Uống thuốc độc
Nguyên nhân có thể là do các viên thuốc của bác sĩ Koester có hộp đựng, có tên thuốc và thành phần (gồm cây long đờm, cây cà dược và chiết xuất cây nhục đậu khấu). Trong khi đó, các loại thuốc và mũi tiêm của bác sĩ Morell thì không tên tuổi và có phần bí ẩn.
Cây long đờm thì vô hại. Tuy nhiên, hai thành phần còn lại đều khiến người ta giật mình, đặc biệt là khi biết ngoài các viên thuốc khác, Hitler uống tới 20 viên thuốc chống đầy hơi mỗi ngày. Thậm chí, nếu bác sĩ Morell có đọc nhãn trên hộp thuốc thì ông cũng có thể không biết rằng nhục đậu khấu là một loại hạt chứa nhiều lượng strychnine - thường được sử dụng làm thành phần hoạt tính trong thuốc diệt chuột. Còn cây cà độc dược chứa chất atropine - một chất độc có thể gây kích động, rối loạn, ảo giác, hôn mê và tử vong nếu dùng liều lượng cao.
Chính vì hai thứ thành phần đó khiến bác sĩ Giesing giật mình khi nhìn thấy sáu viên thuốc đen trên khay bữa ăn sáng của Hitler sáng một ngày tháng 7/1944. Bác sĩ riêng của Hitler không hề biết là ông ta đã cho Hitler một liều lượng lớn hàng ngày hai loại chất độc chết người.
Sau đó, mọi người ai cũng nhìn thấy là tình trạng thể lực và trí lực của Hitler đang xuống dốc nghiêm trọng. Những cơn run rẩy không thể giấu được. Trí nhớ giảm sút. Hitler còn gặp khó khăn khi theo dõi một cuộc nói chuyện. Tâm trạng hắn thay đổi liên tục. Bác sĩ Giesing đặt ra câu hỏi liệu chất diệt chuột trong các viên thuốc chống đầy hơi có phải là nguyên nhân của một hoặc tất cả những triệu chứng trên. Ông đã tự mình uống thử vài viên thuốc và khi ông bắt đầu có một số triệu chứng giống Hitler như cáu kỉnh và đau quặn bụng, ông đã đưa ra giả thiết này với hai bác sĩ phẫu thuật của Hitler là Brandt và Von Hasselbach.
Ông Brandt và Von Hasselbach chưa bao giờ thích bác sĩ Morell và không tin tưởng năng lực của ông ta. Cũng giống như bác sĩ Giesing, họ lo ngại tình trạng sức khỏe của Hitler. Khi nghe ông Giesing trình bày, họ cho rằng đã có cơ hội để loại bỏ ông Morell và có thể chăm sóc Quốc trưởng một cách khoa học. Nhưng nếu họ nghĩ rằng sẽ dễ dàng loại bỏ ông Morell một khi chứng minh rằng ông ta bất tài thì họ đã nhầm to. Khi bác sĩ Brandt nói với Hitler thành phần viên thuốc mà hắn nuốt như kẹo hàng ngày, Quốc trưởng không chỉ bênh bác sĩ Morell mà còn sa thải cả ông Brandt và Von Hasselbach vì dám can thiệp vào việc của ông Morell. Hitler cũng nói với bác sĩ Giesing là không cần ông khám bệnh nữa.
Thậm chí ngay cả ông Morell cũng ngạc nhiên khi biết rằng ông ta đã kê thuốc có thành phần diệt chuột cho Hitler. Thế nhưng, bản thân Hitler dường như không bận tâm. Hắn giải thích: “Bản thân tôi luôn luôn cho rằng đó chỉ là mấy viên thuốc để giảm khí trong đường ruột và tôi cảm thấy thoải mái hơn sau khi uống”.
Mặc dù trách nhiệm của bác sĩ Morell là theo dõi lượng thuốc Hitler uống nhưng Hitler lại phớt lờ hướng dẫn của bác sĩ là chỉ uống mỗi lần hai viên. Trước mỗi bữa ăn, Hitler uống tới 6 viên hoặc nhiều hơn. Nhà độc tài này không cho rằng mấy viên thuốc đó gây ra những cơn đau bụng vì hắn bị đau bụng như vậy từ bé.
Bây giờ, khi Hitler biết rằng mấy viên thuốc chống đầy hơi có khả năng gây nguy hiểm nên hắn không uống nhiều nữa. Thế nhưng, sức khỏe của hắn không cải thiện. Tình trạng suy kiệt thể chất và tinh thần không những tiếp tục mà còn trầm trọng hơn. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Hitler kiệt quệ?
Mọi hoài nghi về sự an toàn của mấy viên thuốc chống đầy hơi được gạt bỏ khi vài viên được gửi tới phòng thí nghiệm để phân tích. Mấy viên thuốc này chỉ chứa một lượng nhỏ chất strychnine và atropine mà Hitler phải uống một lúc ít nhất 30 viên thì mới đủ liều lượng gây nguy hiểm tới sức khỏe. Trong khi đó, Hitler không bao giờ uống quá 6 viên mỗi lần và hơn 20 viên trong một ngày. Strychnine sẽ được cơ thể trung hòa nhanh chóng và không tích tụ. Do đó, các liều thuốc chứa strychnine được kê cho Hitler có thể uống hàng năm trời mà hầu như không bị ảnh hưởng gì.
Mũi tiêm bí ẩn
Tóm lại, cả thành phần diệt chuột hay vi khuẩn cấy từ phân người không làm cho Hitler khá hơn nhưng cũng không khiến sức khỏe hắn suy giảm hơn. Tuy nhiên, các mũi tiêm tĩnh mạch mà bác sĩ Morell thực hiện cho Hitler từ cuối những năm 1930 lại là một câu chuyện khác hẳn. Ông ta rất bí mật về thứ mà mình tiêm cho Hitler. Trong các bệnh án còn sót lại, không bao giờ thấy bác sĩ Morell nói thành phần khác của các mũi tiêm ngoài vitamin và glucose. Một số mũi tiêm thực ra có chứa vitamin và glucose nhưng không phải mũi nào cũng thế. Có bằng chứng đáng tin cho thấy nhiều mũi tiêm chứa những chất gì đó mạnh hơn. Và những chất này, chứ không phải là Mutaflor hay thuốc chống đầy hơi, đã khiến sức khỏe Hitler suy sụp giai đoạn cuối đời.
Một số bằng chứng thuyết phục là lời kể của người chứng kiến phản ứng của Hitler với những mũi tiêm vào tĩnh mạch. Cuối những năm 1930, các mũi tiêm không được tiêm thường xuyên nữa mà chỉ được tiêm trước khi Hitler chuẩn bị có một cuộc họp hoặc một bài phát biểu quan trọng. Tuy nhiên, cuối năm 1941, bác sĩ Morell tiêm cho Hitler mỗi sáng, thậm chí là trước khi hắn ra khỏi giường. Người hầu phòng, thư ký và các phụ tá thân cận thường nhìn thấy bác sĩ tiêm cho Hitler. Sau chiến tranh, họ đều mô tả Hitler cảm thấy buồn ngủ và có lần hoàn toàn kiệt sức ngay sau khi bị tiêm. Đôi khi, phản ứng này xảy ra khi mũi kim tiêm vẫn còn cắm vào cánh tay. Có lần, Quốc trưởng loạng choạng và không nói được lời nào. Ngay sau đó, hắn lại hoàn toàn tỉnh táo và ngồi bật dậy trên giường, nói chuyện vui vẻ với bất kỳ ai có mặt trong phòng. Vitamin và glucose thông thường không thể tạo ra một năng lượng ngay lập tức như Hitler đã trải qua, thậm chí là khi được tiêm thẳng vào tĩnh mạch.
Cuối năm 1944, bác sĩ này đã tiêm cho Hitler nhiều đến mức ông ta gặp khó khăn trong việc tìm chỗ để cắm mũi tiêm mới. Hitler ngày càng có khả năng chịu được những mũi tiêm, đến mức ông Morell đã phải tăng liều lượng mỗi mũi tiêm từ 2 cm3 lên 4 cm3, sau đó là 10 cm3, thậm chí 16 cm3 - tức là tăng 700% liều lượng - thì mới đủ hiệu quả với Hitler.
Như tiến sĩ Leonard Heston và Renate Heston chỉ rõ trong cuốn sách “The Medical Casebook of Adolf Hitler” (Hồ sơ bệnh án của Adolf Hitler), sức chịu đựng của con người với vitamin và glucose không thay đổi theo thời gian. Do đó, việc Hitler chịu được các mũi tiêm ngày càng tăng liều là bằng chứng cho thấy các mũi tiêm chứa một loại thuốc nào đó ngoài hai thứ trên.
Kỳ cuối: “Nghi can” amphetamine
Theo Thuỳ Dương
Báo Tin tức
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn