Thiệt hại vụ Đông Xuân 2017 tại Hà Tĩnh ước tính gần 700 tỷ đồng (ảnh: T.Hoa)
"1 năm mà mất 2 vụ thì dân sống thế nào được"
Như Infonet đã thông tin trước đó, giống lúa Thiên Ưu 8 mất trắng, nông dân khốn đốn, nguy cơ thiếu ăn.
Tính đến cuối mùa gặt hái vụ xuân 2017, toàn tỉnh có tổng diện tích bị thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông xảy ra là 21.500ha, trong đó diện tích Thiên ưu 8 chiếm đến gần 18.000ha.
Các huyện bị thiệt hại nặng nề nhất đó là Thạch Hà (3.382ha); Cẩm Xuyên (3.679ha); Hương Sơn (2.256,8ha); Can Lộc (2.672,8ha); Đức Thọ (hơn 2.018ha); Nghi Xuân (hơn 1.973ha)… tụt sản lượng lương thực so cùng kỳ năm ngoái trên 12 vạn tấn/tổng sản lượng lương thực vụ xuân là 335 vạn tấn.
Đây là con số chưa từng có trong lịch sử nông nghiệp Hà Tĩnh.
Bà Nguyễn Thị Tứ, xã Phù Việt, Thạch Hà buồn rầu khi toàn bộ 6 sào Thiên Ưu 8 mất trắng. Lo lắng của bà lúc này là lựa chọn giống cho vụ Hè Thu sắp tới (Ảnh: T.Hoa)
Ông Nguyễn Đăng Thuần, Phó chủ tịch UBND xã Phù Việt (Thạch Hà) kể lại một câu chuyện cười ra nước mắt: “Trong xã có hộ bà Khánh làm 2 sào lúa Thiên Ưu 8, đến ngày thu hoạch thì bà thuê máy gặt lúa liên hoàn. Theo giá cả, 200 ngàn đồng/2 sào. Như mọi năm 2 sào lúa thu hoạch sẽ đóng được 18 bì (30 kg/bì), nhưng lần này toàn bộ diện tích lúa gặt xong, bà chỉ đóng được vỏn vẹn 3 bì lúa.
Sản lượng thu hoạch chỉ được 3 bì lúa mà phải trả đến 400 ngàn đồng tiền thuê gặt, hoảng quá bà ngồi bệt giữa ruộng khóc luôn. Cuối cùng, chủ máy gặt thương quá giảm cho 90 ngàn đồng”.
Vụ Xuân 2017 xã Phù Việt (Thạch Hà) có hơn 222ha/240ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, trong đó tổng sản lượng lương thực mất trắng hơn 1.200 tấn. Nếu gieo cấy hết 240ha vụ Hè Thu lượng giống xã phải cần 23 tấn. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ giống từ tỉnh là 4,5 tấn, huyện là 8 tạ - Phó Chủ tịch xã Phù Việt Nguyễn Đăng Thuần cho hay. |
Lúc này nông dân Hà Tĩnh đang chuẩn bị bước vào vụ Hè Thu, hệ lụy của vụ lúa Đông Xuân mất mùa đang trở thành nỗi ám ảnh. Công ty giống cây trồng Trung ương (đơn vị cấp giống Thiên Ưu 8 gây ra tình trạng mất mùa lớn) lại tiếp tục đưa về Hà Tĩnh 400 tấn giống lúa, gọi là hỗ trợ nông dân vụ mất mùa vừa qua.
Điều đáng lo nhất, khi mà người dân chưa hoàn hồn về một vụ mùa mất trắng, thì Hà Tĩnh lại tiếp nhận hỗ trợ 400 tấn giống lúa cho vụ Hè Thu (bao gồm Khang Dân, Nếp, Nghệ An 6 và cả Thiên Ưu).
Nhiều câu hỏi đặt ra lúc này, Thiên Ưu 8 đã mất trắng, sao vẫn được cơ cấu vụ Hè Thu?
Để tự cứu mình, một số xã như Phù Việt, Thạch Xuân (Thạch Hà) đã chọn Nghệ An 6 làm giống lúa sản xuất chính cho vụ hè thu. Còn giống hỗ trợ, trong đó có Thiên Ưu 8 xã không ép dân phải nhận hay gieo trồng.
“Vụ Xuân vừa rồi mất mùa quá nặng. Đến vụ hè thu này, quả thực chúng tôi lo lắng trong khâu lựa chọn giống để gieo trồng. Chứ 1 năm mất trắng 2 vụ lúa thì người nông dân sống thế nào?” – ông Nguyễn Đăng Thuần, Phó chủ tịch UBND xã Phù Việt lo lắng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Trúc (Thống Nhất, Phù Việt, Thạch Hà) mất trắng 8 sào Thiên ưu 8, tương đương khoảng 2 tấn lúa. Sau khi UBND xã lên danh sách phân chia, gia đình bà được hỗ trợ 8kg giống Khang Dân, chỉ đủ để gieo cấy hơn 2 sào lúa; 6 sào còn lại bà phải bỏ tiền ra mua.
Cách hộ bà Trúc không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Tứ vụ Xuân vừa rồi mất trắng 6 sào Thiên Ưu 8. Vụ Hè Thu nhận được hỗ trợ 12kg giống VTNA2, đủ gieo cấy 3 sào, còn 3 sào nữa bà cũng phải tự túc.
Nguyên nhân, đang chờ... Bộ!
Đã hơn 1 tháng, hiện tượng mất mùa trắng đối với ngành nông nghiệp là quá lớn, thiệt hại gần 700 tỷ đồng. Bao nhiêu cuộc truy tìm nguyên nhân, kết luận ban đầu đều cho rằng là do giống lúa. Tuy nhiên, kết luận chính thức phải chờ từ Bộ NN&PTNT.
Ngay đến Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cũng từng gay gắt đối với cán bộ, lãnh đạo ngành nông nghiệp rằng, “Việc mất mùa đổ lỗi thời tiết là không được. Tuy nhiên, nếu đổ lỗi do vì thời tiết thì các giống lúa khác sao không bị bệnh và hỏi xem sao các tỉnh khác lại được mùa to”.
Đến lúc này, người dân cần câu trả lời từ cơ quan chức năng, nguyên nhân chính xác dẫn đến mất mùa vụ Đông Xuân, nhất là tập trung ở lúa Thiên Ưu 8 là do đâu?
8 sào lúa Thiên Ưu 8 của bà Trúc chỉ thu hoạch vỏn vẹn 6 bì lúa (ảnh: T.Hoa)
Ông Nguyễn Đăng Thuần, Phó chủ tịch UBND xã Việt Xuyên đề xuất: “Cần có kết luận sớm về nguyên nhân gây ra bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa. Chậm về kết luận gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sản xuất. Trong khi đó, đề án về gieo trồng Thiên Ưu 8 của Sở NN&PTNT vẫn được cơ cấu vụ Hè Thu. Điều này vừa gây bức xúc, xáo trộn cuộc sống của người dân đặc biệt, làm khó cho bà con trong việc chủ động dự trữ giống gieo cấy vụ Xuân 2018.
Lý giải về việc xác định nguyên nhân chậm, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nói: “Bây giờ phải chờ kết luận của Bộ NN-PTNT. Tầm vài ba ngày nữa”.
Trước đó, trả lời PV Báo Infonet, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh ông Nguyễn Văn Việt cũng cho hay, sắp có kết luận của Bộ. Tuy nhiên, đã gần 1 tuần kể từ ngày hẹn của lãnh đạo Sở câu trả lời về kết luận nguyên nhân vẫn đang... bỏ ngỏ.
Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Tĩnh từng khẳng định, có 4 nguyên nhân chính khiến bệnh đạo ôn cổ bông gây hại diện rộng gồm: Thời tiết; thâm canh không cân đối, bón nặng đạm về sau; người dân chủ quan trong công tác phòng trừ và giống lúa Thiên ưu 8 kháng kém bệnh đạo ôn.
Trao đổi với PV Infonet, ông Đào Nghĩa Nhuận, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật nông nghiệp Hà Tĩnh, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, sở dĩ bệnh đạo ôn bùng phát, gây hại nặng chủ yếu trên giống Thiên ưu 8 là do giống lúa này không kháng được bệnh đạo ôn, quá trình thoái hóa giống nhanh.
“Năm nay lúa lại trổ trùng thời kỳ thời tiết thuận lợi cho bào tử nấm đạo ôn phát triển nên mới bùng phát thành dịch, gây thiệt hại nặng nề. Lịch sử gần 40 năm mới lặp lại đợt dịch đạo ôn như vụ Xuân 2017.
Nông nghiệp Hà Tĩnh năm nay mất mùa “kép” từ sự cố môi trường biển đến chăn nuôi lợn thua lỗ và nay là thất thu vụ lúa Xuân. Mất hơn 11 vạn tấn lương thực (1/3 tổng sản lượng lương thực cả năm) đồng nghĩa hơn 40 vạn người (1/3 dân số toàn tỉnh) “treo niêu”- ông Nhuận nói.
Hơn 21.500ha/58.785ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông (mất trắng hơn 11 vạn tấn lương thực). Nếu tính giá trị kinh tế theo giá lúa 6.000đ/kg thì thiệt hại của bà con nông dân lên đến gần 700 tỷ đồng, một con số khổng lồ chưa từng có. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn