Mấy ngày vừa qua, một đoạn clip ông bố hà hơi thổi ngạt, cứu con sốt cao ngừng thở gây bão mạng. Clip này được trích xuất từ camera tại một spa nhận được rất nhiều lượt chia sẻ trên Facebook.
Trao đổi với PV, PGS Nguyễn Tiến Dũng – Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi clip này gây bão mạng, ông nhận được rất nhiều câu hỏi thế nào là sốt, làm gì khi trẻ bị sốt cao, co giật? Vì vậy, PGS Nguyễn Tiến Dũng sẽ hướng dẫn rõ hơn về điều này.
Làm gì khi trẻ sốt?
Trong trường hợp, trẻ bị sốt cao, cha mẹ không nên lo lắng bởi vì sốt cao là triệu chứng, không phải là bệnh. Nó là biểu hiện của cơ thể khi gặp tác nhân có hại cho cơ thể. Nếu sốt đó không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt, không làm em bé mệt, bứt rứt khó chịu, chán ăn thì không cần chữa sốt, hãy để tự nhiên. Bởi vì những em bé sốt nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung thì phần lớn bệnh nhiễm trùng lại nhanh khỏi.
Làm gì khi trẻ bị sốt cao, co giật?
PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, có một số trường hợp trẻ sốt quá cao có thể làm em bé khó chịu, bứt rứt. Một số cháu khô miệng, ăn không được khiến gia đình lo lắng. Đặc biệt là ở trẻ con, khi sốt cao có thể gây co giật.
Theo nghiên cứu, ở trẻ từ 6 tháng tuổi tới 6 năm tuổi có tỷ lệ co giật từ 3-5%. Khi co giật trẻ có thể có thêm các biểu hiện nôn ói, sùi bọt mép, đồng tử lộn lên trên làm mắt trắng dã. Các cơn co giật này thường là các cơn co giật toàn thể, ngắn, kéo dài không quá 5 phút. Sau co giật, trẻ có thể lờ đờ chậm chạp hoặc ngủ. Thời gian này có thể kéo dài tới cả tiếng đồng hồ. Trẻ thường bị 1 cơn co giật cho 1 đợt sốt. Đây là đặc điểm gần như chỉ có ở trẻ con, song cũng không nên quá lo.
“Sốt cao co giật thông thường không gây hại não. Trừ các bệnh lý khác gây nên tình trạng này như viêm màng não, viêm não mà chúng ta bỏ sót trong chẩn đoán. Còn nếu là sốt cao do virus gây co giật, sau vài chục giây, trẻ hết giật trở lại bình thường, không để lại di chứng cho não, không gây hại não. Vì thế, cơn sốt cao co giật lành tính không phải uống bất cứ thuốc gì.”, PGS Dũng khẳng định.
PGS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo các bước xử trí khi trẻ bị sốt cao co giật.
Bước 1:
Các bà mẹ bình tĩnh bế trẻ đặt nằm nghiêng (không được gập đầu bé vì không thở được). Cha mẹ cho trẻ mặc thoáng để tỏa nhiệt. Trẻ co giật có triệu chứng nghiến răng, cha mẹ không được day, không vuốt ngực…. Hãy cố gắng bình tĩnh, chỉ một vài chục giây trẻ sẽ hết giật.
Mọi người trong gia đình cũng không nên vây quanh bé mà hãy tản ra, để bé có không khí để thở. Mở thoáng cửa để hạ nhiệt độ không khí xuống.
Bước 2:
Không nhét bất cứ thứ gì vào mồm trẻ vì có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp trên. Khi trẻ hết giật cũng không nhét gạc mềm vào khóe mép, có thể cho khăn xô vào miệng đề phòng cơn co giật sau trẻ có thể cắn vào lưỡi.
Không cố giữ chân giữ tay trẻ vì có thể gây chấn thương cơ xương khớp của trẻ.
Không bế ẵm trẻ khi trẻ đang co giật vì có thể làm rơi trẻ gây chấn thương.
PGS Dũng khuyến cáo cha mẹ đặt trẻ nằm nghiêng khi sốt cao co giật thông thoáng đường thở.
Bước 3: Dùng hạ sốt cho trẻ
Ngay sau cơn co giật, tốt nhất là dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ. Còn nếu trẻ tỉnh táo, có thể uống được thì có thể cho uống thuốc hạ sốt.
Còn trong thời điểm trẻ đang giật, tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc, rất dễ sặc, nguy hiểm.
Sau khi trẻ hạ sốt, bố mẹ nên đưa con đến viện khám để bác sĩ chẩn bệnh, xem có bệnh gì khác ngoài sốt không.
PGS Dũng cũng lưu ý mọi người chỉ nên dùng 2 loại thuốc hạ sốt: Nếu trẻ trên 38,5 độ, cha mẹ có thể dùng 2 loại thuốc là Pracetamol hoặc Ibubrofen. (Hai thuốc này hạ sốt tương đương nhau, tuy nhiên, các nước châu Á khuyến cáo nên dùng Paracetamol. Còn châu Âu thì họ ưu tiên dùng Ibuprofen… lý do vì các nước châu Á đang có sốt xuất huyết, còn châu Âu không có). Nếu đang có sốt huyết mà cho trẻ dùng Ibuprofen thì càng tăng sự nguy hiểm, làm cho sốt xuất huyết nặng thêm.
Nhờ có sự bình tĩnh và thao tác chuẩn xác của ông bố, cháu bé đã ọc được đờm, nước ra từ miệng và thở lại được.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn