Ảnh: minh họa
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 9,7 triệu tấn than với trị giá lên tới 605 triệu USD , tăng 191% về lượng và tăng 107% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Ở cùng kỳ năm ngoái Việt Nam chỉ nhập khẩu 3,3 triệu tấn, các năm trước đó, số lượng nhập khẩu than cũng chỉ dao động ở khoáng 2 triệu tấn.
Trong các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu than, Nga là thị trường cung cấp than nhiều nhất cho Việt Nam với 2,8 triệu tấn, tiếp đến là Indonesia với 1,8 triệu tấn. Trung Quốc đứng thứ 3 với 1,4 triệu tấn. Dù là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhưng giá than nhập từ Nga ở mức khá vừa phải khoảng 63 USD/tấn. Trong khi đó, giá mỗi tấn than nhập từ Trung Quốc lên tới 71USD.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, nguồn than nhập khẩu chính của Việt Nam đến cả từ Trung Quốc - quốc gia mà từ nhiều năm qua luôn là thị trường nhập khẩu than lớn từ nước ta. Không những vậy, vùng biển Đông Bắc của nước ta luôn nóng về vấn đề xuất lậu than và nhiều chuyên gia ngành đã cho rằng, than xuất lậu đang được tuồn vào Trung Quốc.
Do đó, nhiều giải thiết đã được đặt ra rằng, các nguồn than chính ngạch và nguồn than không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc đang quay trở lại theo đường chính ngạch để cung cấp cho nước ta? Nếu thực tế là vậy thì Việt Nam đang phải nhập lại những gì đã bán cho Trung Quốc, nhưng sẽ ở mức giá cao hơn.
Thời gian tới, các chuyên gia ngành cũng dự đoán nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong đó chủ yếu nhu cầu than được dùng cho ngành điện. Bởi lẽ, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước theo kịch bản cơ sở năm 2020 là 330 tỉ kWh và năm 2030 là 695 tỉ kWh thì ngoài các nguồn thuỷ điện, nhiệt điện chạy dầu – khí, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, cần xây dựng nguồn nhiệt điện chạy than.
Số lượng các dự án nhiệt điện than phải xây dựng của Quy hoạch điện VII là 61 dự án với tổng công suất là 71.710MW, từ đó tính ra nhu cầu than của ngành điện năm 2020 là 67,3 triệu tấn, năm 2030 là 171 triệu tấn.
Trong khi đó, theo Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030 thì sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than năm 2020 chỉ đạt 47-50 triệu tấn và năm 2030 là hơn 55-57 triệu tấn. Than trong nước sản xuất không chỉ cung cấp cho điện mà còn cho các ngành kinh tế quốc dân khác cũng như xuất khẩu.
Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 sẽ rơi vào khoảng 269.000 tỉ đồng, bình quân khoảng 17.930 tỉ đồng/năm, trong đó, giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư khoảng hơn 95.000 tỉ đồng (bình quân hơn 19.000 tỉ đồng/năm); Giai đoạn 2021-2030 nhu cầu vốn đầu tư hơn 172.000 tỉ đồng (bình quân 17.000 tỉ đồng/năm).
Nguồn vốn sẽ sử dụng chủ yếu tập trung cho đầu tư mới và cải tạo mở rộng..., được thu xếp từ các nguồn tự có, vốn vay thương mại, vay ưu đãi và huy động qua các kênh chứng khoán...
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn