Đường Nhuệ dùng "thủ đoạn khác" để uy hiếp bị hại
Trong vụ Đường Nhuệ (Nguyễn Xuân Đường, SN 1971) "bảo kê" dịch vụ hỏa táng ở Thái Bình, Công an tỉnh Thái Bình xác định, Đường Nhuệ và các đồng phạm tuy không có hành vi khách quan đe dọa sẽ dùng vũ lực, nhưng đã có những hành vi thể hiện "thủ đoạn khác" để uy hiếp tinh thần của các dịch vụ tang lễ Thái Bình. Việc này nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.
Theo đó, sau khi được giới thiệu vào làm cùng văn phòng Thành Phát (đơn vị độc quyền dịch vụ hỏa táng ở Thái Bình với Công ty Hoàng Long ở Nam Định), Đường đã thể hiện ý định chiếm lĩnh thế độc quyền của văn phòng này, nhằm thu tiền của các dịch vụ tang lễ.
Đường Nhuệ chỉ đạo đàn em tổ chức cuộc họp ra mắt các dịch vụ tang lễ Thái Bình, thông báo việc nộp 500 nghìn đồng/ca hỏa táng.
Đường Nhuệ đã thể hiện ý định chiếm lĩnh, "bảo kê" dịch vụ hỏa táng ở Thái Bình ngay sau khi "ngửi thấy mùi" kiếm chác.
Ninh Đức Lợi (lao động tự do) sau khi đồng ý làm cho Đường, đã lấy lý do Công ty Đường Dương yêu cầu các dịch vụ tang lễ Thái Bình sang Hải Phòng hỏa táng để ép Công ty Hoàng Long (đơn vị sở hữu Đài hóa thân Thanh Bình, Mỹ Lộc, Nam Định) giảm giá dịch vụ, việc này gây sức ép đến Công ty Hoàng Long.
Đường còn cùng đàn em đe dọa người quản lý văn phòng Thành Phát, khiến Công ty Thành Phát phải bỏ văn phòng đại diện ở Thái Bình.
Để ràng buộc, áp đặt các dịch vụ tang lễ, Đường Nhuệ còn chỉ đạo Lợi, Phạm Văn Úy (lao động tự do) xây dựng những văn bản gồm quy chế hoạt động của Hiệp hội tang lễ Thái Bình, hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình và để cho vợ ký, đóng dấu Công ty Đường Dương.
Đường còn tự phong làm Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình; chửi bới, đe dọa các dịch vụ tang lễ, uy hiếp tinh thần của họ khiến ít nhất 19 người sợ, tất cả đều phải ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Đường Dương ở một cuộc họp.
Cơ quan điều tra xác định, từ khoảng cuối năm 2017 đến tháng 4/2020, Đường Nhuệ đã chiếm đoạt của 25 người bị hại, tổng số tiền là 2.469.000.000 đồng.
Với tổng số tiền chiếm đoạt là rất lớn, hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài gây bức xúc dư luận, hành vi phạm tội của Đường Nhuệ và đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng.
Đường Nhuệ "bảo kê" hỏa táng người chết, chiếm đoạt của các bị hại qua việc ép họ "báo ca" hỏa táng gần 2,5 tỷ đồng.
Đường Nhuệ nhận thức được Công ty Đường Dương không hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tang lễ, không được Nguyễn Thị Dương ủy quyền làm người đại diện của Công ty Đường Dương, không cung cấp được trang thiết bị, cơ sở vật chất, điều kiện tinh thần cho các dịch vụ tang lễ Thái Bình nhưng vẫn có nhiều thủ đoạn, buộc họ phải nộp cho Đường 500 nghìn đồng/ca hỏa táng.
Hành vi của Đường Nhuệ cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản", quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự.
Vợ Đường Nhuệ khai bị dụ cung
Đối với vợ Đường Nhuệ, bị can này nhận thức được việc Công ty Đường Dương và chồng không kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tang lễ, không tạo ra những điều kiện vật chất, tinh thần đối với các dịch vụ tang lễ Thái Bình.
Tuy nhiên, Dương đã lấy danh nghĩa Giám đốc Công ty Đường Dương ký vào những bản hợp đồng nguyên tắc, quy chế hoạt động trong Hiệp hội tang lễ Thái Bình.
Việc này để giúp công việc của Đường Nhuệ được thuận lợi, giúp Đường áp đặt với những người làm dịch vụ tang lễ để họ nghe theo.
Nguyễn Thị Dương thay đổi lời khai, nói khuyên chồng không được vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý, theo kết luận điều tra vụ Đường Nhuệ "bảo kê" hỏa táng người chết của Công an tỉnh Thái Bình, trong giai đoạn truy tố, điều tra bổ sung, vợ Đường Nhuệ đã thay đổi lời khai.
Dương khai do Cơ quan dụ cung nên đã khai nhận việc ý thức được Đường sẽ dùng những bản hợp đồng nguyên tắc có chữ ký của mình để áp đặt lên các chủ dịch vụ tang lễ Thái Bình.
Sau đó bị can Dương khai không biết việc Đường Nhuệ sử dụng những bản hợp đồng để làm gì, luôn khuyên chồng không được sử dụng vào những việc vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình Cơ quan điều tra làm việc, sức khỏe, tinh thần của Dương bình thường, minh mẫn, tỉnh táo.
Trong những lời khai, bản cung Dương đều được đọc lại, viết tự khai và xác nhận vào bản cung, biên bản ghi lời khai. Trong quá trình làm việc với Cơ quan điều tra Dương không bị ai ép buộc, đánh đập gì.
Bên cạnh đó, bản thân Dương là Giám đốc của Công ty Đường Dương, là vợ của Đường Nhuệ nên phải có nhận thức đầy đủ đối với những việc làm, hành động của chồng.
Nguyễn Thị Dương cũng đã hai lần nhận tiền, trong đó có lần thu tiền đầu tiên là ngày 16/12/2017, thể hiện rõ việc số ca hỏa táng, số tiền phải nộp.
Vì vậy, Dương phải nhận thức được việc làm của Đường Nhuệ là đang buộc các dịch vụ tang lễ Thái Bình phải nộp 500 nghìn đồng/ca hỏa táng.
Cơ quan điều tra bác bỏ việc thay đổi lời khai của Dương, đủ căn cứ kết luận Dương đồng phạm với Đường Nhuệ về tội "Cưỡng đoạt tài sản", quy định tại khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự với vai trò người giúp sức.
Nguồn: https://danviet.vn/cong-an-thai-binh-ket-luan-the-nao-sau-loi-khai-bat-ngo-cua-vo-duong...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn