Giải quyết việc làm gần 6.000 lao động
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 44 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 28 làng nghề thống được UBND tỉnh công nhận.
Các làng nghề, làng nghề truyền thống phân bố không đều giữa các địa phương, phần lớn tập trung ở các huyện đồng bằng (Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình). Các làng nghề chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề như: Trồng, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản (trồng rau, chế biến nước mắm, hải sản, làm bánh tráng, phở sắn); sản xuất thủ công mỹ nghệ (dệt vải, dệt thổ cẩm, dệt chiếu cói; gốm sứ; gỗ gia dụng; mây, tre đan); nhóm khác (rèn, đóng tàu...).
Các làng nghề ở Quảng Nam hiện nay đang giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động ở nông thôn. ảnh: Đại Nghĩa
“Đến nay, Quảng Nam có 3.005 cơ sở sản xuất tham gia hoạt động ngành nghề tại các làng nghề, trong đó: doanh nghiệp (5 đơn vị) chiếm 0,17%; HTX (4) chiếm 0,13%; tổ hợp tác (7) chiếm 0,23%; hộ làng nghề (2.989 hộ) chiếm 99,47%. Tổng số lao động trong làng nghề là 5.981, chủ yếu là lao động nữ và độ tuổi trung niên, lớn tuổi...” – ông Muộn cho hay.
Quảng Nam có 10 nghệ nhân vinh dự được Chủ tịch nước công nhận danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; 30 cá nhân được UBND tỉnh công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Trong các năm 2014, 2015 và 2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã công nhận 63 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm của các cơ sở sản xuất tại các làng nghề. |
Từ năm 2011 - 2017, bằng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, UBND tỉnh Quảng Nam đã phân bổ 29.377 triệu đồng cho các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, đầu tư 11,835 tỷ đồng hỗ trợ hoạt động khuyến công để phát triển các làng nghề, trong đó hỗ trợ đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp trong làng nghề chiếm khoảng 60%...
Theo ông Muộn, bên cạnh sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, các tổ chức quốc tế cũng đã quan tâm, hỗ trợ phát triển nhiều chương trình, dự án, trong đó có một số chương trình, dự án có liên quan đến hỗ trợ phát triển các làng nghề như: Đào tạo, tập huấn về các kỹ năng quản lý, kỹ năng làm du lịch, kỹ năng thiết kế sản phẩm, mẫu mã bao bì, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị…
“Hoạt động ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhất là sản xuất ngành nghề còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết; sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp; thị trường tiêu thụ khó khăn. Một số địa phương còn thiếu quan tâm, trong khi đó việc quản lý nhà nước về ngành nghề, làng nghề còn chồng chéo…” – ông Muộn nói.
Theo ông Muộn, để các làng nghề ở Quảng Nam phát triển ổn định, trong những năm tới tỉnh sẽ lồng ghép các chương trình, dự án trọng điểm về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm đầu tư hỗ trợ cho một số làng nghề có tiềm năng, gắn với phát triển du lịch nhằm tạo thêm động lực phát triển cho các làng nghề. Xây dựng các chương trình liên kết với các đơn vị du lịch để đưa khách đến làng nghề. Đặc biệt quan tâm đến các xã có làng nghề có công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, làng nghề có doanh thu cao, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định, có vùng nguyên liệu chủ động… nhằm phát triển làng nghề bền vững, lâu dài.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn