Ngày 28-2, BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết BV vừa phẫu thuật thành công cho bé gái có sở thích thèm tóc và rất hay ăn tóc. Bé gái tên PPT (bảy tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai), nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, thường xuyên bị ói.
Mẹ bé T. cho biết gia đình không hề hay biết bé thích ăn tóc từ khi nào. Sau lần tình cờ chị nhìn thấy con nhặt những sợi tóc trên sàn nhà để ăn, để ý nhiều lần sau nữa chị mới phát hiện con tự bứt tóc trên đầu đưa vào miệng ăn rất ngon lành, thích thú.
“Hai vợ chồng tôi đi làm, gửi cháu cho bà ngoại chăm, sáng đưa đến tối đón về nên không để ý lắm. Ngoài ăn tóc, nhiều lần tôi còn thấy bé ăn cả những mảnh vữa tường rớt xuống đất. Trước Tết, khi nghe bé liên tục kêu đau bụng gia đình mới đưa đi khám ở BV và được BS chẩn đoán bị gan lách to rồi cho về. Qua Tết tôi đưa cháu lên Nhi đồng 1 khám tiếp mới biết con có khối tóc trong bụng” - chị L. kể lại.
Theo BS Đào Trung Hiếu, trong một tháng gần đây, BV thường xuyên gặp trường hợp các bé ăn dị vật như mủ cao su, hạt chuối, giấy... nhưng ăn tóc như bé T. là trường hợp rất kỳ lạ và BV chưa bao giờ gặp.
“Kì lạ là khi siêu âm, khối tóc trong bụng bé rất to, đuôi tóc nằm dài xuống ruột non. Theo nghiên cứu trên thế giới bệnh này gọi là bệnh Rapulzel, hay gọi là "cô bé tóc mây". Bệnh này có hai yếu tố hình thành là bướu tóc dài trong dạ dày và đuôi dài xuống ruột non. Bệnh nhân là những người có sở thích ăn tóc, thích bứt tóc ăn” - BS Hiếu cho biết.
Dự kiến khoảng hai tuần nữa bé có thể xuất viện
Để giải quyết căn bệnh kỳ lạ này, bé T. đã được các BS phẫu thuật mở bụng, mở dạ dày để lấy bướu tóc ra ngoài. Bước tiếp theo để điều trị căn bệnh kỳ lạ này và cũng là bước quan trọng nhất đó là điều trị cho bé thông qua tâm lý để bé không còn tiếp tục ăn tóc. Đây là phương án điều trị tâm lý vô cùng khó khăn và cần có thời gian lâu dài.
Thông thường, những bé mắc bệnh thích ăn những chất không mang lại dinh dưỡng như len, tóc, thậm chí vôi tráng tường sẽ bị đau bụng thường xuyên. Khi nào ăn no, các bé sẽ hay ói ra ngoài. Bệnh nhân mắc bệnh này thường suy dinh dưỡng, dần dần sức khỏe suy kiệt do ăn các chất không có dinh dưỡng.
“Đa số các bé mắc bệnh này ít được tiếp xúc với nhiều người, không có ai chơi cùng, cha mẹ hoặc người lớn trong nhà không có thời gian quan tâm. Bé thường hay thụ động, không hoạt bát... Do đó, một trong những biện pháp điều trị trước mắt là sau khi phẫu thuật lấy bướu tóc, gia đình cần dành sự quan tâm nhiều hơn cho các bé, cố gắng gần gũi với con hơn nữa để giúp con bỏ thói quen xấu. Nếu không khắc phục được dứt điểm, nguy cơ tái phát sẽ rất cao" - BS Hiếu khuyến cáo.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn