Ngày 28/10, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên, Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm đến làng tái chế chì thôn Đông Mai kiểm tra. Trước đó, từ tháng 6 đến tháng 9/2016, một số người dân có hàm lượng chì trong máu cao đã được tham gia chương trình thải độc chì trong máu .
Theo đó, trước khi tiến hành can thiệp đã có 250 đối tượng được xét nghiệm, trong đó 78 đối tượng là người lao động.
Sau can thiệp, có 142 đối tượng được xét nghiệm, trong đó có 118 trẻ em và 43 người lớn được xét nghiệm cả 2 lần.
Kết quả xét nghiệm nồng độ chì trong máu cho thấy ở trẻ em, 65,25% (77 trường hợp) có nồng độ giảm; hơn 10% có nồng độ chì máu tăng và còn lại giữ nguyên.
Như vậy, nồng độ chì máu trung bình đã giảm từ 20,94 µg/dL xuống còn 16,52 µg/dL, tương đương 21,1%. Còn ở những trẻ hàm lượng chì trong máu chưa giảm, hoặc tăng là do một số trẻ em không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng sản phẩm và có thể còn tiếp tục tiếp xúc với chì.
Trong khi đó, ở nhóm đối tượng tuổi lao động (n=43), 100% có nồng độ chì máu giảm với mức trung bình từ 43,79 µg/dL xuống còn 31,83 µg/dL, tương đương 27,32% so với trước can thiệp.
Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường khuyến nghị cần tiếp tục đánh giá hiện trạng môi trường khu dân cư và có biện pháp cải thiện nếu còn ô nhiễm. Đặc biệt cần cải thiện điều kiện làm việc ở các cơ sở sản xuất tái chế chì, trang bị cho người lao động mũ, khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ, giày dép và tắm rửa sạch sẽ sau ca làm việc. Tăng cường hoạt động truyền thông về phòng chống nhiễm độc chì cho trẻ em, người lao động và cộng đồng.
Ngoài ra, cần duy trì khám sức khỏe và xét nghiệm nồng độ chì máu định kỳ cho trẻ em và người lao động. Bên cạnh đó, cần nâng cao sức khỏe cho trẻ em và người lao động bằng cách đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, đủ chất (ăn nhiều hoa quả, uống sữa, sử dụng sản phẩm hỗ trợ thải độc chì…).
Tú Anh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn