Bạn sẽ làm gì nếu bỗng dưng một ngày tài khoản ngân hàng nhận được số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mà không biết từ đâu tới? Rút ra tiêu xài cá nhân, thanh toán các chi phí nợ nần hay sẽ ngay lập tức thông báo đến cơ quan chức năng để tìm cách giải quyết?
Cách đây ít lâu, một cô gái đã đăng bài với nội dung cảnh báo chiêu lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản và bị gán ghép khoản vay không rõ ràng. "Biết là có gì đó không ổn nên mình ra ngân hàng yêu cầu in sổ phụ và xem tiền của ai chuyển. Sau đó biết được là của một người đàn ông và chuyển từ Vietcombank với nội dung là cho Hiền vay trong thời hạn 45 ngày", chính chủ viết.
Bài đăng ngay lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, ai nấy đều lo lắng về cách thức lừa đảo mới tinh này. Tuy nhiên sau đó, nhiều người cũng đã "bóc mẽ" cô gái trong bài viết có ý "câu tương tác" khi có một số tình tiết bất hợp lý trong câu chuyện này.
"Thám tử mạng" phân tích, vay vốn phải có sự ký kết hợp đồng từ hai phía, nếu không thì không có căn cứ đòi nợ hay quấy rối. Ngay sau khi tranh cãi nổ ra, cô này đã liên lạc được với người chuyển nhầm tiền và trao trả lại.
Câu chuyện kể trên tuy đã tìm được lời giải nhưng sau đó các ngân hàng cũng liên tục đưa ra cảnh báo với người dùng nếu bỗng dưng nhận được khoản tiền không rõ nguồn gốc. Gán nợ thông qua việc chuyển nhầm tiền là hy hữu nhưng không phải không có cở sở xảy ra.
Chị N.H (42 tuổi) làm nhân viên văn phòng tại quận 3, TP HCM bỗng dưng nhận được 30 triệu đồng vào tài khoản. Trong khi đang loay hoay chưa biết xử lý khoản tiền đó thế nào thì chị nhận được lời mời kết bạn zalo, người này xác nhận đã giải ngân khoản vay thành công và yêu cầu chị thanh toán nợ đúng hạn trong vòng 1 tháng.
Trước đó một người phụ nữ cũng nhận được khoản tiền với nội dung khó hiểu
Nạn nhân bị đe dọa sau khi nhận được khoản tiền được cho là giải ngân khoản vay
Chị đề nghị chuyển lại ngay số tiền vừa nhận được nhưng đối phương yêu cầu chị phải trả cả gốc lẫn lãi lên tới gần 45 triệu đồng nếu tất toán ngay trong hôm nay. Lo sợ có chuyện chẳng lành, chị liên lạc với ngân hàng Vietcombank để tra soát giao dịch và dọa sẽ báo công an thì người bên kia mới nhẹ giọng xin lại tiền.
Đây là chiêu thức lừa đảo nhắm vào những người cả tin, nhẹ dạ và dễ dàng bị dọa dẫm. Những kẻ lừa đảo đã nắm được thông tin số điện thoại, tài khoản ngân hàng, facebook... và sau đó thực hiện hành vi lừa đảo đầy chuyên nghiệp.
Tuy nhiên không phải ai cũng đủ tỉnh táo như chị N.H, một trường hợp khác tại thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đak Lak) cũng gặp cảnh tương tự và đã khốn đốn khi bị nhóm lừa đảo "dắt mũi". Tài khoản nhận 1 triệu đồng không nội dung, chị H.P chưa kịp kiểm tra thì có một số điện thoại xưng là nhân viên ngân hàng thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản và hướng dẫn thủ tục hoàn trả.
Người tự xưng là nhân viên ngân hàng này còn cho biết, nếu chị không nhanh chóng hoàn trả thì sẽ bị xử lý tội chiếm đoạt tài sản. Vì không nắm rõ quy trình của ngân hàng nên chị H.P làm theo hướng dẫn, truy cập vào đường link và cung cấp mã OTP để thực hiện các thao tác. Sau khi làm theo yêu cầu, số tiền hơn 15 triệu đồng trong tài khoản "bốc hơi".
Một chủ tài khoản khác bị lừa giao dịch thông qua đăng nhập vào đường link ví điện tử momo.
Tá hỏa khi biết mình bị lừa, chị gọi theo số hotline của ngân hàng đề nghị được hỗ trợ nhưng tiền đã mất và ngân hàng chỉ có thể tiếp nhận thông tin chứ không thể can thiệp. Việc dụ dỗ người sử dụng dịch vụ chuyển tiền trực tuyến đăng nhập vào các đường link lạ không phải là chuyện mới, đa phần số tiền được cho là chuyển nhầm này thường không quá lớn để tránh lòng tham của người nhận.
Nhiều người không biết về các mánh khóe này dễ dàng sập bẫy vì sợ vướng vào lao lý nếu không nhanh chóng hoàn trả lại tiền. Thực tế trong giao dịch hàng ngày, một số chủ tài khoản vì không kiểm tra kĩ nên đã chuyển khoản nhầm cho người khác. Ngân hàng không có quyền cung cấp thông tin của người nhận cho người gửi mà phải liên lạc trung gian. Nếu người nhận tiền cố ý không hoàn trả số tiền đã nhận nhầm thì chủ tài khoản mới có cơ sở nhờ phía công an can thiệp.
Ngoài hai hình thức lừa đảo trên, một mánh khóe khác cũng tinh vi không kém. Nhóm lừa đảo chuyển nhầm tiền, sau đó lập ra kịch bản lừa người nhận tiền hoàn trả qua một số tài khoản khác, không phải chính chủ người gửi tiền đi. Khi số tiền được trả thì "chủ nhân thật" xuất hiện và đòi tiền thêm một lần nữa. Nếu không trả sẽ gặp nhiều rắc rối, bị dọa dẫm gây áp lực tinh thần.
Luôn cảnh giác với những khoản tiền không rõ nguồn gốc.
Đối với trường hợp nêu trên, phía ngân hàng cảnh báo người dùng cần xác minh thông tin về người chuyển tiền, không vội vàng chuyển trả. Tốt nhất bạn nên liên hệ với ngân hàng và chuyển trả thông qua ngân hàng, có xác nhận, lưu trữ để tránh những phát sinh không đáng có về sau.
Khi nhận được điện thoại tự xưng nhân viên ngân hàng, cần kiểm tra xem có đúng là số của ngân hàng không hoặc chắc chắn hơn, chủ tài khoản nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp. Đặc biệt không bao giờ cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai.
.content .btn-cv19-link *{box-sizing:border-box}.content .btn-cv19-link{max-width:700px;margin:20px auto}.btn-cv19-link{border-top:1px solid #dfdfdf;margin:20px 0}.btn-cv19-link p{display:flex;padding:15px 0 0;margin:0 -5px !important}.btn-cv19-link p a{flex:0 0 33.33%;max-width:33.33%;padding:0 5px;position:relative}.btn-cv19-link p a img{vertical-align:middle;height:36px !important}.btn-cv19-link p a:before{content:"";position:absolute;top:-16px;left:0;width:100%;height:2px;background:#e28aa5;transition:all ease .5s;transform:scale(0)}.btn-cv19-link p a:hover:before{transform:scale(1)}
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/xuat-hien-hinh-thuc-lua-dao-moi-tinh-vi-nhan-chuye...
Tin tức TP.HCM
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn