TS. Đỗ Duy Cường – Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cảnh báo, bệnh quai bị đang có xu hướng nổi lên trong mùa Đông Xuân. Tuy đây các bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì có thể có biến chứng và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh nhân mắc quai bị đang điều trị tại bệnh viện.
Gần đây nhất, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân P.T.H.H (35 tuổi, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 20/11 với triệu chứng sốt, đau đầu, sưng mang tai 1 tuần trước khi vào viện.
Bệnh nhân không đi khám tại cơ sở y tế mà tự mua thuốc về điều trị. Uống kháng sinh 5 ngày mà không đỡ, có biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn thì mới chịu vào viện. Tại Khoa Truyền nhiễm, XN dịch màng não tủy, bệnh nhân được xác định viêm màng não do virus.
Theo TS. Đỗ Duy Cường – Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại Paramyxo-virus tấn công chủ yếu các tuyến ngoại tiết, thông thường là tuyến nước bọt mang tai.
Bệnh quai bị lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi.
Bệnh nhân quai bị có khả năng lây truyền virus 3 ngày trước khi có biểu hiện lâm sàng (trước khi sưng tuyến nước bọt) cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh.
Thời gian ủ bệnh là 1-2 tuần. Các biến chứng của bệnh quai bị thường gặp là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tuỵ cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì), nặng hơn có thể gây viêm não- màng não...
“Teo tinh hoàn là nỗi lo lắng lớn nhất của nam giới trưởng thành khi mắc quai bị. Bởi khi virus tấn công, tinh hoàn sưng to gấp 2 - 3 lần bình thường, người bệnh rất đau. Sau 7 ngày, dù không điều trị, phần lớn tinh hoàn cũng sẽ giảm sưng đau và trở về bình thường. Nếu được điều trị bằng các thuốc chống viêm, giảm đau tình trạng sưng đau sẽ giảm nhanh hơn. Tuy nhiên bệnh nhân cần được theo dõi sát đề phòng biến chứng teo tinh hoàn sau này”, TS Cường nói.
Tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, thời gian qua cũng ghi nhận các ca nam giới bị viêm tinh hoàn do quai bị.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, ở trẻ nhỏ (trước tuổi dậy thì) quai bị là bệnh khá lành tính, có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, ở lứa tuổi lớn hơn và người lớn mắc quai bị có nguy cơ bị biến chứng cao hơn, trong đó lo ngại nhất là viêm tinh hoàn ở nam giới, có thể gây vô sinh.
Theo đó, hiện nay có một số nam giới tìm đến bệnh viện gửi tinh trùng đề phòng “bất trắc” về sau.
Nhiều nam giới đi gửi tinh trùng đề phòng bất trắc về sau.
BS. Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn, Hà Nội, cho biết, số bệnh nhân từng bị quai bị tìm đến gửi tinh trùng có rất nhiều. Việc gửi tinh trùng có thể thực hiện sau khi bị quai bị 1 tháng vì khi đó tinh hoàn chưa teo hết, chất lượng tinh trùng vẫn ổn định.
Bác sĩ Lợi cho biết, không phải bệnh nhân nào khi bị quai bị cũng vô sinh. Bệnh quai bị có tỷ lệ gặp biến chứng viêm teo tinh hoàn chiếm khoảng 20-30% số ca mắc, thường gặp ở nam giới ở độ tuổi dậy thì hoặc sau dậy thì. Ở những người bị biến chứng này, họ có thể bị teo tinh hoàn dẫn tới vô sinh.
Để phòng ngừa, chuyên gia khuyến cáo, tất cả mọi người chưa từng bị quai bị lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vắc-xin ngừa quai bị đều có khả năng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ.
Viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh, biến chứng não gây rối loạn ý thức, co giật.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn