Xuất phát thấp
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy một thực trạng “còn nhiều” hạn chế tồn tại của ngành CN ô tô Việt Nam, một ngành CN đã có hơn 20 năm phát triển với nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Theo Bộ Công Thương, hiện ngành sản xuất-lắp ráp (SX-LR) ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản), dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính: Hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các DN trong SX-LR ô tô và phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Tỉ lệ nội địa hóa (NĐH) sản phẩn hiện mới đạt bình quân 7-10% (so với mục tiêu 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010). Các sản phẩm NĐH mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: Săm, lốp, ghế, gương, dây diện, sản phẩm nhựa, ắc quy…
Điểm đáng nói là giá bán sản phẩm hiện vẫn ở mức cao trong khu vực (gấp 2 lần so với các nước trong khu vực, và nhiều lần so với các nước có nền CN phát triển ổn định như Nhật Bản, Mỹ…).
Giá bán cao, nhưng chất lượng xe SX-LR trong nước lại không bằng xe NK.
Với thực trạng như vậy, trong bối cảnh thuế NK xe nguyên chiếc trong khu vực giảm nhanh (xuống 0% năm 2018), mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh với sản phẩm NK được xem là bài toán khó.
Hỗ trợ sản xuất, kiểm soát NK
Tại hội nghị tổng kết công tác mới đây, trong phần định hướng phát triển ngành sản xuất ô tô năm 2018, Bộ Công Thương, một lần nữa khẳng định việc sẽ có một số biện pháp nhằm kiểm soát tốt lượng ô tô NK và hỗ trợ cho sản xuất trong nước.
Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất xử lý các vấn đề về điều chỉnh thuế NK linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc thấp hơn mức thuế NK ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký. Đồng thời nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe có tỷ lệ NĐH cao (không đánh thuế TTĐB đối với phần giá trị tạo ra trong nước).
Bộ cũng khẳng định việc sẽ tập trung xây dựng chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp SX-LR ô tô trong và ngoài nước.
Về dài hạn, cơ quan quản lý sẽ có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các DN trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.
Để kiểm soát chất lượng và số lượng ô tô sản xuất, NK, Nghị định 116/2017/NĐ-CP được ban hành với nhiều điều kiện chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, nhất là đối với hoạt động NK.
Cùng với đó là các biện pháp kiểm soát xe NK khác cũng được tăng cường như: Quản lý chặt chẽ giá trị tính thuế, xuất xứ xe ô tô NK và chống gian lận thương mại…
Lâu dài hơn, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật để quản lý chất lượng đối với xe ô tô nguyên chiếc NK. Bộ KH&CN cùng với Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ về việc xây dựng hàng rào tiêu chuẩn đối với ô tô tại Việt Nam, dự kiến tổng cộng có 300 tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Làn sóng đầu tư vào sản xuất ô tô
Các chính sách của cơ quan quản lý lập tức đã có tác động tới thị trường ô tô Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch NK xe con dưới 9 chỗ ngồi năm 2017 đạt gần 39.000 chiếc, giảm hơn 10.000 chiếc so với năm 2016, song giá trị NK lại tăng lên, đạt 717 triệu USD. Tính bình quân, giá xe NK trước thuế là 420 triệu đồng/chiếc, tăng hơn 100 triệu đồng so với giá năm 2016. Số lượng giảm, trong khi giá tăng, được cho là do chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động NK ô tô vào Việt Nam.
Tháng đầu tiên của năm 2018, hoạt động NK ô tô đang tạm ngừng do các DN chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo Nghị định 116, lượng xe NK giảm mạnh.
Bên cạnh đó cũng cho thấy một “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất ô tô đến từ các DN trong nước. Hiện tại, có 3 DN là Trường Hải, Hyundai Thành Công và Vinfast đang đầu tư lớn cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Một tên tuổi tuy không mới, nhưng lạ, đó là Mitsubishi Việt Nam. Thay vì NK, liên doanh này đã tiến hành lắp ráp mẫu xe Outlander. Đây là hướng đi được DN lựa chọn, để mở rộng và phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam từ năm 2018.
Không những thế, Mitsubishi dự kiến đầu tư hơn 200 triệu USD vào nhà máy tại Bình Dương và kêu gọi một số DN nước ngoài đầu tư vào sản xuất linh kiện tại đây, để đạt tỷ lệ NĐH 40% trong thời gian tới.
Giá sẽ rẻ, lượng dồi dào
Sự tác động của chính sách cũng đem lại những bất ổn cho thị trường những tháng đầu năm 2018. Nhu cầu tăng nhanh trong tháng giáp Tết, trong khi nguồn cung NK giảm mạnh, sản xuất trong nước không kịp đáp ứng, thị trường ô tô có những thời điểm rơi vào cảnh khan hiếm, giá bị lợi dụng đẩy lên cao. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng với đó nguồn thu ngân sách từ ô tô NK trong tháng đầu năm cũng giảm mạnh.
Bàn về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Kiểm soát, không khuyến khích NK là chủ trương của Chính phủ. Chính sách được ban hành cũng như diễn biến thị trường đang thể hiện rõ điều đó. Việc không có một vài mẫu xe này thì sẽ có mẫu xe khác thay thế. Mua sản phẩm nào, với giá bao nhiêu do người tiêu dùng lựa chọn.
Mặt khác tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, hoạt động NK ô tô sẽ quay trở lại, sản xuất trong nước đang nhanh chóng gia tăng để đáp ứng yêu cầu.
Quan trọng hơn, với các chính sách ưu tiên sản xuất trong nước, giá sản phẩm đã được kéo xuống trong năm 2017, sẽ tiếp tục có điều kiện giảm tiếp trong năm 2018.
Với quy định mới, từ 1/1/2018, các DN SX-LR ô tô có quy mô sản lượng lớn sẽ được giảm thuế NK linh kiện về 0%. Điều này giúp cho các DN, giảm giá bán lẻ sản phẩm SX-LR từ 12-15%.
Nếu các DN SX-LR ô tô được hưởng thêm ưu đãi thuế TTĐB với phần linh kiện mua trong nước; các DN sản xuất linh kiện được giảm thuế NK nguyên, vật liệu đầu vào thì giá thành xe SX-LR trong nước sẽ giảm thấp. Giá xe trong nước sẽ rẻ hơn xe NK và người tiêu dùng được hưởng lợi.
Thị trường ô tô năm 2018 hứa hẹn rất sôi động, bởi hàng loạt dự án đầu tư hoàn thành, cho ra mắt nhiều mẫu xe mới, công nghệ hiện đại, giá giảm và cạnh tranh quyết liệt.
Ngay từ tháng đầu năm Mitsubishi Outlander lắp ráp tại Việt Nam đã giảm từ 167 -181 triệu đồng, nhờ chênh lệch giữa thuế NK bộ linh kiện và thuế NK xe nguyên chiếc. Vì vậy đã tạo ra sản phẩm có giá bán cạnh tranh trong phân khúc SUV 5+2 hiện nay.
Cuối tháng 3/2018, Trường Hải sẽ khánh thành Nhà máy Mazda công suất 50.000 xe/năm. Cuối năm 2018 Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công với công suất 40.000 xe sẽ đi vào hoạt động. Cũng vào cuối năm 2018, Vinfast sẽ khánh thành Nhà máy ô tô giai đoạn 1, công suất 100.000 xe/năm, ra mắt 2 mẫu xe mới và nhận đơn đặt hàng từ đầu năm 2019.
Với diễn biến này, thị trường ô tô sẽ thay đổi. Xe SX-LR trong nước sẽ tăng trưởng mạnh cả quy mô lẫn sản lượng. Nguy cơ phụ thuộc vào nguồn ô tô NK và gia tăng nhập siêu sẽ giảm nhiều.
- Dự báo của các chuyên gia kinh tế đến năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 3.000 USD và thời kỳ bùng nổ nhu cầu xe hơi sẽ diễn ra ngay sau đó. Nhu cầu thị trường đến năm 2025 có thể trên 600.000 xe/năm.
- Năm 2018 hứa hẹn những sự đột phá ấn tượng trên thị trường ô tô về doanh số bán. Việt Nam sẽ vượt qua Malaysia để vươn lên vị trị thứ 4 tại khu vực, sau Thái Lan, Indonesia và Philippines. Về lâu dài thì rất tiềm năng. Ước tính thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt doanh số khoảng 12 tỷ USD vào năm 2030.
- Liên quan tới đề xuất không đánh thuế TTĐB đối với phần giá trị tạo ra trong nước đối với ô tô lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính cho rằng đề xuất này là chưa phù hợp với các quy tắc của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Do vậy cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng. Nhiều nước đã áp dụng, nhưng mức độ có bị kiện hay không thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Theo Nguyễn Hà
Hải quan Online
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn