Hiện nay sốt xuất huyết đang là điểm nóng của dịch bệnh. Cả nước hiện có 15 trường hợp tử vong trong số hơn 45.000 ca mắc. Số ca mắc tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, miền Trung, Hà Nội.
Đặc biệt, số ca mắc sốt xuất huyết của miền Bắc đang tăng nhanh và diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều, sản sinh ra ổ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết .
TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cảnh báo biến chứng hay gặp của sốt xuất huyết năm nay là tình trạng suy thận và tổn thương gan. Do vậy, mọi người cần theo dõi sát tình trạng bệnh để nhập viện điều trị kịp thời.
Chia sẻ với phóng viên, TS.BS Đỗ Duy Cường chỉ ra những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết.
BS Cường khám và điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Hạ sốt dồn dập
Người bệnh sốt cao nên người nhà thường muốn giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ em. Tuy nhiên, bệnh do virus nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục cao. Người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần.
Không được dùng ngắn hơn khoảng cách này hoặc tự ý tăng liều thuốc (vì trong sốt xuất huyết, sốt cao thường khó hạ, nhất là những ngày đầu, người bệnh thường sốt ruột tự ý tăng liều thuốc bằng cách uống thêm liều hoặc vừa uống vừa đặt hậu môn) dẫn đến quá liều vì sẽ làm tổn thương gan.
Để giảm sốt cho bệnh nhân, người nhà có thể cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước vào trán, nách cho người bệnh.
Tùy tiện dùng thuốc hạ sốt
Đối với người mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu. Ở thể nhẹ sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng sẽ gây chảy máu răng, chảy máu cam, nôn (ói) ra máu hoặc tiêu phân đen. Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.
Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần Paracetamol vì thuốc này tương đối không độc với liều điều trị.
Bị rồi sẽ không mắc lại
Đối tượng nào cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết dù là người già, trẻ nhỏ hay thanh niên. Hiện lưu hành 4 týp virut sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước.
Mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người. Nếu mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các tuýp vi rút Dengue còn lại.
Không tiếp xúc vì sợ lây bệnh
Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Kiêng tắm, kiêng ăn
Cho đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh người mắc sốt xuất huyết kiêng tắm, kiêng ăn sẽ khỏi bệnh. Trái lại, kiêng ăn, kiêng tắm sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch...
Tự ý truyền dịch
Việc tự ý truyền dịch tại nhà do bị sốt xuất huyết có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.
Dùng kháng sinh
TS.BS Đỗ Duy Cường cho biết, nhiều người cứ thấy sốt là mua kháng sinh về dùng. Thậm chí có bác sĩ tuyến dưới cũng cho bệnh nhân sốt xuất huyết dùng kháng sinh mặc dù đã chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
Dùng kháng sinh không khỏi được sốt xuất huyết.
Việc nên làm khi bị sốt xuất huyết
TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, nếu sốt xuất huyết ở những ngày đầu và chưa có dấu hiệu cảnh báo chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước đường uống hoặc truyền nếu có chỉ định của bác sĩ…
Nếu người bệnh được chẩn đoán sốt xuất huyết thì cần được làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hằng ngày để bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tránh tình trạng người bệnh phải vào viện quá muộn, gây những biến chứng đáng tiếc.
Nếu người bệnh đến ở giai đoạn đầu, chỉ cần hướng dẫn họ theo dõi, uống oresol bù dịch.
Nếu người bệnh ở ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, có xuất huyết, tiểu cầu giảm nhiều hoặc tổn thương gan, thận thì phải nhập viện để chăm sóc và điều trị.
Lúc đó người bệnh sẽ được truyền dịch để giảm cô đặc máu, theo dõi truyền khối tiểu cầu nếu có chỉ định, được bồi phụ nước và điện giải đầy đủ, đo mạch, huyết áp thường xuyên với sự chăm sóc của các nhân viên y tế.
Chuyên gia dinh dưỡng ThS.BS Lê Thị Hải tư vấn chế độ ăn giúp phục hồi sức khỏe cho người bệnh sốt xuất huyết.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn