Các dòng xe có tỷ lệ nội địa hóa cao như Inova của Toyota Việt Nam có thể sẽ được giảm thuế linh kiện nhập khẩu nếu tiếp tục đà tăng sản lượng - Ảnh: Vũ Hân
Doanh số xe lắp ráp giảm, xe nhập từ ASEAN áp đảo
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2017, đã có 7,8 nghìn ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam, trị giá 188 triệu USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 12,7% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng, Việt Nam nhập 65,5 nghìn chiếc, trị giá 1,39 tỷ USD, giảm 4,9% về lượng và giảm 14,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, lượng xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN tiếp tục áp đảo, trong đó Thái Lan 23,8 nghìn chiếc, trị giá 432 triệu USD, tăng 12,8% về lượng và 9,9% về trị giá; Indonesia 15,5 nghìn chiếc, trị giá 277 triệu USD, gấp 8,6 lần về lượng và gấp 12,1 lần về trị giá. Như vậy, tính riêng xe nhập từ Thái Lan và Indonesia đã chiếm 60% lượng xe nhập toàn thị trường từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, xe nhập từ Hàn Quốc giảm tới 53,4% về lượng và giảm 43,8% về trị giá, đạt gần 6 nghìn chiếc, 127 triệu USD.
Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 8, toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ 22.099 xe các loại, giảm 6% so với cùng kỳ và tăng 7% so với tháng trước. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8, toàn thị trường tiêu thụ 177.029 xe. Trong khi, lượng xe nhập từ Thái Lan và Indonesia 39.300 chiếc, tương ứng 22,1% lượng xe bán ra. Và lượng xe nhập từ ASEAN sẽ tăng mạnh từ năm 2018, khi thuế nhập khẩu lùi về 0% với dòng xe đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối 40% trở lên. Thống kê của VAMA thể hiện, 8 tháng qua, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đã giảm 11%, trong khi xe nhập khẩu tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Toyota (TMV) Việt Nam thừa nhận, dù có 4/10 tên tuổi nằm trong Top 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường tháng 8, song TMV sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN với thuế nhập khẩu 0% và giá thành sản xuất thấp hơn Việt Nam khoảng 20% nhờ có sản lượng lớn và công nghiệp hỗ trợ phát triển. Và đây cũng là lo lắng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam.
“Cửa” nào cho ô tô Việt?
Cuối tháng 8, Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm mạnh thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế từ 1/1/2018 - 31/12/2022. Cả 2 phương án Bộ Tài chính đưa ra đều theo hướng giảm mạnh thuế linh kiện, thậm chí có thể về 0%. Điều kiện là từ các doanh nghiệp có sản lượng tăng trưởng đạt 16-18%/năm (tối thiểu phải đạt 20.000 xe/mẫu với xe du lịch dưới 9 chỗ và 4.000 xe/mẫu với xe tải); tỷ lệ nội địa hóa từ 20% (với xe du lịch dưới 9 chỗ) và 15% (với xe tải), tăng dần lên 40%.
Trước đó, Bộ Công thương cũng đề xuất áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phù hợp với xe có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao và không đánh thuế TTĐB với phần giá trị tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng). Song song đó, điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn, không phân biệt địa bàn đầu tư.
Chiếu theo đề xuất này, một số doanh nghiệp có sản lượng lớn và tỷ lệ nội địa hóa cao có cơ hội được giảm mạnh thuế nhập khẩu linh kiện, thuế TTĐB.
Lấy ví dụ như dòng xe Innova của Toyota, hiện có tỷ lệ nội địa hóa 37%, sản lượng 10.000 xe/năm (có thời điểm lên tới 15.000 xe/năm). Trong trường hợp Innova đạt sản lượng 20.000 xe/năm từ năm 2018 và tiếp tục tăng sản lượng trung bình 16%/năm, thuế nhập khẩu linh kiện mẫu xe này có cơ hội giảm từ 14-16% về 7%, thậm chí có thể còn 0%. Thuế TTĐB mẫu xe này cũng có cơ hội được giảm tương ứng với tỷ lệ nội địa hóa là 37% (chỉ phải đóng 63% mức thuế suất TTĐB mà dòng xe này phải chịu). Như vậy, cộng tất các chi phí bộ linh kiện, sản xuất, lắp ráp, quản lý, bán hàng, marketing..., giá thành cộng thuế của một chiếc xe Innova tại Việt Nam theo tính toán có thể chỉ xoay quanh mức 550 triệu đồng, giảm rất mạnh so với giá hiện hành và hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh với xe nhập từ khu vực ASEAN.
Tương tự như vậy, một số dòng sản phẩm có “cửa sáng” như Kia Moring của Trường Hải (hiện có tỷ lệ nội địa hóa 31%, sản lượng 10.000 xe/năm) hay Hyundai Grand i10 của Hyundai Thành Công (tỷ lệ nội địa hóa 10% - lộ trình tăng lên 40%, sản lượng thiết kế 25.000-30.000 xe/năm)...
Ngược lại, những dòng xe có sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa thấp như của Mercedes, Mitsubishi , Suzuki , thậm chí của cả Ford... sẽ rất khó giảm chi phí, giá thành, giá bán và có nguy cơ bị đánh bật khỏi “sân nhà” bởi không chỉ các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN, mà còn bởi ngay chính các dòng xe trong nước nói trên.
Đơn cử, so sánh giá của xe Mercedes và BMW - 2 thương hiệu khá tương đồng về chất lượng, giá xuất xưởng tại Đức cùng lắm chênh 5-10% tùy dòng xe. Xe Mercedes lắp ráp tại Việt Nam chịu thuế nhập linh liện CKD 25%, xe BMW nhập khẩu chịu thuế nhập nguyên chiếc 70% (chênh 45%), song giá bán tại Việt Nam cũng vẫn ngang ngửa nhau. Điều đó cho thấy, Mercedes đang phải cõng nhiều chi phí mà một trong những nguyên nhân quan trọng là tỷ lệ nội địa hóa và sản lượng đều đạt thấp.
Do vậy, để có thể cạnh tranh sòng phẳng, quyết liệt, các doanh nghiệp không cách nào khác buộc phải đầu tư mở rộng sản xuất, tăng hàm lượng, giá trị sản xuất trong nước, đóng góp thực sự cho ngành công nghiệp ô tô và nền kinh tế.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn