DN có nguy cơ phá sản vì bị truy thu thuế hàng tỷ đồng
Mới đây, nhóm các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô ở Hà Nội đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị xem xét lại lộ trình tính thuế TTĐB và cách tính thuế của Bộ Tài chính.
Các doanh nghiệp này cho rằng, Thông tư 130/2016/TT-BTC hướng dẫn các doanh nghiệp về cách tính thuế theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới và Nghị định trên của Chính phủ được Bộ Tài chính ban hành sau Luật Thuế TTĐB, Nghị định hướng dẫn doanh nghiệp. Điều này đã khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô bị động trong phương án kinh doanh, nhất là bị truy thu hàng tỷ đồng vì thuế TTĐB.
Ngày 6/4/2016 Quốc hội chính thức thông qua Luật số 106/2016/QH13, trong đó có quy định về áp dụng thuế TTĐB mới dành cho xe có dung tích xi lanh khác nhau. Và đối với xe từ có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên, thuế tăng từ 90 - 150% so với trước, áp dụng ngay từ ngày 1/7/2016.
Điều đáng nói là Luật có thời hạn hiệu lực từ ngày 4/6/2016 nhưng tới 1/7/2016 Chính phủ mới ban hành Nghị định 100/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về việc thi hành Luật. Và mãi đến ngày 12/8/2016, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 130/2016/TT-BTC (Thông tư 130) hướng dẫn các DN về cách tính thuế theo Luật thuế TTĐB mới và Nghị định trên của Chính phủ.
Đặc biệt, tại Khoản 3 Điều 2 (sửa đổi) của Thông tư 130 có quy định: “Trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu ô tô trước ngày 01/7/2016 nhưng bán ra từ ngày 01/7/2016 thì khi bán ra cơ sở kinh doanh phải kê khai nộp thuế TTĐB theo mức thuế suất quy định tại Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế”.
Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cho rằng, quy định trên cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhập khẩu xe có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên đã bán cho khách hàng, nếu xuất hóa đơn sau ngày 1/7/2016 cũng sẽ bị áp thuế TTĐB mới tăng từ 90 - 150%.
"Quy định này khiến mỗi chiếc xe ô tô nhập khẩu về phải cộng thêm từ 200 triệu đồng đến khoảng 2 tỷ đồng tùy theo dung tích xi lanh của xe. Nhất là sẽ có doanh nghiệp bị truy thu hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng tiền thuế TTĐB. Đây là điểm bất lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô nhập khẩu vì nếu các doanh nghiệp ký hợp đồng bán xe cho khách trước ngày 1/7 hoặc nhiều tháng nhưng không kịp làm thủ tục thông quan hàng thì không thể xuất hóa đơn trước ngày 1/7", doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cho biết.
Đối với những lô hàng nhập về từ năm 2015 nhưng tồn kho đến nay không bán được nếu cũng bị truy thu thuế TTĐB theo Thông tư 130 của Bộ Tài chính, thì coi như doanh nghiệp sẽ mất hết buộc phải giải thể và phá sản.
Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cho rằng, khi ban hành một Nghị định và Thông tư hướng dẫn doanh nghiệp, tới thời hạn áp dụng, cần ít nhất 45 ngày để doanh nghiệp có thời gian tính toán và chuẩn bị cho kỳ kinh doanh của mình. Trong khi đó, thực tế với mặt hàng ô tô, thời gian nhập khẩu (đối với dòng xe có xuất xứ từ Mỹ, châu Âu) ít nhất là 60 ngày để nhập khẩu. Tuy nhiên, thời gian ban hành Thông tư 130 (ngày 12/8) chỉ hơn 1 tháng nên doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không thể chủ động trong kinh doanh, phải chịu thiệt hại lớn từ chính sách.
Do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét kéo dài lộ trình áp dụng Nghị định kèm theo Thông tư hướng dẫn.
Cụ thể là đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét cho phép doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mở tờ khai trước ngày 1/7/2016 nhưng xuất bán sau 1/7/2016 vẫn được áp dụng thuế suất thuế TTĐB theo mức cũ và hiệu lực của quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 130/2016/TT-BTC là sau 45 ngày kể từ ngày 1/7/2016.
Đây là cơ sở để giảm thiểu các tranh chấp giữa DN với khách hàng, tạo sự đồng thuận cao về chính sách, giảm thiệt hại thậm chí phá sản, giải thể ở các DN nhập khẩu, kinh doanh xe hơi.
Bộ Tài chính: Luật ban hành hơn 60 ngày, đủ thời gian để doanh nghiệp chủ động phương án kinh doanh!
Giải đáp về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết: “Để bảo đảm công bằng về giá tính thuế giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định giá tính thuế TTĐB: “Đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) do cơ sở kinh doanh nhập khẩu bán ra …”.
Như vậy, theo quy định trên, từ ngày 1/1/2016, doanh nghiệp nhập khẩu phải khai thuế TTĐB ở 2 khâu: Khâu nhập khẩu và khâu bán ra trong nước và khi xác định số thuế TTĐB ở khâu bán ra trong nước, cơ sở nhập khẩu được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu.
Từ ngày 1/7/2016, tại Khoản 1 Điều 2 Luật 106/2016/QH13 sửa đổ, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB, Luật quản lý thuế quy định giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.
Về thuế suất thuế TTĐB, Bộ Tài chính cho biết: Ngày 6/4/2016 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế (Luật số 106/2016/QH13), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, trong đó quy định thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh 3.0L trở lên, thuế điều chỉnh tăng từ 90 - 150% so với trước.
Theo quy định nêu trên, kể từ ngày 01/7/2016, cơ sở nhập khẩu ô tô khi nhập khẩu và khi bán ra trong nước phải khai thuế TTĐB theo mức thuế suất quy định tại Luật 106/2016/QH13.
Như vậy, nội dung quy định về thuế suất thuế TTĐB và giá tính thuế TTĐB đều do Quốc hội, Chính phủ ban hành, không phải do Bộ Tài chính ban hành.
Mặt khác, nội dung sửa đổi về thuế suất thuế TTĐB nêu trên đã được Chính phủ trình Quốc hội và đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 13 tháng 10 năm 2015. Và ngày 6/4/2016, Quốc hội đã xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa 13.
Sau khi Luật số 106/2016/QH13 được Quốc hội thông qua, để thông tin chi tiết nội dung quy định tại Luật số 106/2016/QH13 đến toàn thể nhân dân, ngày 29/4/2016, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo để công bố nội dung, đồng thời Bộ Tài chính cũng đã tổ chức họp báo và đăng tải nội dung quy định trên Trang tin điện tử của Chính phủ của Bộ Tài chính.
Do vậy, nội dung quy định tại Luật số 106/2016/QH13 đã được thông tin rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân được biết và thực hiện và tính đến thời điểm Luật 106/2016/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 là hơn 60 ngày, đủ thời giản để doanh nghiệp chuẩn bị phương án kinh doanh của mình.
Bộ Tài chính khẳng định: "Việc các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét cho phép doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mở tờ khai trước ngày 1/7/2016 nhưng xuất bán sau 1/7/2016 vẫn được áp dụng thuế suất thuế TTĐB theo mức cũ và hiệu lực của quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 130 là sau 45 ngày kể từ ngày 1/7/2016 với lý do Thông tư ban hành muộn (ban hành ngày 12/8/2016) nên doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không thể chủ động trong kinh doanh, phải chịu thiệt hại lớn từ chính sách là chưa phù hợp với quy định của Luật số 106/2016/QH13 và Nghị định của Chính phủ".
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn