Ở trẻ em, nhiều bà mẹ đau đầu bởi thói quen của những đứa trẻ lười ăn uống, từ chối các thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua… chỉ thích ăn trứng. Nhiều bà mẹ chia sẻ, họ bất đắc dĩ, không ép được con ăn thức ăn gì khác, đành phải cho bé ăn 2 quả trứng mỗi ngày.
Ở trẻ em, việc chuyển hóa nhanh hơn người lớn, nhưng nếu duy trì 2 quả trứng/một ngày thường xuyên cũng không tốt cho sức khỏe bởi thiếu đi nguồn dinh dưỡng cân đối, thừa cholesterol. Nguy hiểm nhất là tạo thành thói quen lâu dài sau này, lớn lên vẫn thích trứng
Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng, trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, trứng có đủ các thành phần dinh dưỡng.
Trong 100 gam trứng gà toàn phần người ta tính ra chứa 14,8 g chất đạm; 11,6 g chất béo; 55 mg can xi; 2,70 mg sắt; 47 µg folat; 210 mg phospho; 1.29 µg vitamin B12; 700 µg vitaminA; acid béo không no nhiều nối đôi 1,36 g; cholesterol 470 mg, cùng nhiều chất khóang, acid béo no và không no khác.
Riêng trong lòng đỏ trứng, giá trị dinh dưỡng cao hơn lòng trắng với 100 gam lòng đỏ có: protein 13,6 gam; lipid 29,8 gam; 134 mg can xi; sắt 7.0 mg; kẽm 3.7 mg; folat 146 µmg; vitamin A 960 µg; cholesterol 2000mg và có rất nhiều các vitamin và khoáng chất khác, cũng như acid béo không no một hay nhiều nối đôi.
Mặc dù trứng có chứa lượng cholesterol đáng kể (600 mg cholesterol/100g trứng gà), nhưng lại có tương quan thuận lợi giữa Lecithin và cholesterol trong trứng, do vậy có sự điều hòa cholesterol, ngăn ngừa quá trình xơ vữa động mạch và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể.
Với tỷ lệ dinh dưỡng cân đối, trứng có thể sử dụng cho cả trẻ em và người lớn và tốt khi sử dụng hợp lý.
“Với trẻ nhỏ từ 6 - 7 tháng tuổi một bữa ăn chỉ nên nửa lòng đỏ trứng; trẻ từ 8 - 9 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà hoặc 4 quả trứng chim cút; trẻ từ 10 - 12 tháng tuổi, 1 quả/1 bữa (ngày chỉ nên 1 lần); trẻ từ 1 - 2 tuổi ăn từ 3 - 4 quả/tuần.
Đặc biệt, với người lớn, một tuần chỉ nên ăn 3 quả/tuần. Riêng với người bị tăng huyết áp hoặc cholesterol cao trong máu vẫn có thể ăn trứng, vì nó không làm tăng huyết áp và cholesterol máu, nhưng chỉ nên 1- 2 quả/tuần”, BS Tiến cho biết.
Theo đó, từ khi nhỏ, có thể tập cho trẻ chế độ ăn giàu dinh dưỡng, phong phú các loại thực phẩm để trẻ em dần với nhiều món ăn mới. Như nấu cháo với lòng đỏ trứng, có thể dùng 1 lượng rất nhỏ thịt xay nhuyễn nấu lẫn. Ăn các loại cháo cá, tôm với các loại rau phù hợp để tăng sự hấp dẫn của món ăn.
Ở tuổi tập ăn cơm, món thịt xay tráng trứng, thịt cuốn lá lốt trộn trứng, nấm hương, gà chiên tẩm qua lòng đỏ trứng… sẽ giúp trẻ làm quen với thực phẩm mới dù vẫn có hương vị trứng quen thuộc nhưng lượng giảm đi rất nhiều.
Bên cạnh đó chế biến các thực phẩm tôm, cua, cá bắt mắt để trẻ làm quen, hình thành thói quen dinh dưỡng tốt, không lệ thuộc vào trứng.
Hồng Hải
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn