Vì sốt xuất huyết , mỗi tuần 1.800 ca mắc, đã có 10 người chết từ đầu năm
Số ca nhập viện do sốt xuất huyết của cả nước hiện đang gia tăng nhanh chóng. Mỗi tuần có khoảng 1.700 - 1.800 người bệnh. Tại Hà Nội tính đến 22/6, số người bệnh sốt xuất huyết đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các quận nội thành, dân cư tập trung đông như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm đang là những khu vực trọng điểm sốt xuất huyết.
Chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo ông Hạnh, thông thường mùa dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội là tháng 9-11 hàng năm, nhưng năm nay mùa dịch bắt đầu từ rất sớm. Từ đầu tháng 5, đã có một nữ sinh viên 19 tuổi tử vong sau nhiều năm Hà Nội không có ca nào tử vong vì sốt xuất huyết .
Trong khi đó tại các tỉnh phía Nam, số người mắc bệnh sốt xuất huyết cũng đang tăng mạnh khi đang là mùa mưa. Lãnh đạo Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM cho biết, so với thời điểm này năm ngoái, năm nay số người bệnh nhập viện đã tăng lên gấp đôi. Lượng người lớn mắc bệnh ngày càng nhiều.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: Dù người sốt xuất huyết vẫn tập trung ở khu vực miền Nam (gần 70% người bệnh), nhưng gần 6 tháng đầu năm sốt xuất huyết cũng gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, tăng gần 190% so với cùng kỳ 2016. Đã có 10 người tử vong vì sốt xuất huyết.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ tính riêng tháng 6 năm nay, số lượng trẻ nhập viện do bệnh này đã tăng nhiều so với các tháng trước đó.
Thống kê của khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, trong số 27 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết, riêng tháng 6 đã chiếm 13 ca.
TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sốt xuất huyết là một bệnh rất nguy hiểm. Tuy nhiên, biểu hiện bệnh lại không rõ ràng khiến nhiều bậc cha mẹ dễ dàng bỏ qua.
Bé Trần P.L (7 tuổi, Hà Đông) được gia đình đưa vào viện điều trị sốt xuất huyết đến nay đã sang ngày thứ 7. Người nhà cho biết, trước khi vào viện 3 ngày, khi thấy con gái kêu đau rát họng, cha mẹ nghĩ cháu bị viêm họng do uống nước lạnh. Tuy nhiên, nửa đêm hôm đó cháu bắt đầu sốt 38oC. Trong hai ngày tiếp theo, nhiệt độ tiếp tục tăng cao, lên tới 40oC.
Kèm theo đó, bé bắt đầu có biểu hiện nôn nhiều không dứt. Gia đình vội đưa con vào Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, sau khi thăm khám và làm xét nghiệm máu, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt xuất huyết.
Một trường hợp khác là bé Lương P.T (7 tuổi, Hà Nội). Bé nằm viện đã hơn 1 tuần nay. Gia đình cho biết, trước khi vào viện 4 hôm, bé bỗng nhiên sốt cao 39,7oC .Gia đình tích cực chườm mát và cho bé uống thuốc hạ sốt nhưng tình hình không khả quan. 2 ngày sau, bé liên tục đau bụng, có biểu hiện khó chịu trong người.
Cha mẹ đưa trẻ vào bệnh viện khám thì được thông báo con mắc sốt xuất huyết. Được biết, quanh khu vực sinh sống của gia đình có nhiều người đã nhập viện vì bệnh này.
Cách nào nhận biết con trẻ bị sốt xuất huyết?
Theo các chuyên gia y tế, trẻ bị sốt xuất huyết cần được phát hiện sớm và điều trị đúng để phòng tránh các hậu quả đáng tiếc.
TS Lâm khuyến cáo: “Nếu trẻ lên cơn sốt trong thời điểm trong gia đình hoặc hàng xóm có người sốt xuất huyết thì nên nghĩ đến khả năng trẻ cũng mắc sốt xuất huyết”.
Thông thường, bệnh khởi phát với biểu hiện sốt cao đột ngột ở những trẻ trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Sốt kéo dài 2-7 ngày kèm theo các biểu hiện: Đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu.
Trong một số trường hợp, trẻ xuất hiện đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Trẻ nhũ nhi có thể có kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy.
Vào thời điểm này, những triệu chứng bệnh thường không đặc hiệu, không thể phân biệt với các loại sốt do virus khác.
Vào ngày thứ 2 của bệnh, trẻ thường có thêm các biểu hiện xuất huyết như: Xuất huyết ngoài da: các chấm đỏ không biến mất khi ấn vào. Trẻ bị chảy máu lợi, chảy máu chân răng. Trẻ nôn ra máu, đại tiện ra máu.
Từ ngày thứ 3-7 của bệnh, sốt bắt đầu hạ xuống mức 37,50C -380C hoặc thấp hơn. Một số bệnh nhi có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: lừ đừ, mệt mỏi, nôn nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to. Những trường hợp diễn biến đến sốc sốt xuất huyết (với biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹt không đo được) phải nhập viện cấp cứu ngay.
Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết ra sao?
Các bác sĩ khuyến cáo, chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà cần tuân thủ 4 nguyên tắc sau:
- Hạ sốt đúng cách: cho trẻ uống thuốc hạ sốt, lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và bù nước cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước: nước lọc, nước đun sôi để nguội, nước quả (cam, chanh, dừa tươi), nước canh, nước cháo và nên uống oresol; cho trẻ ăn đồ ăn loãng nhưng giàu dinh dưỡng dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa…
- Chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
- Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh nặng lên như: Trẻ nôn trớ nhiều, đau bụng; Bứt rứt, quấy khóc, li bì, chân tay lạnh, tím tái, vã mồ hôi; Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đại tiện phân đen.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn