Ăn nhiều gấp đôi so với khuyến cáo
Công bố của Bộ Y tế về các yếu tố nguy cơ với bệnh không lây nhiễm được điều tra trong năm 2015 cho thấy, lượng tiêu thụ muối của một người Việt trung bình là 9,4 g muối trong 1 ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO (dưới 5 g một người 1 ngày).
Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong 3.740 đối tượng tham gia nghiên cứu thì có đến 70,3% người có thói quen thường xuyên thêm muối/bột canh hoặc trộn mắm vào thức ăn trước hoặc trong khi ăn.
Cũng trong số này cho thấy đa số đối tượng thường xuyên sử dụng thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao, rơi nhiều nhất vào nhóm người trẻ từ 18 – 29 tuổi.
Thế nhưng đến gần 70% cho rằng họ sử dụng lượng muối vừa phải, khoảng 14,6% cho rằng dùng ít hoặc rất ít.
Theo TS Bắc, sở dĩ nhiều người cứ ngỡ mình ăn ít muối, nhưng thực ra lại nạp lượng muối rất lớn vào cơ thể, bởi họ sử dụng nhiều loại gia vị khác nhau trong một bữa ăn, từ nước mắm, bột nêm, bột canh… đến mắm tôm. Ngoài ra người tiêu dùng chưa nhận diện được các loại thức ăn chứa nhiều muối.
Trong khi đó, ăn nhiều muối là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam, chiếm khoảng 33% tổng số tử vong. Một trong những nguyên nhân quan trọng gây bệnh tim mạch là người Việt sử dụng lượng muối nhiều, gấp 2 lần so với khuyến cáo.
“Phần lớn người được hỏi biết rằng ăn nhiều muối sẽ có tác động không tốt đến sức khỏe và cũng phần lớn đến 70% cho rằng họ chỉ ăn lượng muối vừa phải mà không hề biết rằng mình ăn quá nhiều muối. Trong khi thực tế, lượng “vừa phải” này đã cao gấp đôi so với khuyến cáo, kéo theo một loạt nguy cơ các bệnh lý kể trên”, TS Bắc nói.
Nhận diện thức ăn nhiều muối
Cũng trong điều tra này hé lộ nguyên nhân khiến người Việt ăn nhiều muối mà không biết, bởi họ quan niệm muối chỉ đơn thuần là muối hạt, muối tinh, bột canh mà không chú ý đến lượng gia vị, thức ăn nhiều muối ăn hàng ngày.
Trong khi đó, gia vị chứa muối có rất nhiều loại từ bột canh, hạt nêm, muối ớt, muối tiêu; gia vị chứa muối dạng lỏng gồm có nước mắm, xì dầu, tương, mắm tôm.
“Cần ghi nhớ, thành phần chủ yếu của muối trong khẩu phần ăn của chúng ta là natri. Natri cũng có trong mì chính (bột ngọt), một loại gia vị người Việt sử dụng rất phổ biến”, TS Bắc nói.
Ngoài ra phải kể đến các thức ăn chứa nhiều muối mà truyền thống người Việt ăn phổ biến là cà muối, dưa muối, kim chi, cá muối, thịt muối.
Ngay trong các đồ ăn vặt như bim bim, bánh mặn; muối có trong đồ hộp, đồ ăn sẵn như thịt hộp, pho mát, giăm bông, mỳ tôm, xúc xích ruốc, mắm tép chưng thịt.
Để không “vô tình” nạp nhiều muối không kiểm soát được, các chuyên gia khuyến cáo người dân không để sẵn nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn; Hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… cho vào thức ăn khi nấu.
Mức tối đa không quá một phần năm thìa cà phê m2uối cho một bữa ăn của một người/ngày; Hạn chế thường xuyên sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao như khoai tây chiên; Yêu cầu các sản phẩm có hàm lượng muối thấp khi mua thực phẩm chế biến sẵn; Đọc nhãn khi mua thực phẩm đã được chế biến sẵn để kiểm tra hàm lượng muối; Nên cho trẻ ăn thực phẩm tự nhiên và không thêm muối.
Được biết, hiện WHO đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch hành động toàn cầu để giảm gánh nặng bệnh không lây nhiễm, trong đó có mục tiêu giảm lượng muối tiêu thụ toàn cầu xuống khoảng 30% vào năm 2015. WHO khuyến cáo trẻ em từ 2 đến 15 tuổi chỉ nên ăn ít muối hơn so với lượng muối khuyến cáo cho người lớn, đó là ít hơn 5gam một ngày và được điều chỉnh thích hợp với nhu cầu năng lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Hồng Hải
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn