Rau, hải sản tăng giá
Ngày 2/2, hầu hết các sạp hàng ở chợ truyền thống vẫn cửa đóng then cài. Ngay cả cửa hàng tươi sống, tạp hóa cũng lác đác vài nơi mở cửa và tranh thủ lấy hàng số lượng ít để về sớm. Dạo vòng quanh một số chợ bán cá đồng, rau xanh như chợ Lê Văn Quới (Q. Bình Tân), Xóm Củi (Q.8), Bình Hưng (H. Bình Chánh)… nhiều tiểu thương đã bán hết từ sớm. Giá cả thực phẩm tăng cao và mỗi nơi mỗi khác, như rau muống từ 20.000 - 25.000 đồng/mớ, cà chua khoảng 40.000 đồng/kg, xà lách 55.000 đồng/kg, su hào 10.000 - 15.000 đồng/củ dù đang vào chính vụ; các loại cá có giá từ 80.000 - 140.000 đồng/kg, tăng khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg so với trước Tết. Bà Bình - tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) cho hay: “Sau Tết, thủy sản và rau xanh có giá cao gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Nguyên nhân là do sau Tết, người dân ngán thịt nên chuyển qua mua hải sản. Trong khi đó nguồn cung các mặt hàng này chưa nhiều, tiểu thương vẫn còn nghỉ Tết nên một số người đưa giá cao. Dự kiến, giá sẽ còn tăng từ đây đến hết tháng Giêng mới trở lại bình thường”.
Rau tươi, cá biển… là những mặt hàng giá cao chót vót những ngày sau Tết.
Cũng bán hàng theo kiểu “đến hẹn lại tăng”, nhiều hàng quán ăn uống, cà phê và dịch vụ giữ xe đi chùa tại TPHCM vẫn còn giữ giá Tết. Trong khi đa số cửa hàng ăn uống treo bảng nghỉ Tết đến hết mùng 10, thì những điểm kinh doanh xuyên Tết tranh thủ hốt bạc dịp này. Một số nơi dán thông báo hoặc bảng giá bán trong dịp Tết ở những vị trí dễ quan sát hoặc ghi rõ trên thực đơn cho khách dễ lựa chọn, gọi món. Tại quán cà phê New (Q.1), trên mỗi bàn tại quán đều có một tờ giấy chúc mừng năm mới kèm theo thông báo “Dịch vụ Tết: Quán phụ thu thêm 35% (kể từ ngày 30 Tết đến hết ngày mùng 10 Tết)”. Anh Thành - chủ quán nói: “Tết nhất, hầu hết các nơi đều đóng cửa đi nghỉ, nên những quán còn phục vụ rất ít. Dù giá tăng cao nhưng khách đều chấp nhận. Ngay từ chiều tối 30 Tết, quán tôi đã chật kín khách. Còn từ mùng 6 Tết, dân công sở đã trở lại làm việc nên quán gần như không lúc nào còn chỗ trống”.
Ở các nhà hàng cao cấp cũng tình trạng tương tự, nhân viên phục vụ cho biết “chưa nghe chủ thông báo chừng nào giảm giá”. Theo một số chủ quán ăn, sở dĩ không giữ được giá kinh doanh như ngày thường là do trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 khó tìm được nhân công và có thuê được thì cũng phải trả tiền công cao gấp đôi ngày thường. Ngoài ra, người kinh doanh cũng gặp khó khăn về nguồn cung hàng hóa cả về chất lượng lẫn giá cả, nên phải tăng giá để bù đắp chi phí đầu vào.
Các loại hoa trong dịp này cũng bắt đầu làm giá. Bà Nguyễn Thị Thanh – quản lý hệ thống cửa hàng Hoatuoi24h.com chia sẻ: “Sắp tới sẽ có nhiều ngày lễ lớn như ngày Vía Thần tài, Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), lễ Tình nhân 14/2, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3… dự báo giá hoa tươi sẽ rất cao. Cụ thể: lan Hồ Điệp 300.000 đồng/cành, hoa hồng trung bình từ 25.000 đồng/bông, lily loại 1 tới 400.000 đồng/bó… Lý do là các đợt hoa đều tập trung thu hoạch cho mùa tết, các ngày lễ lại gần kề khiến cho hoa hút hàng”.
Nhiều khuyến mãi, giảm giá
Vào thời điểm này, những gia đình không về quê hoặc du lịch bắt đầu tận dụng những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, đổ về các trung tâm thương mại ăn uống, vui chơi, du xuân. Khu vực ẩm thực, giải trí ở các trung tâm thương mại như SC VivoCity, Aeon, LOTTE, Cresen Mall... thu hút đông đảo khách hàng bằng nhiều hoạt động hấp dẫn như mua 1 tặng 1, giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng... Mặc dù vậy, giá các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh tại những nơi này vẫn được duy trì như ngày thường.
Không bỏ lỡ dịp kinh doanh đầu năm, các hệ thống bán lẻ hiện đại triển khai nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng, như giảm giá đến 50% cho nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em, giảm 10% - 20% cho một số mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Theo nhận định của Sở Công Thương TPHCM, năm nay đa số doanh nghiệp sản xuất bắt đầu hoạt động trở lại vào ngày 2/2 (tức mùng 6 Tết) nên sức mua trên thị trường trong những ngày này sẽ tăng mạnh trở lại. Dự kiến tăng từ 20 - 30% so ngày thường do nhu cầu cao của khách hàng. Còn những ngày trước đó (từ mùng 1 Tết đến mùng 5 Tết) sức mua không cao, hàng hóa tại các kênh bán hàng truyền thống lẫn kênh bán lẻ hiện đại tiêu thụ chậm.
Theo báo cáo của các chợ đầu mối tại TPHCM, lượng hàng hóa về từ ngày mùng 3 Tết đến nay đã bắt đầu tăng trở lại nhưng vẫn thấp hơn nhiều so ngày thường. Cụ thể, lượng hàng nhập chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền đạt khoảng 600 tấn/ngày đêm, Hóc Môn gần 1.000 tấn/ngày đêm, Thủ Đức hơn 700 tấn/ngày đêm. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn