Khi cầm trên tay cuốn tản văn Ruy băng vàng phơ phất, độc giả hẳn sẽ bị ấn tượng với hình ảnh từng dải ruy băng dài buộc trên song cửa sổ cùng với những chiếc lá vàng bay bay trong gió được in trên bìa sách. Thực ra, ruy băng vàng là một biểu tượng mang rất nhiều ý nghĩa trong văn hóa nói chung. Khi chiến tranh nổ ra, những người con gái thường thắt ruy băng vàng để bày tỏ nỗi nhớ nhung và thủy chung chờ đợi người thương yêu chiến đấu nơi xa, mong ngóng họ trở về.
Trong ca khúc “Tie a yellow ribbon ‘round the old oak tree”, hình ảnh ruy băng vàng lại biểu tượng cho sự yêu thương, bao dung và tha thứ. Cô gái trong bài hát đã buộc lên cây sồi già cả trăm dải ruy băng vàng rực rỡ để hồi đáp cho lá thư của người chồng sắp cưới trước ngày anh ta mãn hạn tù. Trong thư, anh đã xin cô buộc lên cây sồi một dải ruy băng vàng nếu còn yêu và thứ tha cho mình. Ngồi xe buýt từ nhà tù về, nếu thấy ruy băng, anh sẽ ở lại còn nếu không thì anh sẽ đi biệt như chưa hề tồn tại và không oán giận hay trách cứ gì cô gái.
Còn những chiếc lá vàng bay nhẹ nhàng trong làn gió thì lại nhắc đến sự úa tàn, rơi rụng. Lá vàng gợi cho người ta cảm giác cô đơn trong tiết trời se lạnh của mùa thu, gợi nỗi buồn của những chia ly. Sắc vàng của lá hòa quyện với sắc vàng của ruy băng như báo trước những câu chuyện trong sách có cô đơn, có buồn hiu hắt nhưng vẫn sẽ thắp lên trong lòng người đọc niềm tin vào tình yêu thủy chung son sắt và hy vọng vào một tương lai tươi đẹp.
“Ruy băng vàng phơ phất” là cuốn sách mang hơi thở mùa thu Hà Nội rõ nét. “Nắng mùa thu dường vẫn còn gay gắt. Nhưng sớm mùa thu thì gió rất trong. Tối mùa thu thì sương chùng chình bảng lảng như khói và bàng bạc trăng cao phủ một lớp óng ánh lên mọi thứ. Và, hoa sữa.” Những câu văn tinh tế đã gọi ra cái hồn của mùa thu đất Hà thành. Người đã từng được trải qua mùa thu ở đây sẽ ngay lập tức ngửi thấy mùi hoa sữa nồng nàn bay trong gió trong ký ức của mình. Còn những người chưa từng được tận hưởng thì chỉ muốn xách ngay balo lên và đi để được bước chân trên thảm lá vàng, ngửi mùi hoa sữa vây quanh.
Những câu chuyện trong cuốn sách nhẹ nhàng như thu Hà Nội. Chuyện về cô gái nhỏ ngốc nghếch chỉ cần được đứng trước hoa huệ sông Nile thì trưng ra ngay cái bộ mặt “tôi đang ở thiên đường đây” nhưng lại không biết rằng cái tên Lily của mình chính là tên của loài hoa ấy. Khi Lily dặn Phan rằng: “Thiên đường chờ em về nhé!” Và Phan đáp trong tâm tưởng rằng: “Con nhỏ ngốc nghếch. Tất nhiên là thiên đường thì vẫn ở đây.” Câu chuyện kết thúc mà không có hề có một câu tỏ tình nào nhưng lại khiến người đọc thích thú với ý nghĩ rồi tình cảm này rồi sẽ đâm chồi nảy lộc thành tình yêu. Độc giả có thể thỏa thích viết tiếp câu chuyện của Lily và Phan theo những hi vọng của chính bản thân mình.
Lax viết về một cô gái yêu thương, chiều chuộng một chàng trai hết mực. Nhưng rồi anh ta có người khác, người mới trong một lần gặp mặt còn hất nước vào cô, anh ta chỉ ngồi nhìn. Giọng văn của Lax lúc đó có nổi giận, có cáu điên nhưng rồi cô lại nhanh chóng trở về với cái nhẹ nhàng, tinh tế của mình: “nhìn đi nhìn lại em không còn giận. Chỉ còn một nỗi thương mênh mông.” Lax không đưa người đọc đến những cảm xúc thù hận hay buồn thương, cô mong mỏi nhân vật và cả người đọc “nhìn thấy mầm xanh nhú lên giữa tro tàn.” Dù viết về sự phản bội nhưng tác giả vẫn thắp lên hi vọng cho mọi trái tim yêu.
Sự lựa chọn giữa tình bạn và tình yêu cũng được tác giả miêu tả rất tinh tế và chân thật. Nhân vật của Lax đã phải thốt lên: “Tôi chẳng bao giờ dám nói với Vil về tình cảm của mình. Nhỡ đâu Vil từ chối? Nhỡ đâu Vil ghét tôi? Nhỡ đâu tình bạn của chúng tôi vì đó mà tan tành.” Tình yêu mang đến cho con người ta cảm xúc mãnh liệt, hạnh phúc ngập tràn nhưng quá đỗi vô định. Còn tình bạn thì bền bỉ, gắn bó dài lâu. Khi trái tim lỗi nhịp, tâm hồn có những xao xuyến bất thường, chúng ta sẽ phải lựa chọn thế nào? Nếu rung động là đến từ hai phía nhưng vì cả hai đều không dám nói ra rồi để lỡ nhau thì chúng ta có hối hận? Nhưng nếu nói ra rồi lỡ hai trái tim không cùng nhịp đập, tình bạn của chúng ta rồi sẽ ra sao?
Giọng văn của Lax nhẹ nhàng gợi những cảm xúc tươi đẹp trong lòng người đọc. Những câu chuyện có kết thúc mở để người đọc tự viết tiếp nội dung theo mong ước của bản thân. Không cần những mối tình lâm li, bi đát hay nồng nàn cuồng nhiệt, giọng văn chân thật và bình dị của tác giả đã giúp người đọc thấy được hình bóng chính mình ở từng trang sách.
Mang theo cái se lạnh và gió heo may của mùa thu Hà Nội, những câu chuyện trong Ruy băng vàng phơ phất đậm cảm xúc nhung nhớ, vấn vương nhưng cũng đem đến cho bạn đọc dũng khí để buông bỏ và lãng quên. Gấp lại quá khứ, viết tiếp hiện tại và vươn tới tương lai để hạnh phúc lại ngập tràn.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn