Người nước ngoài mua nhà tại Hà Nội: Thấp thỏm chờ

Thứ ba - 15/08/2017 09:22

Người nước ngoài mua nhà tại Hà Nội: Thấp thỏm chờ

Trên địa bàn Hà Nội có khoảng hơn 100 dự án nhà ở cao cấp, thế nhưng dù đến nay đã gần 3 năm có hiệu lực của quy định cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam nhưng cả khách hàng lẫn chủ đầu tư vẫn phải chờ việc xác định danh mục dự án được phép bán cho đối tượng này.

Muốn mua phải “lách”

Đầu năm 2015, khi dự án chung cư cao cấp Tràng An Complex số 1 Phùng Chí Kiên (quận Cầu Giấy), tiến hành mở bán, ông H.M.CH (quốc tịch Hàn Quốc) đã đến tìm hiểu để đăng ký mua nhà để ở và làm ăn lâu dài. Tuy nhiên, đến nay khi dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, việc bán nhà trực tiếp cho những đối tượng như ông H.M.CH vẫn chưa thể thực hiện được khi mà phải chờ việc xác định các danh mục dự án được phép bán cho người nước ngoài.

Phòng Kinh doanh bán hàng của Cty TNHH Đầu tư Toàn Cầu Tràng An (GP. Invest)- chủ đầu tư dự án Tràng An Complex cho hay, đến nay chưa có căn hộ nào trong số 800 căn hộ chung cư của dự án được bán trực tiếp cho đối tượng người nước ngoài. “Thực tế dự án chưa bán trực tiếp cho bất kỳ người nước ngoài nào dù nhiều khách hàng họ muốn mua nhà để ở. Các trường hợp căn hộ được bán cho người nước ngoài là dưới hình thức người khác đứng tên hoặc mua bán dạng hợp đồng ủy quyền, sang nhượng của khách hàng đã mua trực tiếp với chủ đầu tư”, một nhân viên cho biết.

Đến nay chưa có danh mục dự án được phép bán nhà cho người nước ngoài.

Theo các phòng giao dịch nhà đất trên địa bàn Hà Nội, lâu nay các khách hàng người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam thường vẫn phải “lách” bằng cách nhờ người quen đứng tên hộ hoặc lấy tên vợ hay chồng là người Việt. “Luật Nhà ở 2014, đã nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, tuy nhiên số lượng người mua nhà vẫn còn rất ít vì đến nay chưa có danh mục dự án và chủ đầu tư nào được phép bán cho đối tượng này. Còn khách hàng mua dưới dạng nhờ đứng tên hộ hay dạng ủy quyền, chuyển nhượng, sang tên cũng sợ gặp rủi ro vì lỡ sau này dự án đã mua sẽ không nằm trong danh mục được phép bán cho người nước ngoài thì sao?”, ông Hoàng Minh Công, sàn giao dịch BĐS Info cho biết.

Theo ông Công, bên cạnh đấy, người nước ngoài mua căn hộ dưới dạng sang nhượng, chuyển tên quyền sở hữu (“sổ hồng”) cũng bị thiệt và sợ rủi ro. “Bởi từ căn hộ sở hữu lâu dài nếu bán cho người quốc tịch nước ngoài khi sang tên giấy sở hữu sẽ thành căn hộ có thời hạn tối đa không quá 50 năm”, ông Công phân tích.

Không chỉ khách hàng, các chủ đầu tư cũng gặp khó trước những vướng mắc trong việc xác định dự án có được bán cho đối tượng này hay không. “Các dự án chung cư cao cấp hiện rất lớn nếu bán được cho đối tượng là người nước ngoài thì thị trường sẽ có nhiều tích cực, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, dù Nghị định về Luật Nhà ở đã có hiệu lực từ 2015 nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa cho phép danh mục dự án nào được bán cho người nước ngoài. Chúng tôi cũng rơi vào cảnh rất khó xử vì nếu bán cho đối tượng này rồi sau này dự án không nằm trong danh mục được phép thì sẽ phải xử lý và đền bù hợp đồng với khách hàng ra sao? Còn không bán thì lại mất cơ hội vì phải ngồi chờ”, một chủ dự án cho biết.

Chờ dự án được phép

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện phòng Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ năm 2015, trong đó đã dành hẳn 1 Chương về quyền sở hữu nhà ở Việt Nam cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài, với những điều chỉnh theo hướng cởi mở, tạo cơ hội cho đối tượng này. Nhưng đến thời điểm này chưa có một con số thống kê chính thức về số trường hợp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. “Con số thống kê, công bố đối tượng này chủ yếu là do các Cty nghiên cứu thị trường, các chủ dự án hay đơn vị môi giới đưa ra, chứ con số của cơ quan chức năng là không có. Bởi đến thời điểm này đã có địa phương nào công bố danh mục dự án, khu vực được bán cho đối tượng này đâu?”,vị cán bộ cho biết.

Theo phòng Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Nghị định 99 hướng dẫn Luật Nhà ở (có hiệu lực năm 2015), quy định Bộ Quốc phòng; Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương. Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh sẽ xác định cụ thể danh mục dự án nhà ở trên địa bàn đủ điều kiện cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu, cũng như tỉ lệ và số lượng nhà ở (căn hộ, nhà ở riêng lẻ) mà đối tượng này được sở hữu tại mỗi dự án.

Tuy nhiên, đến nay Hà Nội và các địa phương khác như Đà Nẵng, TPHCM…, nơi người nước ngoài có nhu cầu lớn về mua nhà ở vẫn chưa xác định được danh mục các dự án nhà ở được phép bán cho đối tượng này. “Trước việc các chủ dự án có văn bản hỏi về vấn đề này, chúng tôi cũng đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội và thành phố cũng đã xin ý kiến của hai Bộ trên. Hiện giao cho Công an thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô rà soát các dự án cụ thể để xác định vị trí, khu vực được phép bán cho người nước ngoài. Sau đấy chúng tôi mới có cơ sở để công bố danh mục dự án nào được phép bán cho người nước ngoài”, vị lãnh đạo phòng Quản lý nhà và Thị trường BĐS cho biết.

Phòng Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Sở Xây dựng) cho hay, trên địa bàn có khoảng trên 100 dự án chung cư cao cấp đến thời điểm này cả chủ dự án và cơ quan quản lý vẫn phải chờ để xác định danh mục được phép bán cho người nước ngoài. “Việc này nên làm từ đầu khi quy hoạch dự án như xin thỏa thuận độ cao tĩnh của công trình chứ không sẽ gây rủi ro cho cả khách hàng, chủ dự án nếu trường hợp dự án không nằm trong danh mục”, vị cán bộ phân tích.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây