Sau khi hàng loạt những vụ việc cháy nổ trên phiên bản thay thế được báo cáo, Samsung đã phải ra quyết định khai tử Galaxy Note 7. Bên cạnh đó, hãng cũng phải nhanh chóng tìm ra được câu trả lời thích đáng nhất cho việc điều gì đã thật sự xảy ra bên trong smartphone của mình.
Samsung cho biết hiện hãng vẫn đang tiến hành điều tra và chúng ta sẽ biết được toàn bộ câu chuyện trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, đã có nhiều giả thuyết về nguyên nhân thật sự khiến Galaxy Note 7 cháy nổ được đưa ra. Dưới đây là 4 giả thuyết có nhiều khả năng xảy ra nhất do trang công nghệ Android Authority tổng hợp.
Lỗi pin
Sau những vụ Galaxy Note 7 cháy nổ đầu tiên xảy ra, các kĩ sư của Samsung đã điều tra và kết luận rằng nguyên nhân là do pin từ một nhà cung ứng của công ty. Cụ thể hơn, Samsung sau đó đã chỉ đích danh Samsung SDI là nhà cung ứng pin bị lỗi cho Galaxy Note 7 trong khi pin của Amperex Technology Ltd (ATL), nhà cung ứng pin còn lại là an toàn.
Pin của Samsung SDI, được thiết kế và sản xuất tại Hàn Quốc và Việt Nam, khi đó đã bị cho là dính một lỗi sản xuất có thể dẫn tới hiện tượng đoản mạch bên trong pin. Khi hiện tượng đoản mạch xảy ra sẽ dẫn tới sự lan truyền nhiệt ở bên trong và khiến pin phát nổ. Samsung khi đó đã ước tính rằng tỉ lệ gặp một chiếc Galaxy Note 7 bị lỗi pin chỉ là 1/42.000.
Ở đợt thu hồi đầu tiên, Samsung dự định sẽ thu hồi 2,5 triệu chiếc Galaxy Note 7 sử dụng pin của Samsung SDI trên toàn cầu. Tuy nhiên, Galaxy Note 7 thay thế sử dụng loại pin của ATL vẫn tiếp tục gặp hàng loạt những vụ báo cáo cháy nổ.
Theo báo cáo mới nhất của các nhà điều tra được đưa ra bởi Bloomberg, pin của ATL, vốn được cho là an toàn trên Galaxy Note 7 thay thế đã gặp lỗi. Lỗi trong khi sản xuất pin của ATL dường như đã xuất hiện trước đó khi Samsung từng phải thu hồi tổng cộng 190.984 chiếc Galaxy Note 7 tại Trung Quốc trong tháng 9 mặc dù hãng đã tuyên bố rằng không cần phải tiến hành thu hồi tại thị trường này.
Không đủ không gian bên trong máy
Một báo cáo sơ bộ của Viện Công nghệ và Tiêu chuẩn Hàn Quốc cho thấy Samsung đã gặp lỗi thiết kế khi "gây quá nhiều áp lực lên các tấm chắn bên trong pin".
Việc thiếu không gian bên trong máy có thể gây áp lực khiến pin bị uốn cong hoặc nứt từ bên trong. Điều này thật sự nguy hiểm vì có thể làm các tấm chắn vốn dùng để ngăn cực dương và cực âm trong pin bị thủng. Hiện tượng đoản mạch và cháy nổ pin sẽ dễ dàng diễn ra sau đó.
Pin Lithium-ion được sử dụng trên các smartphone ngày nay đều là loại pin nén để lưu trữ được nhiều năng lượng trong một kích thước nhỏ hơn. Dù vậy, các nhà sản xuất vẫn phải dành rất nhiều không gian bên trong điện thoại để dành cho pin. Galaxy Note 7 năm nay được bổ sung hàng loạt những linh kiện mới như mạch sạc không dây, ống làm mát hay máy quyét mống mắt mới nên không có gì ngạc nhiên khi không gian trong máy rất chật hẹp.
Theo một số nguồn tin thân cận từ cuộc thảo luận giữa chính phủ Hàn Quốc và Samsung, pin của Samsung SDI đã lớn hơn so với kích thước của máy. Có lẽ, Samsung nên làm theo cách của Apple khi bỏ jack tai nghe 3.5 mm để có thêm không gian bên trong máy dành cho pin.
Vấn đề từ công nghệ sạc nhanh
Việc Galaxy Note 7 cháy nổ cũng có thể liên quan tới công nghệ sạc nhanh. Theo báo Financial Times, một giám đốc của Samsung đã nói rằng vấn đề của Galaxy Note 7 có thể phát sinh từ những điều chỉnh của hãng để tăng tốc độ sạc cho máy. "Nếu bạn cố gắng sạc pin nhanh hơn thì nó cũng dễ nổ hơn", người này nói.
Dù vậy, nguồn tin của Financial Times không nói rõ về điều gì đã xảy ra với công nghệ sạc nhanh. Tuy nhiên, chúng ta có thể xem xét thứ mà trang công nghệ Chipworks đã tìm thấy khi tiến hành mổ bụng Galaxy Note 7. Theo đó, họ đã phát hiện ra một chip sạc Dialog DA9155 do hãng MAXIM sản xuất ở bên trong. Điểm đáng lưu ý đó là con chip này không hề có mặt trên Galaxy S7 hay S7 edge trước đó.
Được biết, Dialog DA9155 sẽ giúp Galaxy Note 7 tăng tốc độ sạc bằng cách gia tăng giới hạn sạc của chip quản lí điện năng lên thêm 2500 mA. Dialog DA9155 cũng sẽ được điều khiển bằng một bộ vi xử lí ứng dụng (AP) và hoạt động liên tục trong quá trình sạc.
Sơ đồ mạch sạc trong Galaxy Note 7.
Mặc dù được điều khiển nhưng Dialog DA9155 sẽ không bị ngừng hoạt động cho đến khi bộ vi xử lí ứng dụng phát hiện ra nhiệt độ đã lên tới 140 độ C. Financial Times phỏng đoán việc chạy đua tốc độ sạc thật sự đã khiến nhiệt độ khi sạc của Galaxy Note 7 tăng lên nhanh hơn nhiều so với các smartphone khác. Điều này kết hợp với việc Galaxy Note 7 không phải là một smartphone tản nhiệt tốt khi quá tập trung vào khả năng chống nước bằng cách bịt kín hầu như tất cả các lỗ trên máy đã nâng nguy cơ cháy nổ lên rất cao.
Sự kết hợp của các vấn đề nếu trên?
Theo báo cáo của NewYork Times, các kĩ sư của Samsung hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân của việc Galaxy Note 7 thay thế vẫn tiếp tục cháy nổ. Có vẻ như hiện giờ Samsung vẫn chưa chắc chắn được về nguyên nhân và vấn đề có vẻ như phức tạp hơn nhiều chứ không chỉ là pin như tuyên bố ban đầu. Nhiều khả năng, đó là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân riêng lẻ trên Galaxy Note 7 và phải xem xét một cách tổng quan mới có thể thấy hết được.
"Samsung đã quá vội vàng khi đổ lỗi cho pin. Tôi nghĩ rằng pin không có lỗi hoặc không phải là nguyên nhân chính khiến Galaxy Note 7 phát nổ", Park Chul-wan, cựu giám đốc của Trung tâm Cải tiến pin của Viện Kĩ thuật Điện tử Hàn Quốc cho biết.
Samsung hiện đã tuyên bố khai tử Galaxy Note 7 và tiến hành thu hồi cũng như hoàn tiền cho người dùng Galaxy Note 7 trên toàn cầu. Tuy nhiên, hãng vẫn còn nợ người dùng một câu trả lời xác đáng khi điều gì thật sự đã ẩn đằng sau những vụ cháy nổ trong thời gian qua.
Samsung vừa cho biết là họ đang cố gắng điều tra sâu hơn và sẽ đưa ra câu trả lời cho người dùng trong vài tuần tới. "Galaxy Note 7 thay thế dùng pin từ nhà cung ứng khác với phiên bản gốc. Chúng tôi đang tiến hành một cuộc điều tra kĩ lưỡng và sẽ sớm có kết quả. Chúng tôi sẽ chia sẻ thêm nhiều thông tin hơn trong vài tuần tới", đại diện Samsung nói.
Nguyễn Long
Lazada: - Bán loạt iPhone 7 và 7 Plus giá tốt nhất trên thị trường hiện nay click xem
Tiki: - 4 ngày (11-14/10) giảm giá sốc tới 50% các sản phẩm Sandisk click xem
Adayroi: - iPhone 5s chính hãng lần đầu về giá dưới 6 triệu đồng click xem
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn