12 điều xúc động ở "lão Quềnh" Hán Văn Tình làm tất thảy vừa thương, vừa phục!

Thứ năm - 08/09/2016 17:00

12 điều xúc động ở "lão Quềnh" Hán Văn Tình làm tất thảy vừa thương, vừa phục!

Trong tang lễ của NSƯT Hán Văn Tình hôm qua, rất nhiều câu chuyện đầy xúc động về ông đã được người thân, bạn bè và nghệ sĩ Việt kể lại.

Chiều qua 7/9, lễ viếng nghệ sĩ ưu tú Hán Văn Tình đã diễn ra tại Nhà tang lễ Thành phố Hà Nội. Không chỉ có gia quyến, bạn bè, thân hữu cùng đông đảo nghệ sĩ Việt nhiều thế hệ mà không ít người hâm mộ, yêu quý "Chu Văn Quềnh" cũng đến viếng, tỏ lòng thành kính với nam diễn viên Đất và người.

Tại đây, những câu chuyện về người nghệ sĩ tận tụy với nghề, người đồng nghiệp chân thành, người chồng - người cha giản dị quá đỗi đã được kể lại. Trong mắt hầu hết mọi người, "lão Quềnh" ngoài đời là một người rất hiền lành, nghị lực, sống trong nghèo khó nhưng luôn luôn lạc quan. Đặc biệt, ông có một niềm say mê nghệ thuật khó rời, dù cuộc sống chẳng hề dư dả sau bao năm trong nghề.

 

Xúc động hơn cả, trong giờ phút tiễn biệt, điếu văn tang lễ NSƯT Hán Văn Tình vang lên cùng giọng đọc rưng rưng của nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam khiến ai nấy đều không thể kìm lòng. Điếu văn nói về cuộc đời, sự nghiệp với nhiều điều đặc biệt ở Hán Văn Tình. Trong đó, ông  được coi là một nghệ sĩ tài hoa, đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật, được đông đảo khán giả yêu mến qua nhiều vai diễn trên sân khấu lẫn truyền hình. Vì lâm trọng bệnh đã không thể qua khỏi và mất ngày 4/9/2016.

Nhiều nghệ sĩ Việt khi nhắc về Hán Văn Tình đều dành cho ông một tình cảm chân thành bởi ông đã đối xử với tất cả mọi người bằng sự giản dị, đôn hậu.

Cuộc đời của nam nghệ sĩ sinh ra trong nghèo khó và đến khi lâm chung vẫn không hết cái nghèo. Thế nhưng ở đó có nhiều điều đặc biệt mà không ít người phải nể phục.

Cậu bé nhà bần nông sinh ra tại làng "nói khoác"

Nghệ sĩ Hán Văn Tình sinh ngày 7/12/1958 tại làng Văn Lang, xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ trong một gia đình bần nông có truyền thống cách mạng, cha là bộ đội nghỉ hưu, mẹ làm nông.

Cái làng của Hán Văn Tình vốn nổi tiếng cả nước bởi câu "Văn Lang cả làng nói phét", nơi sinh ra nhiều câu chuyện cười đầy dí dỏm. Miền đất ấy vốn nghèo nên mọi người mượn tiếng cười để quên đi những cực nhọc. Cả làng ai cũng vui tính, hòa nhã. Cái hài của đất và người Văn Lang đã ngấm vào Hán Văn Tình như thế để rồi san này trở thành một trong những diễn viên hài được công chúng mến yêu.

 

Học lớp 7 đã dám khăn gói lên Hà Nội thi diễn viên

Từ năm 1961 - 1972, Hán Văn Tình học tại quê nhà. Đến năm 1972 - 1976, Hán Văn Tình là học sinh lớp diễn viên khoa Tuồng, Trường đào tạo Sân khấu Việt Nam, nay là Trường Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Từ cậu bé sinh ra ở đồi chè Phú Thọ, từ thuở nhỏ, Hán Văn Tình đã bén duyên với nghệ thuật tuồng khi những đoàn nghệ thuật về quê biểu diễn. Một lần, trường đào tạo sân khấu về quê thông báo thi tuyển, Hán Văn Tình đã rất háo hức. Mới học lớp 7, cậu bé Tình đã khăn gói lên Hà Nội thi tuyển và theo học.

Bị bạn bè cười chê vì ngoại hình nhỏ thó, tóc mọc không đều

Được học trường đào tạo sân khấu nhưng quá trình học tập, cậu bé Tình gặp nhiều trở ngại, do ngoại hình thấp nhỏ, tóc lại mọc không đều. Hán Văn Tình bị bạn bè cười chê và nhiều người phản đối vì "nhan sắc" không thuận lợi cho sự nghiệp diễn xuất. NSND Lê Tiến Thọ cũng từng kể rằng, khi Hán Văn Tình thi tuyển, chỉ có ông đồng ý.

Ngay từ khi nhận tin được học lớp diễn viên, Hán Văn Tình ngày đêm lo lắng và tâm sự qua mấy vần thơ nôm na rằng: "Các bạn nhìn em, các bạn cười. Em nhìn các bạn, lệ tuôn rơi. Cửa trường nghệ thuật đang khép lại. Sự nghiệp từ đây đã hết rồi".

Nhưng với quyết tâm học tập chăm chỉ cùng sự động viên của thầy cô giáo và những người bạn tốt, Hán Văn Tình đã có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại ấy.

 

Người nghệ sĩ trên chiếc xe cà tàng và không ngại mọi việc từ sửa xe, bơm vá

Sau khi ra trường năm 1977, Hán Văn Tình công tác tại Đoàn tuồng Trung ương, nay là Nhà hát tuồng Việt Nam. Tại đây, ông là một nghệ sĩ yêu nghề, luôn hết lòng tận tâm vì nghiệp Tổ với cách sống gần gũi thân thiết, nhiệt tình. Tính ông xuề xòa nhưng rất thẳng thắn, ghét nhất tính nịnh bợ, xun xoe.

Nghệ sĩ Hán Văn Tình cũng không nề hà mọi việc từ lái xe, trang trí sân khấu đến những việc lao động chân tay như sửa xe, bơm vá. Hàng ngày, người nghệ sĩ vẫn "cưỡi" chiếc xe máy cà tàng để đi làm.

Ngoài đời, mọi người quên tên thật và gọi ông 'Bác Quềnh ơi, bác Chu Văn Quềnh'

Hán Văn Tình luôn được đông đảo anh chị em, bạn bè đồng nghiệp quý mến. Trên sân khấu tuồng, ông là diễn viên tài năng, cống hiến hết mình. Nhiều vai diễn của nghệ sĩ Hán Văn Tình đã đi vào lòng người, ông còn sáng tạo trong những vai tuồng mang dấu ấn cá nhân như vai Lý Đại Hỷ trong Hoàng Hôn Đen, Ngự Y trong Tiếng thét giữa Hoàng cung, Sứ Nguyên trong Trần Hưng Đạo...

Bên cạnh những thành công trong lĩnh vực sân khấu tuồng, nghệ sĩ Hán Văn Tình tham gia nhiều bộ phim truyền hình, hài Tết như Khuỳnh trong hài Tết Râu quặp, Sở trong Bão qua làng, Lão Trọc trong Canh Bạc, Tuần trong Người thổi tù và hàng tổng, Ông chủ xóm trọ trong Phía trước là bầu trời...

Đặc biệt, ông đã để lại nhiều ấn tượng, được nhiều khán giả mến mộ bằng vai Chu Văn Quềnh trong phim Đất và người, với cái đầu trọc, hàng ria mép và nụ cười xởi lởi nhưng đầy hàm ý qua câu nói "Không thể hoãn cái sự sung sướng ấy được". Ông làm cho người xem quên mất đi tên nghệ sĩ Hán Văn Tình và thay vào bằng tên "Chu Văn Quềnh". Trong điếu văn, nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn đọc rằng: "Hán Văn Tình đi tới đâu, mọi người đều quen gọi 'Bác Quềnh ơi, bác Chu Văn Quềnh'..."

 

Hàng loạt huy chương, danh hiệu trong sự nghiệp

Trong suốt chặng được nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Hán Văn Tình đã được Bộ Văn hóa - Thể Thao & Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng 5 Huy chương trong các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 1984, ông được UBND thành phố Hà Nội danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được Bộ VHTT trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2002-2003. Bên cạnh đó, ông còn nhận được Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ, Đảng ủy khối Cơ quan Trung ương... vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông cũng nhận được huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam. Năm 2001, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Ở Nhà hát, nghệ sĩ Hán Văn Tình được giao nhiều trọng trách như đảm nhận vị trí Trưởng đoàn 2 Nhà hát tuồng Việt Nam, Bí thư BCH chi ủy đoàn biểu diễn 2, Bí thư Đoàn TNCS Nhà hát, Chủ tịch công đoàn Nhà hát, Ủy viên BCH công đoàn Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch.

Ở tuổi 50 vẫn còn cắp sách đi học

Gia đình nghèo, việc Hán Văn Tình theo đuổi nghệ thuật là cả một chặng đường gian nan. Người nhà của nam nghệ sĩ đã luôn lo sợ Hán Văn Tình không vượt qua được khó khăn. Nhưng với quyết tâm không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, dù ở tuổi 50 ông vẫn theo học tại Học viện Hành chính Quốc gia và đạt tấm bằng xuất sắc.

Không bao giờ nề hà việc học cũng như ngại vì "già", "lão Quềnh" rất chăm chỉ. Ông đặc biệt tâm đắc khi được tìm hiểu về luật pháp, hệ thống nhà nước.

Đến cuối đời vẫn sống trong căn nhà tạm

Hoạt động nghệ thuật lâu năm, từ diễn tuồng, đóng phim đến tham gia quảng cáo, làm MC truyền hình thế nhưng NSƯT Hán Văn Tình nghèo vẫn hoàn nghèo.

Những giờ phút cuối cùng của đời mình, ông vẫn sống trong căn nhà tạm ở Từ Liêm, Hà Nội. Thậm chí khi ông mất, bà Lan - vợ của Hán Văn Tình đã phải vay tiền để lo hậu sự cho chồng. Tài sản nghệ sĩ Hán Văn Tình để lại cho đời chỉ là những vai diễn mang dấu ấn "thương hiệu" riêng của mình.

 

Nghèo nhưng "một mình một phách", không chạy sô

Chẳng dư dả gì nhưng bản thân nghệ sĩ Hán Văn Tình chưa bao giờ nhận mình là người "hoàn cảnh". Ông cũng rất ngại nếu có ai quyên góp, ủng hộ trong thời gian bị bệnh. Khi còn khỏe mạnh, trong khi các nghệ sĩ mải miết chạy sô để thu nhập cao và ổn định cuộc sống thì Hán Văn Tình vẫn một lòng đam mê sân khấu và gánh vác thật tốt những trọng trách của mình ở Nhà hát.

Theo nghệ sĩ Quang Tèo chia sẻ, người đồng nghiệp Hán Văn Tình là con người "một mình một phách", ông không mải chạy sô, mà chỉ muốn dành thật nhiều tình yêu cho nghệ thuật tuồng.

Bị quỵt tiền cát-xê vì quá thật thà

Ca sĩ Minh Quân và ca sĩ Hồ Quang 8 đều tâm sự rằng, nghệ sĩ Hán Văn Tình từng nhiều lần bị quỵt tiền cát-xê. Anh là người quá thật thà, không bao giờ đòi hỏi điều gì cho bản thân, không cần biết thù lao bao nhiều và luôn chịu thiệt về mình. Khi các bầu sô "xù" tiền anh vẫn cư xử nhẹ nhàng, thậm chí thông cảm với họ.

Nhắc lại những điều này, các nghệ sĩ đều thấy tội cho Hán Văn Tình nhưng cũng phục vì cách đối nhân xử thế ở anh mà họ phải học hỏi, noi theo.

Nằm trên giường bệnh vẫn quan tâm tình hình chính sự và thấy "Thường thôi" dù đau đớn

Trong con mắt các đồng nghiệp, bạn bè, NSƯT Hán Văn Tình luôn là con người vui vẻ, hết lòng với mọi người. Khí phách của người nghệ sĩ hiền lành còn được thể hiện bằng sự cam trường, chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo.

Ngay cả những ngày đau đớn nằm trên giường bệnh, ông vẫn rất lạc quan và đặc biệt rất quan tâm đến tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Hồi nằm trong bệnh viện giữa lúc máy bay CASA mất tích, ông vẫn theo dõi tin tức rất sát sao.

Còn mỗi khi được hỏi về bệnh tật, anh chỉ nói "Ai bị bệnh mà không buồn chứ? Nhưng phải lạc quan đối diện thôi!" Ngay cả khi đau đớn, anh vẫn cố chịu đựng và nói "Vẫn ổn thôi". Có giai đoạn, mặt mũi nam nghệ sĩ sạm đen lại, phù nề, người nổi nhiều hạch vô cùng đau đớn, nhưng ai đến chơi ai vẫn gắng gượng nở nụ cười.

 

Người cha nghiêm khắc, người chồng luôn sợ vợ buồn

"Nghệ sĩ Hán Văn Tình là một người con hết mực hiếu thảo, một người chồng thủy chung, một người cha đôn hậu", gia quyến xúc động òa khóc khi điếu văn tang lễ nghệ sĩ Hán Văn Tình đọc đến đây. Ngoài đời, theo chia sẻ của bà con lối xóm, Hán Văn Tình là người hiền lành nhưng anh cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy 2 con.

Với vợ, nghệ sĩ Hán Văn Tình được nhận xét là hơi... sợ vợ. Anh rất sợ vợ buồn nên đi đâu thường nhớ bạn bè gọi về cho bà Lan để bà xã yên tâm. Vợ chồng "lão Quềnh" đều sống rất dung dị, dân dã. Cùng nhau sống trong cái nghèo, có những lúc ông đã day dứt vì không nuôi nổi vợ con. Bà Lan là người thương chồng, thương con hết mực và có tính chịu đựng. Những ngày qua khi ông xã ra đi, bà vẫn can trường đứng vững và đôn đáo lo hậu sự cho chồng được chu toàn.

Bà Lan cho biết, sau hai năm chồng mắc bệnh ung thư, hoàn cảnh gia đình càng thêm khó khăn nhưng gia đình đã được các Tăng Ni, Phật tử, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và bà con lối xóm cùng chung tang giúp đỡ ba mẹ con bà. Chỉ còn vài ngày nữa, tro cốt nghệ sĩ Hán Văn Tình sẽ được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê hương Tam Nông, Phú Thọ, bà đã có thể an lòng hơn vì hoàn thành tâm nguyện của người chồng yên mến.

 

Kỷ niệm đặc biệt của các nghệ sĩ đối với NSƯT Hán Văn Tình:

Nghệ sĩ Quang Tèo: "Cách đây chừng một tháng, rất nhiều cơ quan báo chí đã gọi điện cho Quang về vụ cho là Quang Tèo buôn lậu ngà voi . Thực tế đó là bức ảnh Quang chụp cùng nghệ sĩ Hán Văn Tình khi hai anh em cùng đi quay cho phim "Thông gia đón Tết" và mượn bối cảnh ở một gia đình, họ có trưng bày một cặp ngà voi rất đẹp. Không biết vì mục đích gì, những người đăng tải đã cho rằng Quang buôn lậu ngà voi xuyên quốc gia nhưng trong bức ảnh chú thích rằng người đàn ông đeo kính - tức Hán Văn Tình không liên quan đến vụ việc. Đó cũng là một kỷ niệm đặc biệt với anh Hán Văn Tình.

Anh Tình với Quang là bạn diễn thân thiết, đặc biệt có một series phim hài Tết với nhau, năm nay không biết lấy ai thay thế đóng "Thông gia đón Tết", mất đi một thông gia rồi. Thực sự rất đau buồn, chẳng biết nói gì. Lúc này chỉ biết tiễn biệt anh và mong anh thanh thản nơi chín suối cũng như cầu mong anh phù hộ cho anh chị em nghệ sĩ nhiều sức khỏe để phục vụ cho người dân, khán giả".

MC Thảo Vân:"Lần cuối tôi gặp anh Tình còn tỉnh táo là khoảng ngày 8/8. Anh Tình khi ấy cười nói như không hề có chuyện gì. Khi nhắc đến tình hình bệnh tật, đau ốm, anh cũng chỉ cười bảo: 'Thôi, thế thôi'. Bởi anh cũng hiểu rõ việc mình tồn tại được thời gian qua cũng là một sự may mắn".

Nghệ sĩ Trà My:"Cách đây hai tháng, anh Tình không chịu ăn uống gì. Tôi mới mua bún tôm vào dỗ anh ăn bằng được. Lúc tôi hỏi 'Có ngon không?', anh bảo tôi rằng: 'Ngon lắm vì lạ miệng'. Lần ấy, tôi không bao giờ quên được vì thấy thương anh quá",

Nguồn tin: eva.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây