Do vậy, nếu người dân không biết đến các triệu chứng sớm của đột quỵ não thì sẽ bỏ qua mất thời gian 6 giờ vàng này.
Càng cấp cứu sớm, tỉ lệ sống sót càng cao
Bệnh đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba trên thế giới nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống. Theo GS.Stephen Davis, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ Thế giới, mỗi năm toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong. Hơn 2 thập kỷ qua, gánh nặng của đột quỵ đã tăng 26%. Trên 80% trường hợp xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - nơi đột quỵ được coi là một đại dịch.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc đột quỵ tăng đáng kể, với tính chất bệnh lý đòi hỏi phải chẩn đoán nhanh, chính xác và bác sĩ có quyết định đúng, kịp thời... mới có thể cứu sống được bệnh nhân và giúp họ hồi phục sức khỏe và giảm tỷ lệ tàn phế. Điều quan trọng là bệnh lý này cần phải cấp cứu rất sớm sau khi có dấu hiệu bị đột quỵ. Nếu không, bệnh nhân sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người nặng, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, ở Việt Nam, kiến thức này còn rất ít người biết đến.
Mặc dù, ngày nay, với sự tiến bộ của y học, tỷ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm, nhưng số người bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng. Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán và điều trị. Nếu bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ, và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc- Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chỉ có khoảng 2-3% bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đúng thời điểm 3 giờ vàng.
Người bệnh đột quỵ càng cấp cứu sớm, tỉ lệ sống sót càng cao.
Những hậu quả do đột quỵ não để lại vô cùng nặng nề. Mặc dù ở Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể nào về chi phí điều trị, song cứ một bệnh nhân đột quỵ ở mức độ tàn tật trung bình nghĩa là mất đi một lao động. Nếu di chứng nặng phải phụ thuộc người khác thì gia đình sẽ phải mất thêm một người chăm sóc. Như vậy, người bệnh đột quỵ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nếu biết phòng và điều trị đúng cách, hậu quả xấu có thể giảm đi nhiều. Để phòng chống, xử trí bệnh nhân đột quỵ hiệu quả, bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện sớm với phác đồ điều trị chuẩn. Ngoài điều trị đợt cấp, thì còn phải dự phòng biến chứng, vận động sớm và phục hồi chức năng.
Vì sao đột quỵ não thường cấp cứu muộn?
Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc, bệnh nhân đột quỵ não thường bỏ qua mất giờ vàng này có nhiều nguyên nhân. Trong đó phải nói đến kiến thức “giờ vàng” đối với bệnh nhân không phải ai cũng nắm được. Đa số bệnh nhân có triệu chứng của đột quỵ lại nghĩ bị cảm, nên thường đánh gió, tự uống thuốc ở nhà, đến khi bệnh trở nặng mới đi cấp cứu. Thứ hai, là đối với những bệnh nhân đi cấp cứu ngay thì cũng đã mất một khoảng thời gian di chuyển, khi đến được bệnh viện có thể đã là giờ thứ 3 hoặc giờ thứ 4. Thứ 3 là công tác tổ chức cấp cứu đột quỵ khi bệnh nhân đến viện thường diễn ra chậm ở hầu hết các bệnh viện. Tại bệnh viện có thể bệnh nhân phải nằm tại khoa cấp cứu mất vài giờ để các bác sĩ từ các khoa khác đến để khám, chẩn đoán... rồi mới được đưa đi chụp mạch não... Cứ như vậy thì bệnh nhân mất đi cơ hội của 3-6 giờ đầu tiên, mà trong đột quỵ não thì bệnh nhân càng được cấp cứu sớm thì khả năng phục hồi càng tốt.
Mô hình cấp cứu giúp bệnh nhân có giờ vàng trong điều trị
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc cho biết, để giúp bệnh nhân được xử trí sớm bệnh trong 3-6 giờ vàng, về phía bệnh nhân, cần nâng cao kiến thức hiểu biết các dấu hiệu sớm của đột quỵ để khi điều đó xảy ra, bệnh nhân phải được đưa đi cấp cứu, vận chuyển an toàn đến các cơ sở có khả năng điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt, không được tự ý dùng thuốc tại nhà.
Về phía chuyên môn, tại các bệnh viện lớn có đầy đủ các khoa phòng liên quan, cần thành lập nhóm các bác sĩ liên khoa để việc cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ não được diễn ra nhanh, thuận lợi nhất.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV 108), Trung tâm đột quỵ não cùng nhóm các bác sĩ thần kinh mạch máu đã triển khai hệ thống chẩn đoán và điều trị sớm đột quỵ thiếu máu não giai đoạn cấp với tổ chức mô hình thành một nhóm cấp cứu, để đảm bảo khi bệnh nhân đặt chân đến phòng cấp cứu của bệnh viện thì tất cả các khoa, phòng liên quan đã sẵn sàng thăm khám, hội chẩn đưa ra quyết định nhanh chóng xử trí cho bệnh nhân rút ngắn tối đa thời gian từ khi bị bệnh đến khi được điều trị đặc hiệu...
Tổ chức hoạt động của nhóm đó là: Khi nhận được thông tin bệnh nhân đột quỵ não vào cấp cứu, thì các bác sĩ thuộc Trung tâm Đột quỵ não, Khoa chẩn đoán hình ảnh, Khoa can thiệp mạch, Khoa phẫu thuật thần kinh của bệnh viện đã có mặt để cùng khám ngay tại phòng cấp cứu ban đầu, đánh giá tình trạng của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến khoa chẩn đoán hình ảnh (khoa này phải luôn sẵn sàng ưu tiên khi có bệnh nhân đột quỵ đầu tiên) và các bác sĩ sẽ phối hợp làm việc ngay tại khoa chẩn đoán hình ảnh. Từ hình ảnh đó, các bác sĩ sẽ hội chẩn liên khoa, qua hệ thống viber, zalo với các chuyên gia thần kinh đột quỵ để có quyết định nhanh phương pháp điều trị: Hoặc là bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêu huyết khối bằng đường tĩnh mạch tại trung tâm đột quỵ; hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học tại Khoa can thiệp mạch. Các bước trên phải bảo đảm chỉ trong thời gian trước 1 giờ đồng hồ khi bệnh nhân đặt chân đến cửa phòng cấp cứu đến khi được điều trị đặc hiệu (theo đúng tiêu chuẩn hướng dẫn của Hội đột quỵ Hoa Kỳ và của thế giới). Sau khi đã được cấp cứu kịp thời trong 6 giờ đầu rồi bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại trung tâm đột quỵ. Nếu như tình trạng phù não của bệnh nhân tiếp tục tăng lên thì bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ tiếp tục tiến hành phẫu thuật mở sọ giảm áp theo đúng quy trình. Tất cả việc làm đó theo hệ thống vòng tròn: Khoa cấp cứu (tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên) – Khoa chẩn đoán hình ảnh – Trung tâm đột quỵ não/Khoa can thiệp mạch – Khoa phẫu thuật thần kinh – Trung tâm đột quỵ não hồi sức theo dõi điều trị cơ bản.
Nhờ vậy, so với trước đây, tỷ lệ các bệnh nhân được xử trí cấp cứu trong giờ vàng của đột quỵ não hàng năm chỉ khoảng 2-3%, nhưng từ khi triển khai biện pháp làm cấp cứu bệnh nhân đột quỵ theo nhóm, thì tỉ lệ này đã tăng lên 17%. Như vậy đã mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân gấp hơn 5 lần...
Hiện tại, mô hình cấp cứu theo nhóm như vậy ở Việt Nam rất ít bệnh viện có thể tổ chức thực hiện được, do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến các hệ thống kết nối giữa các khoa phòng chưa được đầy đủ. Để làm được công tác này thì không chỉ có trung tâm đột quỵ mà đòi hỏi các khoa khác như: Hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch, phẫu thuật thần kinh đều phải có năng lực đồng đều và phải đảm đương được các phần điều trị cho bệnh nhân... Mà điều này, hiện tại thì không phải bệnh viện nào cũng có đầy đủ.
Ngoài các bệnh nhân được gia đình đưa trực tiếp tới bệnh viện, thì BV 108 còn phối hợp với các bệnh viện vệ tinh gần với Hà Nội và có khả năng chuyển bệnh nhân đến sớm nhất như: BV Việt Tiệp (Hải Phòng), BV Đức Giang, BV đa khoa Bắc Ninh, BV Nam Định, BV Ninh Bình, BV 105 Sơn Tây, BV Vĩnh Phú, BV Thanh Nhàn, BV đa khoa Thái Nguyên... Khi có bệnh nhân đột quỵ não đã được chuyển tải thông tin về triệu chứng lâm sàng và hình ảnh qua mạng để cùng hội chẩn trong nhóm, tư vấn xử trí cấp cứu và cần phải chuyển đến BV 108 ngay khi có chỉ định. Nhờ đó các bệnh nhân được chuyển về BV 108 kịp thời với đầy đủ các dữ liệu lâm sàng và cận lâm sàng. Trên cơ sở các dữ liệu tuyến trước đã làm, khi bệnh nhân được chuyển tới thì các bác sĩ thuộc nhóm cấp cứu thần kinh mạch máu của BV 108 đã có mặt và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân ngay tại khoa cấp cứu ban đầu để sớm có những quyết định chính xác và bệnh nhân được điều trị đặc hiệu ngay trước 1 giờ khi vào đến bệnh viện.
Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều người trẻ, thanh niên bị đột quỵ do cao huyết áp, tim mạch hay đái tháo đường.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn