Cụ thể, đến ngày 25/5/2017 tín dụng tăng 6,53% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 5%, cùng kỳ năm 2015 tăng 4,5%); cùng với mặt bằng lãi suất được giữ ổn định đã đáp ứng tốt cho nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Trên thực tế, tín dụng đang tăng tốc rất nhanh.
Nhiều ngân hàng tính đến quý I có dư nợ cho vay vượt khá xa mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống như: Vietinbank tín dụng tăng 5,6% so với cuối năm ngoái; Vietcombank tăng 8,3 %; VIB tăng 5,7%... LienVietPostBank tăng tới 11%, Kienlong Bank 10,3%, ACB 8,3%...
Trước đà tăng “thần tốc” này, Bản tin tiền tệ mới phát đi của công ty chứng khoán BVSC bình luận: Sự bứt phá này thể sẽ dẫn tới hai kịch bản. Một là các ngân hàng phải xem xét hãm bớt đà tăng trưởng, siết lại hoạt động cho vay trong ba quý còn lại để vẫn nằm trong chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN chấp thuận từ đầu năm (đặc biệt đối với nhóm các ngân hàng tốp đầu có quy mô cho vay lớn). Hai là các ngân hàng sẽ xin NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên một mức cao hơn.
Tín dụng tăng mạnh từ đầu năm đến nay
BVSC còn dự đoán: một số ngân hàng đã xử lý khá mạnh tay nợ xấu, có hoạt động cho vay lành mạnh sẽ có thể được NHNN “bật đèn xanh”. Điều này diễn ra cùng với diễn biến một số ngân hàng vừa kiến nghị NHNN xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% khiến người ta phỏng đoán dù muốn hay không cung tiền ra nền kinh tế vẫn phải tăng và lo nhất vốn không “chảy” đúng địa chỉ? Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng vụ các tổ chức tín dụng cho hay không có chuyện đó xảy ra.
“Hiện tăng trưởng tất cả các lĩnh vực đều đang trong tầm kiểm soát. Cho vay BOT rất thấp, vay bất động sản đều dưới quy định. Thống đốc yêu cầu rất chặt chẽ từ nay đến cuối năm, cũng tiền ra chỉ cho vào sản xuất. Cụ thể ở đây là các lĩnh vực như cho vay công nghệ phụ trợ, vay nông nghiệp công nghệ cao”, ông Hùng nói.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định nhất quán quan điểm điều hành không “nới lỏng” chính sách tiền tệ. “Sẽ không có chuyện NHNN mạnh tay “nới” room tín dụng cho các ngân hàng”, Thống đốc nói. |
Dẫu vậy, nhìn nhận về mối quan hệ giữa tăng trưởng, lạm phát và chính sách tiền tệ, TS kinh tế Nguyễn Thế Anh lưu ý rằng: Với mục tiêu ổn định lạm phát, NHNN cần đảm bảo cung tiền không tăng quá 12-15% mỗi năm.
Những năm vừa qua mặc dù có giảm so với trước đây nhưng tốc độ tăng trưởng cung tiền vẫn xấp xỉ trên 20% mỗi năm. Như thế là quá nhiều, sức ép lạm phát và nguy cơ mất giá tiền tệ luôn luôn thường trực trong nền kinh tế Việt Nam.
“Mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN đặt ra là 18% tương đương với năm 2016. Tuy nhiên, nếu kịch bản lạm phát trong các tháng tới tiếp tục trong vòng kiểm soát, thì khả năng NHNN có thể sẽ nới thêm 1-2% tăng trưởng tín dụng so với mục tiêu ban đầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh GDP đạt mức khá thấp trong quý I vừa qua.
Chỉ số CPI bất ngờ giảm mạnh trong tháng 5 do sự lao dốc của giá thịt lợn đang mang đến nhiều cơ hội để NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức vừa phải. ”, BVSC khuyến cáo.
“Cả hệ thống mới đang hồi phục bước đầu, rất nhiều ngân hàng vẫn đang nặng gánh với nợ xấu. Vì thế, bất kỳ sự nôn nóng nào trong tăng trưởng dẫn đến sự suy giảm trong chất lượng tài sản cũng cần được NHNN theo dõi chặt và kiểm soát kịp thời”, một chuyên gia đầu tư trên thị trường tài chính khuyến cáo.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn