Ăn Tết ở nhà sau nhiều năm giành lại sự sống
Đến thăm thượng úy Đinh Văn Dương những ngày giáp Tết Nguyên Đán 2017, chứng kiến sự hồi phục thần kỳ của anh, đặc biệt khi nhìn anh tươi cười, thể hiện tình yêu thương với hai người con kháu khỉnh, những người chứng kiến đều thấy hạnh phúc và ấm áp biết nhường nào.
Chia sẻ với chúng tôi về những ngày kiên cường giành giật mạng sống, anh Dương gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới các bác sĩ, cán bộ y tế đã luôn đồng hành cùng anh trong suốt quá trình điều trị. Ngoài ra, anh Dương chia sẻ từ tận đáy lòng: “Các con tôi chính là động lực sống giúp tôi chiến thắng tử thần và nhất là Hải Anh (vợ anh Dương), đây là ký ức không thể nào quên trong cuộc đời tôi”.
Vợ và các con là động lực giúp anh Dương chiến thắng tử thần.
Anh Dương nhớ lại ngày mình cùng các đồng đội gặp nạn: “Thời điểm đó là ngày vận hạn liên tục ập vào gia đình tôi, tôi gặp nạn, con gái thì bị gãy tay... rồi vợ sinh. Hai bên nội ngoại phải ngược xuôi chăm sóc cho hai vợ chồng tôi. 4 tháng sau gặp nạn tôi mới tỉnh dậy thì lúc đó con trai cũng đã được 4 tháng, và thời điểm đó cũng đã gần cuối năm, đó là lần đầu tiên tôi ăn Tết ở bệnh viện”.
Cái Tết đầu tiên ở bệnh viện, khi đó anh vẫn còn phải điều trị cách li đặc biệt và rất ít người được vào thăm, cũng như chăm sóc. “Tết năm 2015, tôi còn ở khoa liền vết thương (Viện Bỏng Quốc gia). Khi đó thật sự tôi rất buồn vì phải nằm một chỗ, vợ khi đó mới sinh nên cũng không có nhiều thời gian ở bệnh cạnh.
Tôi phải dần hồi phục âm thanh, giọng nói rồi việc cử động. Tất cả với tôi đều rất khó khăn, lật người cũng phải tập luyện mất 3 tháng, tập ngồi mất 6 tháng... và năm ấy là cái Tết đáng nhớ và buồn vô cùng đối với tôi”, anh Dương kể lại.
Thế rồi, những ngày Tết đáng buồn ở bệnh viện cũng qua đi, và rồi cả năm 2015 anh nỗ lực cố gắng để vượt qua những khó khăn, vất vả. Đền đáp lại những cố gắng của bản thân, đến Tết năm 2016 dù vẫn phải ăn Tết ở bệnh viện, nhưng anh Dương khi đó có thể ngồi trên xe lăn và đi lại được. Niềm vui lớn nhất đối với anh Dương năm đó chính là được cùng vợ con ăn Tết trong viện.
“Năm đó, tôi đi chúc Tết tất cả các khoa phòng tại bệnh viện và cũng có duy nhất mình gia đình tôi ở đây đón Tết. Các trường hợp nhẹ hơn họ về nhà đón Tết cùng gia đình. Đón xong Tết cùng tôi ở lại bệnh viện, vợ phải đưa con về nhà nhờ người trông để đi làm”, anh Dương xúc động.
Anh Dương vui mừng khi năm 2017 được ăn Tết tại gia đình.
Riêng năm 2017, niềm vui của anh được nhân lên gấp bội khi anh được về đón Tết cùng với đại gia đình, cũng như hàng xóm làng giềng sau nhiều năm xa cách. “Lần này về quê tôi gặp được mọi người trong gia đình, được sum vầy sau bao năm xa cách, được gặp lại những người bạn cũ mà khi gặp nạn họ cũng đã tìm đến thăm động viên mình, gặp để có thể kể chuyện cho nhau nghe, đó là niềm vui lớn đối với tôi”, anh Dương tâm sự.
Đau đáu nơi đồng đội đã ngã xuống
Để được như ngày hôm nay, thượng úy Đinh Văn Duơng đã phải trải qua 891 ngày nằm viện với 24 ca phẫu thuật, cấy ghép da. Hiện trí nhớ của anh Dương đã minh mẫn, nhưng thân thể không còn lành lặn. Anh Dương không còn hai bàn tay, hai chân, nhiều phần da trên cơ thể biến dạng, phần mũi, tai và nhiều phần da trên khuôn mặt co lại.
Trở về cuộc sống đời thường, anh Dương sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng để kết nối với bên ngoài. Để có thể làm những việc tưởng chừng đơn giản như ngồi, đọc báo, lướt web, uống trà,… anh Dương phải trải qua quá trình tập luyện phục hồi chức năng gian khó với sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Những việc khác anh phải nhờ sự giúp đỡ từ mẹ già hoặc vợ con.
Để sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng anh Dương phải trải qua quá trình tập luyện phục hồi chức năng gian khó.
Nói về nơi tai nạn đã xảy ra với mình, anh Dương cho biết, ngay sau khi xuất ngũ, ra viện dù rất muốn đến từng nhà các đồng đội để thăm hỏi động viên gia đình, nhưng do điều kiện không cho phép nên anh đã trở lại nơi chiếc trực thăng rơi năm xưa để thắp hương cho đồng đội , đó là nguyện ước đau đáu của anh từ suốt hơn 2 năm qua.
Những trăn trở về 20 chiến sĩ đã hy sinh khiến anh Dương ấp ủ ước nguyện xây dựng nhà tưởng niệm cho đồng đội tại chính địa điểm trực thăng rơi. Tuy nhiên, sức khỏe và kinh phí là nỗi lo lớn của người thương binh trong quá trình hiện thực hóa nguyện ước của mình.
Những ước nguyện trên có thể là lớn lao đối với một người thương binh như anh, nhưng chúng tôi tin rằng, bằng sự quyết tâm, nghị lực của một người lính can trường, hy vọng một ngày không xa anh sẽ làm thực hiện được những dự định mà anh đang hướng tới. Đúng như lời nói trước khi chia tay chúng tôi: “Dù tôi cụt chân tay và phía trước cuộc sống còn khó khăn biết nhường nào nhưng tôi không bao giờ tôi lùi bước và gục ngã vì trước tôi còn tương lai của các con. Tôi muốn nhìn các con được khôn lớn từng ngày”.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn