Đừng sử dụng bừa bãi những từ như "trầm cảm" và "tự tử"

Thứ sáu - 09/09/2016 10:36

Đừng sử dụng bừa bãi những từ như "trầm cảm" và "tự tử"

Từ vựng trong văn hóa của chúng ta hay có xu hướng kịch tính. Một chương trình truyền hình t hú vị kết thúc? Chúng ta "trầm cảm”. Một chính trị gia đề xuất chính sách mà chúng ta không đồng ý? Ông ta thật “điên rồ”. Chúng ta muốn thay đổi trang phục lần thứ ba trong ngày? Chúng ta đang "lưỡng cực".

Nhưng chúng ta không nên sử dụng những cụm từ liên quan đến sức khỏe tâm thần theo những nghĩa bóng như vậy.

Việc sử dụng các thuật ngữ về sức khỏe tâm thần một cách miệt thị hay coi thường có thể gây hại, nó góp phần rất lớn vào sự kỳ thị xung quanh các rối loạn sức khỏe tâm thần.

Sử dụng các tình trạng bệnh, bao gồm các rối loạn sức khỏe tâm thần, không phải là cách ẩn dụ tốt.

Một vấn đề có vẻ nhỏ nhặt như lựa chọn từ ngữ có một phạm vi rộng hơn nhiều: Bệnh tâm thần thường bị xem như là một lỗi lầm cá nhân cần được sửa chữa, chứ không phải là một tình trạng bệnh cần điều trị.

Mọi người vẫn đánh đồng bệnh tâm thần với bạo lực và tội ác. Đó là lý do tại saongười ta thường âm thầm chống đỡ với những rối loạn này. Và cũng là lý do tại sao mọi người lại tùy tiện dùng những từ như "đồ tâm thần" để xúc phạm hoặc để gây ấn tượng.

Cách duy nhất để sửa chữa văn hóa này là trực tiếp xóa bỏ sự kỳ thị. Điều đó sẽ bắt đầu từ những lời mà chúng ta nói ra.

Dưới đây chỉ là một vài ví dụ về những thuật ngữ sức khỏe tâm thần đã ngấm vào ngôn ngữ hàng ngày - và những gì các chuyên gia khuyên chúng ta nên làm:

Lưỡng cực

Theo thuật ngữ y học, rối loạn lưỡng cực là một tình trạng sức khỏe tâm thần đặc trưng bởi những cơn hưng cảm và trầm cảm, là những rối nhiễu tâm trạng trên lâm sàng. Nhưng trong xã hội, từ này thường được dùng để mô tả những người mà tâm trạng thay đổi thất thường.

Rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến 2,6% số người lớn ở Mỹ. Và bất cứ ai từng trải qua đều có thể xác nhận rằng căn bệnh này không phải là thứ chỉ gây ra sự thay đổi về tình cảm hay thiếu quyết đoán, mà nó còn gây giảm sút đáng kể về giấc ngủ, năng suất và động lực.

Đây là chỗ giáo dục đóng một vai trò. Chúng ta càng hiểu về tác động của một rối loạn nào đó thì nó càng có cơ may trở thành bình thường trong xã hội. Điều đó có nghĩa là hãy nhìn nhận căn bệnh này như chúng ta nhìn nhận bất kì một vấn đề sức khỏe thể chất nào khác.

Chúng ta không kỳ thị những người bị ung thư, bệnh gan, tiểu đường, bệnh tim và chúng ta không nên làm như vậy với những người bị bệnh tâm thần –dù sao đi nữa thì đó là một bệnh của não. Và trên hết, những lời bình phẩm như thế sẽ gây tổn thương và khiến người bệnh không đi tìm sự giúp đỡ.

Điên rồ

"Điên rồ" được cho là một trong những cụm từ được sử dụng rộng rãi nhất. Trong khi ý nghĩa của nó chủ yếu là vô hại, nó có khả năng bắt nguồn từ một điều gì đó mang tính kỳ thị hơn - đặc biệt là khi sử dụng như một sự xúc phạm.

"Những từ như “điên” hay “phát cuồng” là chỉ kém hơn từ “nhạy cảm", Christine Moutier, giám đốc y tế của Quỹ Phòng ngừa tự tử Mỹ cho biết. "Nhưng đó là một thách thức vì một số cụm từ này đã quá quen thuộc trong đời sống hàng ngày đến mức hầu như không ai nhận ra chúng nếu không có người chỉ ra."

Tuy nhiên, bà Moutier tin rằng nó sẽ không luôn hằn sâu như vậy vào ngôn ngữ giao tiếp thông thường. Trong khi bệnh tâm thần bị các thế hệ trước xem là kỳ quặc hoặc thậm chí là tội ác, thì làn sóng ở giới trẻ đang bắt đầu lật lại các khái niệm sức khỏe tâm thần.

"Có sự tiến bộ rất lớn ở thế hệ trẻ hơn khi nói đến không kì thị," bà nói. "Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều người trẻ khá cởi mở về các vấn đề sức khỏe tâm thần của họ ... và tôi hy vọng sẽ hình thành xu hướng hưởng ứngtheo cách ủng hộthay vì đến từ sự thờ ơ."

Trầm cảm

Có một hiểu lầm rất phổ biến rằng trầm cảm chỉ đơn giản là từ để biểu thị sự buồn chán. Nhưngcó rất nhiều điều khác nữa xảy ra với tình trạng sức khỏe này - và những người bị bệnh có thể mất hết ý chí khi ai đó sử dụng thuật ngữ "trầm cảm" theo nghĩa bóng.

"Trầm cảm là một trải nghiệm sâu sắc hơn nhiều so với cảm giác buồn chán hay thất vọng," Moutier nói, rối loạn này cũng gây ra những vấn đề về giấc ngủ và các triệu chứng thể chất khác như đau đầu và thay đổi cảm giác thèm ăn. "Vấn đề với việc sử dụng từ này là nó khiến mọi người có ấn tượng rằng bệnh lý tâm thần chỉ là những trục trặc tạm thời chỉ xảy ra trong đầu".

Trầm cảm ảnh hưởng đến 350 triệu người trên toàn cầu và là một trong những nguyên nhân gây mất sức lao động hàng đầu trên thế giới. Đây là một trong những rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến nhất, nhưng nhiều người vẫn không tin rằng nó có thể ảnh hưởng đến họ hoặc gia đình của họ. Đó là lý do tại sao việc sử dụng thuật ngữ này như là một cách để mô tả cảm giác buồn bã lại không được mọi người để ý.

"Cần có sự hiểu biết, cảm thông và ủng hộ sâu sắc hơn," bà nói. "Những cụm từ này chắc chắn đang bị bỏ dần và chỉ cho thấy hầu hết chúng ta không hiểu đầy đủ về rối loạn này".

OCD

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive compulsive disorder – OCD) ảnh hưởng đến khoảng 2,2 triệu người. Đây là một rối loạn dẫn đến suy nghĩ ám ảnh và lo lắng cực độ.

Nhưng trong thuật ngữ tiếng lóng, OCD thường bị gán sai với nghĩa chỉn chu hoặc sạch sẽ. "Nói đùa về việc bị OCD khi ai đó chỉ là kĩ tính về một cái gì đó khiến cho bạn có vẻ không hiểu đầy đủ về rối loạn này," bà Moutier nói.

Như nhà văn Julie Zack Yaste giải thích, mọi người cũng có xu hướng xem những "đặc điểm" bị hiểu lầm của OCD như một cái gì đó thịnh hành hơn là nhìn thấy bản chất của bệnh:

OCD không có nghĩa là khó tính. Nó không có nghĩa là cầu toàn. Nó cũng không có nghĩa là giữ nhà sạch sẽ. Nó có nghĩa là sống một cuộc sống với cảm giác bất thường. Tôi hơi rúm người lại khi nghe ai đó nói: "Tôi quá OCD" đơn giản chỉ vì họ giữ căn bếp sạch bóng không một vết bẩn. Đó không phải là OCD. Có một nghĩa rộng gần như tích cực cho OCD vì nó gắn liền với bị lôi cuốn và sự sạch sẽ.

Điều quan trọng là đừng pha loãng những thuật ngữ này. Và, quan trọng nhất, là đừng điều trị bệnh tâm thần như những “nhãn dán”. Không ai "quá OCD" chỉ vì muốn chắc chắn là mình đã khóa cửa hoặc sắp xếp tủ giày gọn gàng.

"Bạn có thể có OCD, nhưng bạn không phải là OCD," ông nhấn mạnh.

Tự tử

Đây có lẽ là từ khó chịu nhất trong số nhữngthuật ngữ sức khỏe tâm thần bị sử dụng như tiếng lóng.

"Chúng ta phải giúp mọi người hiểu rằng bất cứ lúc nào có ai đó nói gì đó về tự tử, thì thế giới phải dừng lại và chúng ta phải chú ý vào người đó. Ngay ở đó. Ngay lúc đó", ông nói. "Nếu chúng ta nghe thấy điều này và họ nói rằng đó không phải thực sự là điều họ muốn ám chỉ, thì chúng ta cần phải bảo họ đừng nói như thế nữa vì tự tử là nghiêm trọng đến mức mọi chúng ta sẽphải tiếp nhận tất cả những phát ngôn về nó một cách nghiêm túc. Điều này thực sự quan trọng với những người thường tùy tiện đăng lên những bình luận kiểu như “Tôi đi chết đây".

Nhưng không chỉ những bình luận trực tiếp mới có kiểu tác động tiêu cực này. Những sáo ngữ tinh tế cũng có thể vô tìnhám chỉ sự tự tử. Ngay cả những thành ngữ thông tục như “Cứ giết tôi đi” có thể là kỳ thị, cô giải thích.

Cuối cùng, các chuyên gia đều nhất trí rằng có một ranh giới rất khó phân biệt giữa một người sử dụng theo nghĩa bóng và một người đang thực sự bày tỏ dấu hiệu rằng họ có ý định thực hiện một hành động làm hại cho chính mình. Nhưng mọi từ ngữ đều có ý nghĩa và việc hiểu được mức độ nghiêm trọng của các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể hiện sự thông cảm với cộng đồng này là rất quan trọng, bất kể đó chỉ là lời nói đùa hay là một cái gì đó nghiêm túc hơn.

Cẩm Tú

Theo Huffingtonpost

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây