Hơn 50% bệnh nhân VN mắc đái tháo đường không nhận thức được bệnh

Thứ sáu - 04/08/2017 18:21

Hơn 50% bệnh nhân VN mắc đái tháo đường không nhận thức được bệnh

Theo thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc ĐTĐ cao nhất thế giới, chiếm khoảng 5,4% dân số.

Trước thực trạng này, người viết đã có cuộc trao đổi với GS.TS.BS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE) để giúp người dân, nhân viên y tế nhận thức đúng hơn về bệnh ĐTĐ.

GS.TS.BS Thái Hồng Quang (bìa trái) trả lời họp báo trong chương trình iSTEP-D giai đoạn 2017-2018 tại TP.HCM

Thưa GS, xin GS cho biết thực trạng phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh ĐTĐ ở Việt Nam hiện nay?

Bệnh ĐTĐ đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ ĐTĐ trên toàn thế giới có thể tăng 54% trong vòng 20 năm (2010 – 2030). Việt Nam có 5 triệu người mắc ĐTĐ, tức là khoảng 5,4% dân số.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán còn rất cao, chiếm 50%. Có đến hơn 50% bệnh nhân ĐTĐ tại nước ta không nhận thức được tình trạng bệnh của mình. 50% còn lại được chẩn đoán và điều trị đã có biến chứng về tim mạch, tổn thương mắt…. Do đó, phát hiện sớm có thể ngăn chặn, làm giảm biến chứng.

Vậy làm thế nào để cải thiện tình hình phát hiện sớm, điều trị tối ưu cho bệnh nhân ĐTĐ, thưa GS?

Chúng ta cần nâng cao năng lực của nhân viên y tế, từ lý thuyết đến thực hành, cần thường xuyên tăng cường cập nhật kiến thức chẩn đoán và điều trị cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là kiến thức chuyên sâu trong việc kiểm soát đường huyết nội viện và ngoại viện. Vì thực chất, bệnh ĐTĐ không phải là bệnh phải nằm viện, bệnh chỉ cần khám định kỳ và kiểm soát tốt. Bệnh nhân chỉ nằm viện khi có bất thường, cấp tính hoặc kiểm soát ĐTĐ không tốt.

Được biết, chương trình đào tạo quốc tế chuyên sâu về Đái Tháo Đường (iSTEP-D) đã hỗ trợ trong việc phát hiện sớm, điều trị tối ưu cho bệnh nhân ĐTĐ. Vậy, GS đánh giá thế nào về vai trò của chương trình này?

Chương trình iSTEP-D đã hỗ trợ kiểm soát bệnh ĐTĐ ở Việt Nam hiệu quả hơn, thể hiện cam kết của các chuyên gia trên toàn thế giới trong việc chung tay phòng chống bệnh ĐTĐ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

GS.TS.BS Thái Hồng Quang phát biểu khai mạc tại chương trình iSTEP-D tại Hà Nội năm 2015

GS có thể chia sẻ về những điểm mới của giai đoạn 2017-2018 sau những thành công của giai đoạn 2014-2016 là gì, thưa GS?

Đối với VADE, tôi thấy chương trình iSTEP-D thực hiện rất nhanh và có giá trị. Giai đoạn 2014-2016 thực hiện 30 khóa đào tạo với sự tham gia của 1.500 bác sĩ từ 270 bệnh viện khắp toàn quốc. Chương trình hiện ở giai đoạn 2. Trong giai đoạn 2 sẽ chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành cho những người làm công tác  ĐTĐ về nội trú và ngoại trú..

Lễ Khai Giảng chương trình iSTEP-D năm 2017-2018 tại TP.HCM vào ngày 29/7/2017

Chương trình iSTEP-D năm 2017-2018 dự kiến sẽ tổ chức 8 khóa đào tạo về hai chủ đề chính là Quản lý đường huyết nội viện và Quản lý đường huyết ngoại viện, sẽ có khoảng 600 bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ đa khoa sẽ tham gia các khóa đào tạo này. Khóa đào tạo được khai giảng vào ngày 29/7/2017 tại TP.HCM và ngày 26/8/2017  tại Hà Nội.

GS có thể chia sẻ thêm về các bên tham gia trong chương trình giai đoạn 2017-2018 không?

VADE hợp tác với Hiệp Hội Đái Thái Đường Hoa Kỳ (ADA) với sự tài trợ của Sanofi. Giáo trình được biên soạn bởi ADA, được hiệu chỉnh bởi VADE cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. 4 trung tâm đào tạo hợp tác thực hiện gồm bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nội tiết Trung ương và Đại học Y Dược TPHCM.

Sanofi có vai trò cầu nối giữa hai Hiệp hội trong suốt 5 năm, là đơn vị tài trợ chính và duy nhất của toàn bộ chương trình. Đây là một nghĩa cử cao đẹp nhằm hỗ trợ đội ngũ bác sĩ nâng cao hiểu biết, nâng cao trình độ, khám chữa bệnh cho nhân dân.

Công ty Sanofi là đơn vị đồng hành cùng chương trình iSTEP-D từ năm 2014

Mục tiêu của chương trình iSTEP-D năm 2017 là gì, thưa giáo sư?

Mục tiêu của chương trình iSTEP-D năm 2017-2018 là hỗ trợ các bệnh viện lớn ở Việt Nam xây dựng phác đồ điều trị nội trú và củng cố chất lượng điều trị ngoại trú, từ đó cải thiện chất lượng chẩn đoán và điều trị ĐTĐ tại các bệnh viện này.

Được biết, chương trình iSTEP-D năm 2017 có lớp đào tạo dành cho bác sĩ không chuyên khoa Nội Tiết. Theo ông, điều này giúp ích cho công việc của các bác sĩ nội tiết ở các bệnh viện hiện nay như thế nào?

Số lượng bác sĩ nội tiết hiện không đủ để điều trị số lượng lớn bệnh nhân ĐTĐ. Việc kiểm soát ĐTĐ nội viện không chỉ phải được thực hiện ở các khoa nội tiết điều trị về đường huyết mà cần được áp dụng ở tất cả các khoa điều trị khác.

GS.TS.BS Thái Hồng Quang trao tặng hoa và quà lưu niệm cho Hiệp Hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (ADA)

GS có khuyến cáo nào đối với cộng đồng và người bệnh ĐTĐ để giảm nguy cơ bệnh tật và các biến chứng có thể xảy ra?

Để phát hiện bệnh ĐTĐ, tôi khuyến cáo người dân khám sức khỏe thường xuyên, nên xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm bệnh, và can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Đặc biệt, những người béo phì, người bị tăng huyết áp, mỡ máu, phụ nữ sinh con trên 4 kg cân, những người trong thời kỳ mang thai có đường trong máu và nước tiểu tăng cao là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, cần được khám sàng lọc để phát hiện sớm bệnh.

Xin chân thành cảm ơn Giáo sư!

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây