Trong chốn cung cấm, ngoài các cung nữ thì thái giám cũng có vị trí quan trọng. Họ tham gia hầu hạ chủ tử như Hoàng đế, phi tần và gia đình Hoàng gia. Bên cạnh số ít ỏi thái giám từng được tin tưởng đến mức khuynh thế hoàng triều, tích lũy nhiều tài sản..., thì đa số các thái giám đều cần mẫn làm việc và phải chịu nhiều thua thiệt, miễn sao để hoàng đế, các phi tần cảm thấy thoải mái. Còn nếu để trái ý, sai lời, thái giám cũng có thể bị trách mắng, hành hạ, thậm chí chịu cảnh "đầu rơi".
Tuy nhiên, theo thuật lại của vị thái giám cuối cùng triều đại nhà Thanh, chuyện hầu hạ chủ nhân không có gì mệt mỏi, sợ hãi, mà việc nhét các quả có gai vào giày mới đáng sợ.
Vị thái giám cuối cùng của nhà Thanh là Sun Yaoting rời khỏi cung cấm mang theo biết bao nhiêu giai thoại, chuyện kể và cả những điều mắt thấy tai nghe ở chốn thâm nghiêm. Cuốn tự truyện về cuộc đời làm thái giám của ông đã hé lộ nhiều điều ngoài dân gian không ngờ đến.
Sun Yaoting làm thái giám dưới thời vua Phổ Nghi - Hoàng đế cuối cùng của lịch sử Trung Hoa. Cuộc đời của vị Hoàng đế này cũng không hề phẳng lặng. Ông là người bị Hoàng phi Văn Tú kiện và ly hôn đầu tiên trong lịch sử hàng ngàn năm của Trung Hoa. Vì những điều này nên việc hầu hạ Hoàng đế của thái giám Sun Yaoting cũng không hề dễ dàng.
Trong ký ức, ông Sun Yaoting vẫn còn nhớ như in những lần hầu hạ Hoàng đế và phi tần trong cung. Biết rằng nếu làm sai điều gì có thể mất mạng nên Sun Yaoting luôn cố gắng để mọi việc chu toàn. Trong một lần hầu hạ một phi tần của Phổ Nghi, giữa đêm, cơn buồn ngủ kéo đến và thái giám này chợp mắt lúc nào không hay. Đây được xem là điều đại kỵ với thái giám. Họ và cung nữ phải luôn túc trực dù ngày hay đêm để khi chủ tử gọi là có mặt liền. Bất ngờ phi tần đó tỉnh dậy và gọi tên thái giám Sun Yaoting mấy lần nhưng không nghe ai trả lời. Thật may có người nghe thấy và gọi Sun Yaoting nên ông kịp tỉnh dậy và chưa khiến cho chủ tử nổi giận lôi đình. Ông nhanh chóng nghe lệnh và pha trà sâm để phục vụ theo yêu cầu.
Lần ngủ gật đó ám ảnh Sun Yaoting mãi khiến ông lo lắng rằng nếu vẫn để xảy ra tình trạng ngủ quên như vậy thì chưa chắc đã thoát tội. Cho nên, ông hỏi kinh nghiệm và được chỉ dạy là nhét vào trong giày vài quả ké đầu ngựa.
Quả ké đầu ngựa - thứ quả mà các thái giám, cung nữ nhét trong giày
Quả ké đầu ngựa có vẻ ngoài xấu xí, không ăn được, mọc dại và đặc biệt trên quả có nhiều gai, thường được dùng trong y học cổ truyền để chữa nhiều chứng. Chúng dễ bám vào quần áo, nếu đã bám vào thì khó rời ra mà phải dùng tay gỡ mạnh mới thoát khỏi chúng. Ai cũng thắc mắc vì sao thái giám lại cho quả xấu xí đáng sợ đó vào trong giày, sau đó mới biết nguyên nhân là chúng có gai, nếu nhét vào giày, lỡ có ngủ, bàn chân chùng xuống thì sẽ bị gai nhọn đâm và họ sẽ tỉnh ngủ, quá đau không thể tiếp tục ngủ nữa.
Mặt khác, những quả xấu xí và đầy gai này đặt trong giày giúp các cung nữ, thái giám đi lại rón rén, nhẹ nhàng, tránh gây ra tiếng động ảnh hưởng đến các phi tần và Hoàng đế. Từ một vài người, về sau kinh nghiệm này được lưu truyền nhưng mỗi khi nhắc đến thì ai cũng sợ hãi do không có gì thích thú mà mang đến nỗi đau ám ảnh.
Cho đến sau khi rời khỏi cung, Sun Yaoting vẫn chưa quên nỗi ám ảnh khi nhét các quả đầy gai đó vào giày. Mục đích cuối cùng vẫn là để không phạm phải việc chủ tử không muốn, chứng minh sự tận tâm và hết lòng hết dạ bởi họ hiểu nếu để chủ tử nổi giận thì việc mất mạng rất có thể xảy ra, lúc đó còn đau đớn và khổ cực hơn là bị các quả nhỏ có gai đâm.
Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc đời thái giám được ông Sun Yaoting kể lại. Ông còn tiết lộ, nếu Hoàng hậu rửa tay còn phải đưa chậu làm sao vừa tầm để chủ tử không phải cúi thấp mà cũng không được quá cao phải giơ tay lên, hay nếu như đến cung nào đó cũng phải quỳ chờ đợi không được nhìn thẳng vào trong cung.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/thu-thai-giam-nhet-vao-giay-khi-hau-ha-trong-cung-ngh...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn