Không mặn mà với khách gửi tiền
Có một khoản tiền gần 200 triệu đồng, sáng 7/2, chị Trương Lệ Thuỷ (trú tại Đống Đa, Hà Nội) đã đi một số ngân hàng khảo sát nơi nào có chính sách hấp dẫn. Tại chi nhánh Vietcombank gần nhà, nhân viên ngân hàng cho chị xem biểu lãi suất đã được áp dụng từ ngày 26/9/2016. Trong đó, mức lãi suất cao nhất 6,5%/năm áp dụng cho tiền gửi các kỳ hạn từ 12-60 tháng; kỳ hạn 9-10-11 tháng là 5,5%/năm.
Tại phòng giao dịch của TPBank gần đó, lãi suất cao nhất là 7,1% áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn dài và khách hàng cam kết không rút trước hạn. Ngoài chương trình khuyến mại áp dụng từ 2/2-28/2, ngân hàng không có chính sách trao thưởng, tặng quà nào khác.
Hệ thống ngân hàng hiện dồi dào vốn trong khi cho vay ra còn dè dặt nên chưa mạnh tay tăng lãi suất, khuyến mãi... Ảnh: nganhangplus.com
Tham khảo thêm một số ngân hàng khác tại quận Đống Đa, chị Thuỷ cũng chỉ nhận được những thông tin tương tự, thậm chí tại Sacombank, nhân viên ngân hàng không mấy mặn mà với khách. Khi chị Thuỷ hỏi về mức lãi suất cao nhất tại đây là 7,55% áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng thì được nhân viên giải thích là mức này chỉ áp dụng tham chiếu cho các hợp đồng cho vay chứ không huy động tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Hiện, lãi suất huy động cao nhất tại đây là 7%/năm áp dụng cho các kỳ hạn 15-36 tháng.
Trong cả buổi sáng, chỉ tại một phòng giao dịch của ngân hàng ACB khu vực Hoàng Cầu, chị Thuỷ mới được nhân viên nhiệt tình mời chào gửi tiền. Nhân viên tại đây cho hay, các mức lãi suất đã được công bố trên website, tuy nhiên với số tiền gửi 200 triệu đồng, chị Thuỷ sẽ được cộng thêm các chương trình ưu đãi khác để nâng từ 6,2% lên 6,5%/năm nếu gửi kỳ hạn 12 tháng và được ưu ái nâng từ 6,5% lên 6,8%/năm nếu gửi kỳ hạn 13 tháng.
Năm 2017, lãi suất có khả năng tăng 0,5-1%
Lý giải hiện tượng trên, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, thời điểm trước Tết Nguyên đán, lượng tiền sẽ tụ vào hệ thống ngân hàng để phục vụ nhu cầu thanh toán cuối năm; Đồng thời, đảm bảo an toàn cho người có tiền do “giữ tiền mặt trong 7-8 ngày không an tâm”. Tuy nhiên, hiện hệ thống ngân hàng đang khá dồi dào vốn trong khi chưa giải ngân nên ít triển khai chương trình khuyến mãi. Nếu có thì chỉ khuyến mãi cho vui dịp đầu năm. Theo Tổng giám đốc SCB, hiện đầu tư các dự án cũng phải chờ đến hết tháng Giêng, các dự án cũ thì đã ổn định, do đó nguồn tiền dồi dào này sẽ “trú” lại trong hệ thống ngân hàng một thời gian trước khi rút ra. Theo ông Văn, phải tới tháng 3 thị trường sẽ trở lại nhịp.
Theo số liệu của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cận Tết, nhu cầu thanh toán lên cao, Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền ra thị trường qua thị trường mở. Cũng do cao điểm thanh toán nên trước Tết, lãi suất liên ngân hàng tăng liên tiếp với biên độ 0,03%-0,1%. Trong đó, ngay trước Tết, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,02% lên 5,01%/năm; Kỳ hạn 1 tuần tăng 0,03% lên 5,08%/năm, kỳ hạn 2 tuần tăng 0,1% lên 5,17%/năm. Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố mùa vụ và sau Tết lãi suất liên ngân hàng sớm hạ nhiều, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nhanh chóng hút tiền trở về.
Dự báo mặt bằng lãi suất năm 2017, BVSC cho rằng, cả lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm. “Có ba lý do giải thích cho áp lực gia tăng lãi suất này. Thứ nhất, tín dụng được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao (17-18%) nhằm mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng. Thứ hai, lạm phát sẽ tiếp tục chịu áp lực gia tăng và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD, và việc Fed dự kiến có thêm ba lần điều chỉnh lãi suất nữa trong năm 2017 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VND”, BVSC phân tích.
Nhân viên tín dụng “đỏ mắt” tìm khách vay Trao đổi với PV Báo Giao thông, nhân viên tín dụng tại chi nhánh Cầu Giấy của một ngân hàng quốc doanh cho biết, hiện lượng tiền trong ngân hàng này rất dồi dào. Trong một tháng qua, ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi suất huy động, trong đó xu hướng giảm là chủ yếu và không khuyến khích huy động các kỳ hạn dài. Còn bản thân nhân viên tín dụng như anh này, đang rất khó khăn trong việc tìm khách hàng. “Bất động sản hiện đóng băng, trong đó phân khúc chung cư vốn là khoản giải ngân tốt trong năm trước thì nay cũng rất chậm. Hơn nữa, tháng Giêng cũng chưa ai mua bán gì nên không giải ngân vốn được”, nhân viên này nói. Còn với khách hàng doanh nghiệp, nhân viên tín dụng này cho hay, các dự án lớn hiện được chỉ định, còn các hộ kinh doanh đông đảo thật nhưng lại chủ động được vốn nên ít phụ thuộc ngân hàng. “Còn lại một số doanh nghiệp chủ yếu vẫn muốn vay đảo nợ nhưng những đối tượng này chúng tôi từ chối luôn”. Nhân viên tín dụng này cũng xác định chỉ tiêu tín dụng được giao quý I sẽ khó khăn và thực hiện bù vào quý II. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn