Đang chờ thi hành án tại trại giam Công an tỉnh Nghệ An, Nguyễn Hoài Thu (36 tuổi) tình cờ trong một lần được cấp phát báo miễn phí đã đọc mẩu tin viết về hoàn cảnh éo le của em Nguyễn Đăng Hùng trú ở huyện Đô Lương. Dù mới 3 tuổi, nhưng hàng ngày, ngoài giờ đi học, Hùng còn tranh thủ đi mò cua, bắt ốc để bán lấy tiền nuôi bố bị bệnh và bà nội già yếu đã 70 tuổi.
“Đọc báo mà thấy xót xa quá, cháu bé cũng trạc tuổi con trai tôi. Ở vào độ tuổi này, lẽ ra các cháu cần có vòng tay chăm sóc, yêu thương của bố mẹ nhưng vì hoàn cảnh nên phải vất vả mưu sinh. Tôi thương quá nên đề xuất cán bộ quản giáo được trích tiền lưu ký để ủng hộ cháu Hùng trong lúc khó khăn”, Thu kể.
Nghe lời đề xuất "lạ" của một nữ tử tù, quản giáo cán bộ quản giáo ở khu biệt giam đã báo cáo với Ban giám thị trại. Ước nguyện của Thu đã thành hiện thực. Đại tá Trần Sỹ Phàng, Giám thị trại giam cho biết, đơn vị đã tiếp nhận số tiền 3 triệu đồng của Thu để trao tận tay em Hùng vào một ngày đầu tháng 7 vừa qua.
Tử tù Nguyễn Hoài Thu và chị em dâu trong phiên tòa phúc thẩm.
Tâm sự về ngã rẽ cuộc đời, tử tù Nguyễn Hoài Thu cho biết sau khi tốt nghiệp sư phạm khoa Toán cuẩ Đại học Vinh, cô theo chồng về huyện miền núi biên giới Quế Phong (Nghệ An) để lập nghiệp.
Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang thì hôn nhân tan vỡ. Cuộc sống giáo viên, lương ba cọc ba đồng không đủ trang trải, buộc ngoài giờ dạy học Thu làm đủ thứ nghề, từ mở quán phở, hàng tạp hóa đến tiệm internet.
Ước ao lớn nhất của Thu lúc đó là kiếm được tiền để mua căn nhà nho nhỏ, hai mẹ con có chỗ dung thân. Số phận rẽ ngang từ khi gặp “ông trùm” Nguyễn Công Hải, một tay buôn bán ma túy khét tiếng trú tại huyện Quỳ Hợp. Thu bị rủ rê tham gia vận chuyển ma túy cùng Hải và hai chị em dâu của mình là Nguyễn Thị Dung và Trương Thị Huệ.
Từ tháng 3 đến tháng 7/2012, đường dây này đã chuyển 255 bánh heroin từ Lào về Nghệ An để tiêu thu tại TP HCM và Lạng Sơn... Ngày 29/7/2012, khi nhận lệnh của "ông trùm", Thu trực tiếp liên lạc đối tác người Lào để vào rừng nhận 70 bánh heron đưa về phòng trọ của mình ở ký túc xá giáo viên tại trường THCS Tiền Phong cất giấu.
Tối cùng ngày, Thu đã chia 30 bánh bỏ vào va ly và 40 bánh bỏ vào bì xác rắn để đưa về Vinh. Sáng 31/7, chị dâu của Thu đang giao chiếc va ly tại ga Vinh thì bị công an bắt quả tang.
Đường đây bị xoá sổ, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Thu và 3 người án tử hình, 2 đồng phạm khác án chung thân.
Tâm sự ở chốn biệt giam, Thu nói rằng biết rất rõ tác hại của việc làm này nhưng vì muốn đổi đời, lòng tham đã che mờ nhân cách và cả lòng tự trọng. "Ban đầu cứ nghĩ tham gia một vài chuyến rồi từ bỏ, nhưng mọi chuyện không dễ dàng như suy tính. Khi bị bắt, điều tôi nghĩ đến đầu tiên là cái chết, bởi có như vậy mới khỏi phải đối diện với bất kỳ ai, kể cả các em học sinh, đồng nghiệp và bố mẹ mình”, tử tù trải lòng.
Nguyễn Hoài Thu lúc bị xét xử.
Đại úy Nguyễn Thị Liên cán bộ quản giáo trông coi tử tù tại buồng giam của Thu cho biết thêm, hồi mới bị bắt, Thu bị suy sụp và hoảng loạn tinh thần. Thậm chí, nửa tháng trời cơm không ăn được, hai chân bị liệt không thể di chuyển buộc Ban giám thị trại tạm giam phải cho chuyển sang buồng lớn, gần gũi động viên mới dần bình tâm trở lại.
So với các phạm nhân khác, Thu có trình độ nên ý thức chấp hành kỷ luật buồng giam cũng cao hơn. Bởi vậy, hằng tháng Thu được gọi điện thoại về nhà 1-2 lần gặp con trai.
Nữ tử tù này kể, sau phiên tòa phúc thẩm cấp cao, cơ hội sống gần như không còn nhưng bản thân chưa bao giờ tuyệt vọng. Thu đã viết đơn xin ân xá gửi Chủ tịch Nước mong mình còn có con đường được sống “để trả nợ cuộc đời”.
Hằng ngày, tại chốn biệt giam, Thu ăn chay, niệm Phật để cầu mong điều kỳ diệu nhất sẽ đến với cuộc đời mình. Thu còn tự học tiếng Anh, lạc quan rằng nếu được cơ hội sống sẽ dạy ngoại ngữ cho các phạm nhân khác.
Theo Cảnh sát toàn cầuXem thêm
>> Bi kịch từ lòng tham của nữ giáo viên
>> Cô giáo đẩy cả gia đình vào thảm cảnh vì tham một triệu đồng
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn