Loài sâu nhìn phát kinh nhưng ai cũng thích vì cho lãi khá

Thứ bảy - 01/07/2017 03:18

Loài sâu nhìn phát kinh nhưng ai cũng thích vì cho lãi khá

Mặc dù nghề trồng dâu nuôi tằm đã qua thời thịnh vượng, hiện chỉ còn ít nơi duy trì nhưng lợi ích kinh tế của nghề này đã được dân gian tổng kết bằng một câu: "Nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một lứa", bởi chi phí bỏ ra rất ít, đầu tư 3 đồng có thể thu về tới 7 đồng. Theo đó, người trồng dâu nuôi tằm vừa có thể bán tơ, vừa bán nhộng tằm nên lúc nào cũng có tiền tiêu rủng rỉnh.

Anh Nguyễn Hoàng ở thôn 4, xã Diên Đồng (Diên Khánh - tỉnh Khánh Hòa) chăm sóc các nong tằm. Ảnh: C.T

Sau thành công của mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), những năm gần đây phong trào trồng dâu nuôi tằm đang lan dần ra các địa phương khác. Có mặt tại xã Diên Đồng (huyện Diên Khánh) - nơi đầu tiên phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm do Công ty TNHH Hoàng Mai NMC khởi xướng, đi đến đâu cũng thấy những ruộng dâu xanh ngát, nhà nhà vàng óng những nong tằm, nong kén.

Anh Nguyễn Hoàng ở thôn 4, một trong những người tiên phong trong nghề cho biết, việc trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả khá cao, phù hợp với trình độ, điều kiện vốn của nhiều hộ nông dân. Từ 5 sào dâu, bình quân 1 năm, vợ chồng ông kiếm được gần 50 triệu đồng.

Trung bình cứ 2 giờ phải cho tằm ăn lá dâu 1 lần. 

"Trước đây gia đình tôi trồng mía, chăm sóc vất vả gần 1 năm trời mới được thu hoạch song giá bán mía cũng rất bấp bênh. Vì vậy gia đình tôi đã quyết định chuyển 2 sào mía sang trồng dâu nuôi tằm. Sau 5-6 tháng, vườn dâu đã cho đủ lá để nuôi 1 hộp tằm giống. Lứa đầu tôi nuôi nửa hộp giống, sau gần 1 tháng chăm sóc thu được 24kg kén, với giá bán 110.000 đồng/kg, doanh thu hơn 2,5 triệu đồng, trừ chi phí lãi 2 triệu đồng. Sang lứa 2, tôi lãi 2,2 triệu đồng” – anh Hoàng cho biết.

Đến nay, gia đình anh đã tăng diện tích trồng dâu lên 4,5 sào và nuôi 2 hộp tằm giống/lứa, thu lãi 7 - 8 triệu đồng/lứa. Cũng theo anh Hoàng, nghề trồng dâu, nuôi tằm không khó, thỉnh thoảng phun xịt sâu bệnh và bón phân chuồng là ruộng dâu phát triển tốt. Tính ra 1 công lao động vừa trồng dâu vừa nuôi tằm sẽ có thu nhập 2 triệu đồng/sào/tháng; mỗi năm có thể nuôi 8-9 lứa, mỗi lứa 2 hộp giống, thu lãi 70 - 80 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với các nghề nông khác. 

Gia đình chị Dương Thị Thắm, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) có thu nhập ổn định nhờ trồng dâu, nuôi tằm. Ảnh: H.Y

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay nghề trồng dâu nuôi tằm đang phát triển khá tốt ở các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đồng Nai, Khánh Hòa... Đơn cử như gia đình anh Bùi Đình Sơn (buôn Mduk, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) đã chuyển đổi 6 sào đất trồng sắn sang trồng dâu nuôi tằm từ 4 năm nay, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng, gấp nhiều lần thu nhập trước đây trên cùng diện tích.

Anh Sơn chia sẻ thêm, do chất đất tại địa phương xấu nên lúc đầu, anh trồng tới 3 loại dâu để so sánh nhằm tìm ra loại dâu năng suất nhất. Và đến nay anh đã chọn được một giống dâu siêu cành, lá dày phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu Tây Nguyên. Theo đó, dâu trồng 4 tháng đã cho thu hoạch, đủ nuôi 1 hộp trứng tằm cho sản phẩm từ 45-50 kg kén, sau đó tiếp tục nuôi gối đầu, cứ 10 ngày nuôi lứa tiếp theo.

Nông dân huyện Đạ Teh (Lâm Đồng) với mô hình trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Với diện tích 6 sào dâu đang trồng, mỗi tháng anh nuôi 6 hộp trứng, thu hoạch khoảng 270 kg kén. Với giá kén như hiện nay, một năm trừ chi phí anh Sơn thu lãi hơn 230 triệu đồng.

Anh Sơn chia sẻ: “Trên thị trường hiện nay nhu cầu kén để sản xuất tơ tằm rất lớn. Ở Đăk Lăk do còn ít người trồng dâu nuôi tằm nên kén làm ra bao nhiêu, đại lý trên địa bàn thu mua bấy nhiêu”.

Nuôi tằm đòi hỏi sự chăm chút chu đáo của người nuôi, chỉ gia đình nào thường xuyên có lao động ở nhà mới làm được. Ảnh: Bà Nguyễn Thị Lưỡng, ở thôn Gia Lành, xã Gia Hiệp (Di Linh - Lâm Đồng) cho tằm ăn (Báo Lâm Đồng)

Kinh nghiệm của nhiều người nuôi tằm cho rằng, để tằm nhả tơ, đóng kén đều thì phải đảm bảo 2 giờ đồng hồ cho tằm ăn một lần sau khi đã hết các thời kỳ ngủ. Một khâu không kém phần quan trọng, đó là khi tằm chín vàng, được bắt lên né đóng kén phải thật nhanh tay để tằm tránh khỏi cay mắt.

Bên cạnh đó, khâu cuối cùng để có sản phẩm đạt chất lượng là khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải “hong nắng” và “sưng sấy” sao cho kén khô, thơm và khi ươm kén không bị tan, cho sợi tơ vàng óng, thuận lợi cho người ươm tơ.

Ngoài thức ăn chính là lá dâu, ở một số nơi người dân đã thử nghiệm cho tằm ăn lá sắn thành công.

Ở một số nơi, người dân còn không nuôi tằm lấy tơ mà lấy nhộng tươi bán. Anh Ngô Văn Ngọ ở xã Tam Giang (huyện Yên Phong - Bắc Ninh) cho biết, mỗi lứa nhà anh nuôi 6 nong tằm, chăm sóc chỉ hơn 30 ngày là thu hoạch. Nếu để giống thì đợi ngài đẻ trứng, sau 10 ngày trứng sẽ nở ra tằm con. Như vậy, thời gian nuôi mỗi lứa tằm hết 41 ngày.

Tuy nhiên, gần đây nhiều hộ nuôi tằm ở địa phương không bán kén cho những người ươm tơ nữa mà bán nhộng cho thương lái, bởi giá nhộng có thời điểm lên tới 140.000 đồng/kg. Cứ 1kg kén tằm thì thu được 7 lạng nhộng, phần vỏ kén bán cho thương lái với giá 45.000 đồng/kg.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây