Nghiên cứu đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy lượng thời gian nhìn chằm chằm vào màn hình càng nhiều thì càng dễ có giấc ngủ kém vào ban đêm.
Các thiết bị điện tử như điện thoại di động và máy tính bảng phát ra ánh sáng màu xanh, báo hiệu cho não ngừng sản xuất melatonin - chất chuẩn bị cho cơ thể đi vào giấc ngủ - do đánh lừa bộ não nghĩ rằng vẫn còn ánh sáng ban ngày.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS ONE, đã tìm hiểu thói quen của 635 người Mỹ trưởng thành trong khoảng thời gian 30 ngày và thấy thời gian trung bình dành cho điện thoại thông minh là 3,7 phút mỗi giờ. Họ cũng đánh giá chất lượng giấc ngủ trong cùng thời gian.
Những dữ liệu sâu hơn liên quan đến 136 đối tượng cho thấy thời gian nhìn màn hình dài hơn có liên quan đến chất lượng giấc ngủ kém.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng một phút sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng làm lượng thời gian cần để đi vào giấc ngủ tăng thêm 1,5 phút.
Gregory Marcus, đồng tác giả của báo cáo từ Đại học California, San Francisco, cho biết mặc dù phát hiện này không thể khẳng định "quan hệ nhân quả" nhưng nó chứng tỏ có mối liên quan giữa việc sử dụng điện thoại thông minh và chất lượng giấc ngủ kém.
Liên quan giữa sử dụng điện thoại di động và giấc ngủ lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2008 bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Karolinska và Đại học Uppsala ở Thụy Điển.
Viết trên tờ Frontiers in Public Health năm ngoái, GS Paul Gringas, chuyên gia về giấc ngủ lúc đó nói rằng các thiết bị phải được thiết kế để phát ra nhiều ánh sáng màu đỏ và màu vàng thân thiện với melatonin vào cuối ngày.
Ông nói: "Phần cứng nên chuyển từ phát ánh sáng màu xanh lơ và xanh lá cây sang màu vàng và màu đỏ cũng như giảm cường độ ánh sang nền/ánh sáng".
Cẩm Tú
Theo Independent
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn