Vào những năm 1960, tại khu vực nông thôn của Hong Kong duy trì một tục lệ kỳ lạ. Khi ấy, phần lớn các cuộc hôn nhân đều do mai mối. Những cô gái trẻ đa phần không biết mặt mũi chồng tương lai ra sao. Trước khi về nhà chồng, họ sẽ hát những bài hát than thở để oán trách người mai mối.
Các nhà hoạt động tại Hong Kong trong Dự án Phát triển Cộng đồng Caritas Lung Yeuk Tau đã dành hàng chục năm trời để nghiên cứu về cuộc sống của phụ nữ Lung Yeuk Tau. Sau đó, họ chắt lọc thành quả nghiên cứu trong bộ phim tài liệu có tên "Yesterday Once More" để truyền tải đến công chúng.
Trong phim, 7 người phụ nữ còn sót lại của thế hệ cũ cùng tập trung tại San Uk Tsuen. Họ chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời mình, hát lại những lời hát than thở trước khi rời xa bố mẹ, về nhà chồng.
Bà Liu Kam-lan
Cụ bà Liu Kam-lan mở đầu cuộc trò chuyện với một bài hát than thở của cô dâu bằng tiếng Weitou. Đây là phương ngữ được cư dân Lung Yeuk Tau sử dụng từ thời Tống ( 960-1279 ) và đến nay chỉ còn các cụ già lớn tuổi biết đến.
Theo lời bài hát, hơn 60 năm trước, bà Liu khi ấy còn là một cô gái trẻ nhưng sớm được mai mối gả đi xa nhà. Trong những ngày cuối cùng được ở bên bố mẹ, bà nằm trên căn phòng áp mái khóc lóc thảm thiết trong lúc bạn bè đến nói lời tạm biệt. Nhờ vào mai mối, bà Liu kết hôn với người đàn ông chưa một lần gặp mặt. Không bao lâu nữa, cô gái trẻ sẽ về làm dâu nhà người ta, rời xa bố mẹ, làng xóm mãi mãi.
Đó không chỉ là số phận của riêng bà Liu mà là cuộc sống chung của hầu hết phụ nữ Weitou lúc bấy giờ. Tất cả sự oán giận, hờn trách của họ đối với người mai mối đều đặt trong ca từ của những bài hát than vãn.
Trang phục cô dâu theo truyền thống Weitou
Phần lớn phụ nữ Weitou khi ấy đều không được đi học. Họ truyền miệng cho nhau những bài hát than vãn từ thế hệ này qua thế hệ khác. Truyền thống mai mối như vậy cũng được duy trì tại các khu vực nông thôn của Hong Kong giai đoạn đó. Những bà mối sẽ tìm kiếm các cô gái trẻ đến tuổi cập kê để giới thiệu cho đàn ông ở làng khác.
Theo nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Caritas, không phải cuộc hôn sắp đặt nào cũng đều tồi tệ. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ trong số này sống không hạnh phúc, cả đời họ chỉ biết vâng lời và phục vụ nhà chồng. Chỉ đến khi người chồng qua đời, họ mới tìm được tự do trong những năm tháng cuối đời.
Khi tổ chức Caritas tìm đến, những người phụ nữ của thế hệ cũ ban đầu không muốn chia sẻ chuyện của mình. Họ cho rằng cuộc sống của họ chỉ toàn bi kịch, vất vả, không có gì đáng để nói. Nhưng sau đó, họ bắt đầu cởi mở hơn, bắt đầu chia sẻ về những bài hát than vãn của cô dâu. Có thể thấy bản thân dự án của Caritas đã giúp người dân của Lung Yeuk Tau tôn vinh văn hóa và nâng cao lòng tự trọng rất nhiều.
Bà Leung Siu-ha
Khu vực Lung Yeuk Tau có 5 ngôi làng với bề dày lịch sử hơn 700 năm. Thời gian đã khiến nơi này thay đổi rất nhiều bởi những cánh đồng lúa giờ đã biến thành các tòa nhà cao tầng, bãi đậu xe hiện đại. Số phận của con người giờ cũng không còn như xưa.
Những người phụ nữ già hào hứng kể lại câu chuyện của mình. Phần lớn trong số họ đều trải qua một cuộc sống vất vả, thiếu thốn và hôn nhân không hạnh phúc.
Bà Man Kam-hop, người lớn tuổi nhất trong nhóm kể lại: "Tôi lớn lên ở làng San Tin, mới 9 tuổi đã bắt đầu đi làm giúp đỡ bố mẹ và không được đến trường. Tất cả những đứa trẻ đều như vậy. Cả nhà trồng lúa còn tôi đi chăn trâu". Nghĩ lại tuổi thơ, bà Man Kam-hop chỉ thấy vất vả, cơ cực. Cũng chính vì ngày ngày cưỡi trên lưng trâu như đàn ông nên bà không trở thành mục tiêu của đám trai làng.
Câu chuyện của bà Leung Siu-ha cũng nặng trĩu. Năm 20 tuổi, bà chuyển từ Thâm Quyến đến Hong Kong theo lời giới thiệu của một người họ hàng. Thuở nhỏ, gia đình bà rất giàu có, sở hữu cả một nhà máy pháo hoa, trong nhà có cả người hầu kẻ hạ. Nhưng sau năm 1949, gia tài bị sung công quỹ, bà phải chịu cảnh đói nghèo, cả ngày ăn chưa đến một bát cơm, phải ăn khoai lang trừ bữa.
Những người phụ nữ cuối cùng của hủ tục mai mối hôn nhân của người Weitou
Khi đi lấy chồng nhờ mai mối, bà Leung cũng như bao cô dâu trẻ khác. "Tôi chỉ được dặn là phải vâng lời chồng và tuân theo người nhà chồng. Chẳng cần gì khác, chỉ cần vâng lời", bà nhớ lại. Trước khi về nhà chồng, bà Leung đã dành 4 đêm trên phòng áp mái, khóc cạn nước mắt.
Bà Man Fung-king, đến từ làng San Tin, cũng trải qua một cuộc hôn nhân sắp đặt. Lần đầu tiên gặp chồng tương lai tại một nhà hàng, bà Man Fung-king khi ấy mới 17 tuổi, vô cùng sợ hãi và lo lắng. Họ hàng đôi bên cũng ngồi vây kín đôi trẻ trong cuộc gặp mặt hôm ấy và một thời gian sau, bà Fung-king về làm dâu nhà người. 3 ngày trước đám cưới, bạn bè cô dâu đã kéo đến an ủi. Bà Man Fung-king và bạn bè chỉ biết ngồi trên tầng gác mái khóc và hát cùng nhau.
Hủ tục hôn nhân sắp đặt giờ đã không còn và những bài hát than thở của cô dâu cũng trôi vào dĩ vãng. Nếu không có bộ phim tài liệu này thì có lẽ những bài hát sẽ hoàn toàn biến mất khi thế hệ này không còn. Nhờ có họ và những bài hát, chúng ta thấy được một phần của lịch sử và số phận phụ nữ thời xưa.
Nguồn: https://phununews.nguoiduatin.vn/
Chuyện lạ thế giới
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn