Đánh nhau… để mua được nền đất
Gần một tháng qua, những khách hàng từng tham gia mua đất nền tại một dự án trên đường Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TPHCM (gần phà Bình Khánh) vẫn chưa quên cảnh hàng trăm người chen lấn giành nhau để được mua nền đất tại dự án này.
Thậm chí có khách đã lao vào đánh nhau chỉ vì đặt 10 nền mà chủ đầu tư bán có hai nền, số còn lại bán cho người khác. Theo ghi nhận của PV, đến nay tình hình “sốt” đất nền tại dự án đất nền này vẫn chưa có dấu hạ nhiệt. Giá ban đầu chủ đầu tư tung ra khoảng 18 triệu/m2, thì nay nhiều nền đã tăng giá lên đến 22-26 m2, (1 nền khoảng 80m2), nhưng nhiều người vẫn tìm đến mua.
Trong vai khách hàng chúng tôi hỏi mua thì một nhân viên xưng là người của chủ đầu tư nói: “Đất nền của dự án hiện đã “cháy hàng” gần một tháng qua, nhưng anh có thể mua sang tay lại của những khách đã xuống tiền với giá chênh lệch từ 4-8 triệu/m2”. Dù giá bán lại chênh lệch khá cao nhưng nhân viên này vẫn cam kết: “Bảo đảm mua xong là anh có thể lời từ 50-100 triệu/1 nền”.
Đất nền vùng ven “sốt” do thông tin lập các thành phố phân khu
Chúng tôi tiếp tục về xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, cách đó khoảng 5 cây số. Dù khu vực này đã kéo đến gần địa bàn tỉnh Long An, nhưng tình hình giá đất nền cũng “sốt” không kém, giá đất dao động từ 15-18 triệu/m2. Khi chúng tôi hỏi mua, thậm chí nhiều “cò” còn cam kết trong vòng tối đa 3 tháng có thể bán lại cho khách hàng với giá chênh lệch từ 50-100 triệu đồng.
Còn ở khu vực phía Đông TPHCM, tình hình đất nền còn “nóng” hơn bao giờ hết. Tại đây, chủ đất bán với giá từ 500-600 triệu đồng với diện tích từ 40-60m2 thuộc các phường như Phú Hữu, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, quận 9.
Tại khu vực đường Nguyễn Xiển, Phước Thiện thuộc phường Long Bình, quận 9, TPHCM giá đất cũng tăng khủng khiếp. Theo ghi nhận, một nền đất diện tích từ 50-100m2 được bán với giá từ 18-20 triệu đồng/m2, tăng gần gấp đôi so giá đất của khu vực này trong năm 2016.
Trong thời gian ngắn, gần như giá đất nền ở các quận huyện ở TPHCM “rủ nhau” tăng giá. Tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, cũng đang diễn ra tình trạng sốt giá. Tại xã Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, trước đây chỉ cần có khoảng từ 500-800 triệu đồng, khách hàng có thể mua đất thì nay giá đất đã tăng gần gấp đôi. Gần đây, các dự án nhà phố đã được UBND TPHCM duyệt quy hoạch cũng được điều chỉnh giá tăng lên, có dự án tăng giá gần gấp đôi so với năm 2016.
Nhận định về phân khúc đất nền tăng giá thời gian qua, ông Lê Tiến Vũ - Phó Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc Cát Tường Đức Hòa cho rằng: “Nhìn chung năm 2016 là một năm mà phân khúc đất nền của các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM giao dịch rất sôi động. Hầu hết các dự án đất nền có pháp lý minh bạch, hạ tầng hoàn thiện, chủ đầu tư uy tín... thì gần như cháy hàng trong mỗi đợt công bố bán. Do các quỹ đất ở TP.HCM gần như không còn nhiều, vì vậy các dự án ven đô rất hút khách hàng”.
Cũng theo ông Vũ, ba yếu tố thúc đẩy phân khúc đất nền tăng trưởng là do nhu cầu thực của khách hàng khi mua đất cất nhà an cư lâu dài. Đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào các khu công nghiệp vùng ven tăng mạnh, cần một lực lượng công nhân và chuyên gia lớn... điều này cũng phát sinh nhu cầu lớn về nhà ở. Cuối cùng là tâm lý khách hàng mua sở hữu đất, nhà phố hơn là chung cư.
“Sốt”… do lập các thành phố phân khu
Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, do phân khúc căn hộ tồn kho của các dự án còn nhiều, trong khi đó, căn hộ từ trung cấp tới cao cấp liên tục được doanh nghiệp địa ốc đưa ra thị trường… thì khách hàng lại xuất hiện tình trạng quay lưng với căn hộ để sở hữu đất nền. Nếu tình trạng này không được cân bằng trong quý II thì thị trường căn hộ sẽ gặp khó khăn.
Cũng theo ông Đực, cuối năm 2016, TPHCM đưa ra kế hoạch đưa một số huyện như: Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn… lên quận đã tạo ra một cơn địa chấn đất nền lớn. Nhiều nhà đầu tư thứ cấp bắt đầu cuộc săn đất nền rồi thổi giá sôi động thị trường. Tiếp đến là thông tin thành lập các thành phố phân khu, như quận 2, quận 9, Thủ Đức sẽ làm thành phố khu Đông, quận 7, Bình Chánh, quận 8… sẽ là thành phố Khu Nam… Điều này một lần nữa tạo ra một “cơn địa chấn” đất nền. Ngoài ra, những tin đồn về hạ tầng giao thông, mở rộng địa giới hành chính cũng là nguyên nhân dẫn tới thị trường đất nền tăng giá chóng mặt.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, lâu nay Nhà nước thường tập trung công tác quản lý thị trường căn hộ chung cư nhiều hơn đất nền vì thị trường nhà ở chung cư tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cho người mua nhà. Việc lơ là quản lý thị trường đất nền sẽ rất nguy hiểm, bởi giá đất nền tăng sẽ kéo theo giá bán căn hộ tăng, nâng mặt bằng giá thị trường BĐS lên cao cộng với nhiều rủi ro liên quan vấn đề pháp lý của các dự án, sẽ gây nguy cơ “bong bóng BĐS”. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý chặt chẽ cả thị trường chung cư lẫn đất nền.
Kết thúc quý I/2017, cả Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) và đơn vị tư vấn CBRE Việt Nam đều chung một khẳng định phân khúc đất nền sôi động hơn phân khúc căn hộ. Lý giải điều này, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh giá chào bán hầu hết các phân khúc đều tăng, thì người dân có tâm lý lựa chọn đất nền vì cho rằng ít rủi ro hơn. Nhưng còn một nguyên nhân quan trọng nữa là do… tin đồn. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn