ có thể chỉ thấy triệu chứng li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần phải đến bệnh viện gần nhất ngay để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng. Biến chứng thứ hai là xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da...
Những bệnh nhân này cần đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu để truyền tiểu cầu nếu cần. Người dân lưu ý, hiện tất cả các cơ sở y tế ở các tuyến đều có khả năng chữa trị được sốt xuất huyết. Vì vậy, bệnh nhân không nhất thiết phải đến tuyến Trung ương gây quá tải, lây nhiễm chéo. Chỉ trong trường hợp bệnh nhân bị sốc, suy tạng, y tế tuyến cơ sở sẽ hồi sức ban đầu và chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến Trung ương bằng xe cứu thương.
Việc chỉ định truyền dịch gì, truyền bao nhiêu phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm máu hằng ngày.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn