Căn nhà, gọi là nhà nhưng thật ra đó chỉ là bốn vách tường thấp lè tè, lợp tôn xi măng của vợ chồng bà Phạm Kim Sử nóng hầm hập.
Hai thi thể của anh em Võ Quốc Tuấn (12 tuổi) và Võ Ngọc Tú (10 tuổi) nằm sát nhau, như đang ngủ thấy thương lắm.
Bà Sử cứ để nước mắt chảy tràn trên mặt không buồn lau và ai cũng hiểu nổi đau của bà thấu cả trời xanh. “Tôi đi bán rau về, mệt quá định ngả lưng thì thằng Tuấn, thằng Tú tới xin phép mẹ đi chơi vì mới thi học kỳ xong. Tôi không đồng ý chỉ nói, để mẹ nghỉ chút rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Có ai ngờ đó là lần gặp nhau cuối của ba mẹ con. Gia đình tôi mất hết rồi”, bà Sử nức nở kể lại.
Bà Sử quá đau đớn khi cùng lúc mất cả hai đứa con mình rứt ruột sinh ra
Gia đình bà Sử nghèo lắm, chồng cuốc đất trồng rau quanh vườn; vợ cắt rau và lấy thêm rau của bạn hàng đi bán kiếm ba cọc ba đồng. Tính lên tính xuống dữ lắm, mấy hôm trước bà Sử mới dám gom tiền mua cho hai đứa bộ đồng phục giống y chang quần xanh, áo trắng cho hai anh em mặc tết. Có ai ngờ đó cũng là quần áo hai em được mặc khi đã qua đời.
Bà Sử chỉ đống tôn xi măng và chồng gạch Bát Tràng cũ để bên hông nhà cho biết, vừa mới xin được về để chuẩn bị lợp lại mái đã dột và sửa chữa sơ căn nhà. “Hai đứa thích lắm, nó nói sắp tới nhà mình sẽ lót gạch Bát Tràng sạch sẽ không còn ở trên nền nhà đã bị nứt nẻ lòi cả đất cát lên mà có ai ngờ”, bà Sử nói rồi lấy tay che mặt để kìm nén nỗi đau.
Đống tôn, gạch cũ mà bà Sử định sửa nhà
Trưa hôm đó Tuấn, Tú và Lê Thanh Long (9 tuổi) nhà sát bên thi xong học kỳ rủ nhau đi chơi. Ông Hai, dượng của em Long kể, ba đứa tới chơi rồi xuống tắm ở một ao nước gần nhà.
“Tui đã la tụi nó, kêu lên bờ mặc đồ rồi đi về. Ba đứa ngoan ngoãn mặc đồ trình tui đi về, có ai ngờ hơn một tiếng sau thì nghe cả ba đứa bị chết đuối dưới ao nước đào để tưới thanh long cách nhà tui chỉ khoảng 200m”, ông Hai kể.
Sự việc chỉ được phát hiện khi một phụ nữ đi ngang qua ao nước thấy mấy đôi dép nhỏ xíu nổi lềnh bềnh, trên bờ còn có cái nón lưỡi trai nên nghi ngờ hô hoán.
Khi ba bé được mọi người phát hiện vớt lên đều còn mặc nguyên quần áo. Nhiều người nhận định có thể trên đường đi về nhà, đùa giỡn, một em bị trượt chân rớt xuống và hai em còn lại cố tìm cách cứu và tất cả đều gặp nạn.
Căn nhà của em Lê Thanh Long không khá gì hơn, đó là căn nhà tình thương vừa mới được xây. Ba mẹ Long đều làm mướn, đụng gì làm đó, ai mướn gì cũng làm để kiếm tiền nuôi ba đứa con trong đó Long là áp út. Nghe đứa bé em út Long mới hơn ba tuổi ngọng nghịu hỏi ba sao anh Ba ngủ hoài mà thấy cay cay khóe mắt.
Căn nhà cũ kỹ giờ đã vắng tiềng cười đùa của hai em Tuấn, Tú
Hàng xóm tới nhiều lắm, người lo phụ đào huyệt mộ, người lo đi rửa hình để gắn trên bia cho mấy đứa nhỏ nhưng tôi vẫn chú ý tới một người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi. Nhìn quần áo cũ kỹ, tay chân thô kệch bám xám xịt xi măng, có lẽ người đàn ông này thợ xây hoặc phụ hồ. Thắp nén nhang cho hai anh em Tuấn, Tú xong ổng móc trong túi áo khoác màu nhà binh ra bốn tờ 50 ngàn cũ mèm run run cầm hai tay đưa cho bà Sử mẹ hai em rồi nói lí nhí “Tui không có nhiều, cầm mà có tiền lo cho cháu”. Nỗi đau của hai gia đình mất con vào những ngày giáp tết này không có gì có thể tả và xoa dịu được nhưng hình ảnh trên sao ai cũng thấy ấm áp vô cùng.
Ngày 31-12, nhà báo Phương Nam đại diện Báo Pháp Luật TPHCM đã có mặt và trao 10 triệu đồng cho gia đình bà Phạm Kim Sử và 5 triệu đồng cho gia đình ông Huỳnh Văn Lượm để hỗ trợ ban đầu. Đây là số tiền của nhà báo Đức Hiển, báo Pháp luật TPHCM kêu gọi giúp trẻ em nghèo đón tết trích ra hỗ trợ cho hai gia đình. Ba bé bị chết đuối: Đau thấu trời xanh - ảnh 3Đại diện Báo Pháp luật TPHCM trao tiền hỗ trợ ban đầu cho hai gia đình có ba con bị chết đuối
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn