Đây là kết luận trong báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cách nay chưa lâu, khi hỏi các DN về đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp dịnh Thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng dù có những thách thức trong cạnh tranh nhưng DN vẫn nghiêng về hướng tích cực.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với nhận định trên. Bởi theo số liệu thống kê, khối DN bán lẻ ngoại đang ồ ạt đổ bộ vào nước ta và hiện chiếm 58% bán lẻ hiện đại trong khi bán lẻ nội còn hơn 41%.
Hình minh họa
Bởi thế, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nhận xét rằng nghiên cứu trên chưa sát với thực tế. Thực tế DN Việt nói chung có đến 90% nhỏ và vừa, yếu đủ thứ. Riêng nhà bán lẻ đã teo tóp và ngày càng teo tóp. Do đó việc khảo sát cần phải phúc tra lại, vì chỉ khi thông tin chính xác được “bệnh” của DN thì mới có thể bốc thuốc đúng.
Cùng quan điểm, TS Đào Xuân Khương, chuyên gia phân phối và bán lẻ, đánh giá tác động lớn nhất của hiệp định đến bán lẻ là thuế xuất nhập khẩu dần trở về bằng 0% theo lộ trình. Vậy nhà bán lẻ nội và bán lẻ nước ngoài ai có lợi thế? Ông Khương phân tích: Bán lẻ nước ngoài có sẵn với các nhà cung cấp trên toàn cầu. Nếu giá của nhà sản xuất ở Việt Nam không cạnh tranh thì họ nhập hàng từ nước ngoài vào Việt Nam rất dễ dàng.
“Trong khi để nhà bán lẻ nội địa làm điều này rất khó. Lý do là trước đó nhà bán lẻ nội thông thường chưa có mối quan hệ mua bán với nhà cung cấp toàn cầu. Muốn mua hàng, nhà cung cấp nước ngoài sẽ cần thời gian thẩm định, đặc biệt là điều khoản về lượng mua tối thiểu. Họ thường ép mua số lượng lớn và thanh toán ngay. Điều này nhà bán lẻ nội địa ít có khả năng làm được” - ông Khương nói.
Từ những phân tích trên, ông Khương cho rằng DN bán lẻ nội địa rời thị trường là khôn ngoan. Còn tiếp tục cạnh tranh, nhà bán lẻ nội có thể sẽ hụt hơi dần, đuối sức và lúc đó nếu muốn “bán mình” có thể cũng ít người mua.
“Xét trên quan điểm chuyên môn, việc một số DN bán lẻ nội địa rời thị trường cho thấy họ không tận dụng được lợi thế thuế xuất nhập khẩu dần về bằng 0% như nhà bán lẻ nước ngoài. Bên cạnh đó họ nhận ra rằng vốn của họ không đủ lớn để cạnh tranh đường dài nên việc rút lui là một chiến lược khôn ngoan để thu hồi vốn” - ông Khương nhận định.
Song bà Nguyễn Phi Vân, cố vấn nhượng quyền thương hiệu cho chính phủ Malaysia, cho rằng đó là hệ quả của việc DN Việt chưa sẵn sàng, bị động, tự loay hoay và chỉ quanh quẩn tại thị trường trong nước và khu vực. Trong khi nhà đầu tư các nước, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia đã sẵn sàng trở thành tập đoàn quốc tế nên họ triển khai, đi trước công ty Việt.
Như vậy thị trường bán lẻ Việt Nam có trở thành sân chơi chỉ có các DN ngoại hay không phụ thuộc vào sự thay đổi và hành động ngay từ bây giờ của nhà bán lẻ trong nước.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn