Tại bãi giữa sông Hồng có một con đường độc đáo dẫn vào khu xóm Phao, nơi những người ngụ cư là dân lao động nghèo sinh sống. Trên con đường hun hút dẫn vào trong xóm, những người mới đến đây lần đầu đều cảm thấy rờn rợn bởi cứ 1 đoạn lại có một ngôi mộ đất được an táng ngay bên lề đường.
Cách chân cầu khoảng hơn 100 mét là ngôi miếu mới được tôn tại lại trông khá khang trang, nhưng trong miếu chẳng có tên tuổi của người đã mất mà chỉ ghi vỏn vẹn 3 chữ “miếu Hai cô”. Theo người dân sinh sống ở đây, sở dĩ gọi là miếu Hai cô vì người được chôn cất dưới đó là 2 cô gái trẻ, ngoài ra còn có 3 người khác cũng được cùng chôn trong quần thể.
“Chuyện về hai cô chỉ có những người ở đây lâu năm mới nắm rõ, muốn biết sự thể thế nào thì sang bên nhà ông Được hỏi, ông ấy là người trực tiếp vớt và an táng hai cô”, người phụ nữ bán nước dưới chân cầu Long Biên nói.
Quanh khu vực bãi giữa sông Hồng thỉnh thoảng vẫn có những nấm mồ vô chủ.
Tìm đến nhà ông Nguyễn Đăng Được (74 tuổi), khi hỏi chuyện về miếu Hai cô, người đàn ông này trầm ngâm suy nghĩ, rồi nói rằng mỗi lần kể lại là mỗi lần đau bởi hình ảnh hai cô gái trẻ lại hiện về trong trí nhớ của ông. Ông kể lại rằng, năm 2004 ông và người dân sinh sống tại đây phát hiện thấy một thi thể nổi dập dềnh đang trôi dạt vào gần bờ sông đoạn gần cầu Long Biên. Vốn là dân sông nước, ông Được cùng vài người đàn ông khác không ngần ngại bơi ra đưa xác cô gái vào bờ.
Khi vớt lên ai cũng xót xa khi biết đây là một cô gái còn rất trẻ mới chỉ 17 tuổi, đau đớn hơn hai ngón tay cô gái bị buộc chặt vào nhau. Sau khi thấy sự việc có nhiều điểm nghi vấn, người dân đã báo chính quyền địa phương, rồi chính quyền lại giao người dân nơi đây mai tại ngay tại bãi sông Hồng.
Ông Được suy tư rất nhiều khi nhớ về chuyện với xác hai cô.
Nếu chuyện chỉ có vậy thì chẳng có gì đáng bàn, bởi theo ông Được hơn 30 năm vớt xác ở đoạn sông này bản thân ông cũng chẳng nhớ mình đã vớt được bao nhiêu thi thể trôi sông. “Ngày xưa, kể cả bây giờ có lẽ ngày nào cũng có người chết trôi sông. Trước vớt được các thi thể, tôi an táng ngay dưới bãi bồi, nhưng mấy năm nước lớn cuốn hết bia mộ, hài cốt xuống sông rồi”, ông Được kể.
Đối với cô gái trẻ bị buộc chặt hai ngón tay lại với nhau được người dân án táng ở thế đất cao hơn nên không bị lở trôi xuống dòng nước mỗi khi lũ về. Tiếp tục câu chuyện về miếu Hai cô, ông Được nhấp 1 chén chè đặc rồi nói: “Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ đến vậy. Khó hiểu lắm”.
Chuyện hai cô dạt về khu bãi giữa có điểm trùng hợp kỳ lạ khiến nhiều người không khỏi rùng mình.
Năm 2005 – đúng ngày mà năm trước người dân vớt được cô gái bị trói ngón tay vào với nhau, người dân lại phát hiện một thi thể nữ giới khác nổi dập dềnh ở mép sông Hồng. Điều kỳ là là khi vớt thi thể lên thì cũng là một cô gái trẻ chạc tuổi cô gái năm trước và hai ngón chân cũng bị cột chặt với nhau, mặc bộ quần áo ngủ đã bị rách đôi ba chỗ.
Sau khi chính quyền có mặt làm nhiệm vụ, thi thể lại được giao cho người dân chôn cất ở bãi sông Hồng. Do có đặc điểm giống nhau nên ông Được cùng mọi người chôn hai cô gái trẻ cạnh nhau.
“Thời gian đầu mộ hai cô chỉ là mộ đất đặt cạnh nhau, sau đó mới được một số người trong CLB bơi sông Hồng và người dân xóm Phao góp tiền vào dựng lên một ngôi miếu nhỏ. Hàng tháng không chỉ người dân ở bãi giữa mà nhiều người nơi khác cũng đến thắp hương cho những người đã khuất”, ông Được nói.
Khu miếu Hai cô được mọi người góp tiền xây dựng lại khang trang hơn trước.
Ngoài trường hợp của hai cô, trong khuôn viên miếu còn có 1 bé gái bị bỏ rơi cũng có số phận khiến nhiều người không khỏi xót xa. Theo người dân nơi đây, cách đây vài năm trước khi ngôi miếu đã được lập nên người dân bất ngờ phát hiện một nấm mồ mới lập, đất cát mới được đào bới, khói hương còn nghi ngút.
Tiến hành kiểm tra thì phát hiện thi thể 1 cháu bé được chôn lấp vội vàng, kèm theo đó là 1 lá thư của cặp vợ chồng để lại với nội dung: “Vợ chồng cháu ở xa quá, không có điều kiện mang cháu về quê chôn cất. Hàng ngày cũng không thể đi làm mà đeo cháu trên lưng.
Cháu biết đây là nơi thờ cúng các Cô, chúng cháu không được phép. Nhưng thực sự vợ chồng cháu không còn cách nào. Cháu mong ông bà thương xót và hương khói cho bé gái này, một ngày nào đấy cháu sẽ đến tạ lỗi với con”.
Ngay sau đó, người dân đã phân công nhau đào mộ, mua gạch và xây cất phận mộ tử tế cho cháu bé, do không biết tên tuổi nên mọi người đặt tên là “Ún Tiểu”, hiện vẫn đang được thờ cúng chung trong khu miếu.
Rời khu miếu Hai cô, quay trở lại nội thành cũng là lúc mặt trời tắt nắng, men theo con đường mòn dọc sông Hồng vừa đi vừa nghe tiếng sóng đánh vào bờ khiến không gian vốn đã ảm đạm, nay lại càng ảm đạm hơn. Trên đoạn đường tiễn chúng tôi ra chân cầu Long Biên, ông Được nói rằng: “Dưới con nước kia còn bao người nằm đó, khi mỗi mùa nước lên đất bãi lại lở đi 1 chút. Chúng tôi chỉ mong có được một nghĩa trang tử tế để những người xấu số được yên giấc ngàn thu”.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/hai-co-gai-bi-buoc-tay-chan-dat-ve-cau-long-bien-va-e...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn