Trong nhiều trường hợp, muốn có được tác dụng thư giãn thần kinh thậm chí phải gắn liền ít nhiều với biện pháp vận động. Chính vì thế mà bất cứ hình thức thể dục nào vừa dễ áp dụng vừa không đòi hỏi điều kiện phức tạp để người tập có thể theo đuổi lâu dài mới thực sự là biện pháp bảo vệ sức khỏe trong ý nghĩa bình dân và đại chúng.
Bài tập càng dễ càng hay
Không thể chối cãi về giá trị của các phương pháp như khí công, yoga, thái cực quyền... nhưng tất cả hình thức vừa kể đều có chung một nguyên tắc cốt lõi đó là vận động viên phải tập luyện thuần thục. Mới nghe qua tưởng đơn giản nhưng “thức khuya mới biết đêm dài” vì không hẳn ai cũng đủ kiên nhẫn và nghị lực để theo tập cho đến nhập tâm.
Trong lúc bỏ công đi tìm một hình thức thể dục sao cho vừa nhẹ phần tập huấn lại thêm phù hợp với chức năng vận động có sẵn, nhiều người lại quên vai trò của đôi chân “sinh ra để… đi bộ”. Tiếng khóc chào đời tuy là dấu hiệu khơi nguồn cuộc sống nhưng hình ảnh đứa trẻ chập chững bước đầu đời mới thực sự phản ánh tính năng động và chủ động của đời người. Không lạ gì khi phương pháp hì hục chạy bộ đã một thời là hình thức vận động được nhiều người ưa chuộng. Nhưng chạy bộ không là biện pháp tăng cường sức khỏe thích hợp cho mọi người vì không dễ áp dụng phương pháp này cho người cao huyết áp, thiểu năng mạch vành, cho đối tượng béo phì cũng như cho người đang có vấn đề với khớp háng, khớp gối…
Chậm chút miễn chắc ăn
Nhiều nhà điều trị vì thế đã mạnh dạn cổ động cho phương pháp đi bộ vì vừa đơn giản, rẻ tiền lại hiệu quả để tập luyện cho hệ tuần hoàn thông qua sức của cơ hoành và phục hồi hệ vận động qua tác dụng đồng bộ trên nhóm cơ lưng, mông, đùi... Nhờ có thể điều chỉnh cường độ thông qua bước chân khoan thai hay khẩn trương, người tập có thể áp dụng phương pháp này một cách linh động ngay cả khi đang bị viêm khớp cấp, hay thậm chí trong giai đoạn điều trị phục hồi sau đợt cấp cứu vì nhồi máu cơ tim. Nhiều thầy thuốc quả thật không quá lời khi đánh giá phương pháp đi bộ như biện pháp đứng đầu các liệu pháp không cần dùng thuốc.
Đi bộ, quan trọng là đừng quên đong đưa đôi tay trong lúc đi bộ, càng rộng biên độ càng tốt để tiêu dùng năng lượng.
Đi bộ cũng lắm công phu
Tưởng dễ như... đi bộ thì hố! Muốn đi bộ cho nên thuốc phải lưu ý đến vài yếu tố bao gồm:
Vận tốc: Thích hợp cho sức khỏe là tốc độ sao cho vận động viên trong lúc đi bộ vẫn có thể “tám” liên hồi với bạn đồng hành, nghĩa là rất thong thả. Vận tốc đi bộ không gây gánh nặng cho trái tim khi không nhanh hơn 4-5 km/giờ. Cẩn tắc vô áy náy, vận động viên có thể dựa vào nhịp tim để kiểm soát cường độ của thao tác. Trong lúc đi bộ, nhịp tim không nên nhanh hơn trị số = 180 - số tuổi. Ví dụ, mạch của cụ vừa vào nhóm “thất thập cổ lai hy” đừng nên vượt quá 180 - 70 = 110 lần/phút.
Thời lượng: Buổi đi bộ, cho dù có rảnh rỗi cũng không nên kéo dài hơn 60 phút. Người mới vào cuộc chỉ nên đi bộ 15-20 phút trong những lần đầu để trái tim đừng bị “sốc” vì gia chủ quá bươn chải trong… công viên.
Hô hấp: Bên cạnh tác dụng thư giãn, đi bộ là cơ hội để luyện tập động tác hô hấp thông qua kỹ thuật hít vào bằng miệng và thở ra bằng mũi, nghĩa là ngược với cách thở thông thường để vận động viên vừa đi vừa tập cho cơ hoành thêm phần điêu luyện.
Tiêu năng: Nếu tưởng đi chỉ khỏe cho đôi chân thì uổng công. Đi bộ là phương pháp tiêu hao năng lượng. Đi bộ vì thế là phương pháp điều chỉnh biến dưỡng rất hữu hiệu cho người muốn giảm cân cũng như cho bệnh nhân tiểu đường. Người bị bệnh tiểu đường muốn gia tăng hiệu năng của thuốc thì chỉ cần mỗi ngày vài lần “đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ thì đường lại lên”. Quan trọng là đừng quên đong đưa đôi tay trong lúc đi bộ, càng rộng biên độ càng tốt để tiêu dùng năng lượng. Đi bộ mà cứng đơ như xác ướp về làng thì người khỏe re là… thầy thuốc!
Thiếu công cụ khó thành công
Rất nhiều người chọn phương pháp đi bộ nhưng vì quên lửng một yếu tố rất quan trọng nên không thu lượm được kết quả như mong muốn. Đi bộ mà thiếu đôi giày thoải mái thà ngồi nghỉ đâu đó cho qua ngày còn tốt hơn. Giày để đi bộ vì sức khỏe nên rộng hơn giày làm việc để tránh tình trạng đầu ngón chân bị đè nén khi bàn chân chúi mũi trong động tác rảo bước. Gót giày nên có độ cao vừa phải, sao cho đừng thốn gót chân sau giờ tập luyện. Mũi giày không nên có độ cong thái quá để tránh hậu quả mỏi cổ chân vì động tác nhấc bổng rồi lại hạ thấp của bàn chân. Ngay cả đôi vớ đừng bí hơi cũng là điều kiện bảo đảm cho hiệu quả của phương pháp đi bộ.
Khéo động chính ở chỗ linh động
Từ đơn giản biến thể thành đa dạng mới đáng gọi là khéo. Bên cạnh tác dụng “hành thiền” thông qua biện pháp tập trung tư tưởng trong lúc rảo bước để làm sạch tạp niệm trong não bộ, “bách bộ tao nhân” có thể mở rộng phạm vi ứng dụng và tăng cường tác dụng nếu biết cách… chế biến. Muốn tập dượt cho hệ tuần hoàn để cải thiện và ổn định huyết áp chỉ cần nghiêng người ra trước như người đang leo dốc. Đi bộ hơi nhanh với động tác của hai cánh tay như chống gậy hai bên, giống như người tập trượt tuyết, là phương pháp hữu hiệu để phục hồi chức năng cho nhóm bắp thịt song song cột sống. Cũng phàm đi bộ nhưng đi dưới nước là cách tốt nhất để cải thiện chức năng vận động cho khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân. Với người hay bị chóng mặt, hình thức đi bộ rệu rạo trên sỏi lắm khi có tác dụng tốt hơn nhiều loại thuốc đang lưu hành.
Theo BS Lương Lễ Hoàng
Pháp luật TPHCM
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn