Tổng giám đốc Vinaxuki, ông Bùi Ngọc Huyên, cho biết, vấn đề ở chỗ: các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam không cần một nhà máy đồng bộ, vì họ chỉ là những cơ sở lắp ráp thủ công mà thôi.
Từ năm 2013, Vinaxuki đã nhiều lần đề nghị với các ngân hàng cho vay khoảng 150 tỷ đồng để vận hành nhà máy, cho ra sản phẩm, đảm bảo cho người lao động có việc làm và tránh cho các dây chuyền công nghệ kỹ thuật khỏi hư hỏng thì mới có khách mua. Còn đóng cửa nhà máy, họ chỉ mua ở dạng phế liệu. Nhưng các ngân hàng không đồng ý và khăng khăng yêu cầu bán toàn bộ nhà máy. Kết quả, chỉ có vài khách tìm hiểu và trả giá quá rẻ, ông Huyên than thở.
Thời hoàng kim
Đầu năm 2004, Nhà máy ô tô Vinaxuki đã được khởi công tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm, đến tháng 8/2005 thì khánh thành. Trong các năm 2006, 2007, 2008 Vinaxuki đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa đạt 27% và 3 dòng xe con với tỷ lệ nội địa hóa đạt 5%.
Đến năm 2012, Vinaxuki lần đầu tiên bị lỗ 45 tỷ đồng, không có tiền trả nợ vốn vay cho các ngân hàng.
Những năm này, hoạt động của nhà máy đều có lãi. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Vinaxuki đã thu hồi xong vốn, trả nợ xong cho các ngân hàng. Ngân hàng ủng hộ và cam kết giúp Vinaxuki tiếp tục đầu tư công nghệ cao, sản xuất các cụm phụ tùng cốt lõi và nội địa hóa ô tô.
Năm 2009, các ngân hàng đã cho Vinaxuki vay gần 300 tỷ vốn kích cầu đầu tư. Các loại xe ô tô lắp ráp đưa ra thị trường đều tiêu thụ mạnh, nhiều đại lý phải chờ đợi hàng tháng mới lấy được xe. Đời sống, việc làm của người lao động đảm bảo, được cải thiện.
Cũng trong năm 2009, hai công ty lớn của nước ngoài muốn mua 50% cổ phần của Vinaxuki, cùng với đó, có nhiều đối tác muốn hợp tác, ở các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô.
Tiếp tục đầu tư, xây dựng, đến năm 2010, nhà máy cơ bản hoàn thành với hệ thống sản xuất đồng bộ từ dập chi tiết thân vỏ xe đến hàn, sơn, lắp ráp, kiểm định và đã xuất xưởng hàng loạt các sản phẩm từ năm 2011. Cùng với đó, Vinaxuki còn hợp tác với các công ty Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ thiết kế thân vỏ xe công nghệ cao và xây dựng một trung tâm thiết kế các sản phẩm ô tô. Đã sản xuất xong cabin, khung gầm xe tải và thân vỏ xe khách, xe con 5 chỗ.
Xe ô tô "đắp chiếu"
Khó khăn bất ngờ
Khó khăn nhất mà Vinaxuki không lường trước được là xảy ra khủng hoảng kinh tế vào năm 2010. Khi đó, thị trường ô tô suy giảm, hàng ngàn xe lắp ra không bán được, giá giảm dẫn đến khó khăn trong thu hồi vốn.
Lợi nhuận giảm dần, đến năm 2012, Vinaxuki lần đầu tiên bị lỗ 45 tỷ đồng, không có tiền trả nợ vốn vay cho các ngân hàng.
Khó khăn tiếp theo là từ đầu năm 2012, các ngân hàng đồng loạt cắt, không cho vay vốn lưu động. Ông chủ Vinaxuki đã phải bán cả nhà ở, vét từng đồng trả nợ lãi ngân hàng, mong được tái cơ cấu để vay vốn lưu động. Từ đó, nhà máy không còn tiền để trả lương người lao động, không còn tiền để mua nguyên liệu, các dây chuyền sản xuất dần dần ngừng hoạt động.
Vì khủng hoảng mà Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định cho các doanh nghiệp được tái cơ cấu vốn vay. Vinaxuki đã được Ngân hàng Nhà nước, Công ty VAMC, Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng các phương án vay vốn để sản xuất và trả nợ. Năm nào, Vinaxuki cũng xây dựng và gửi phương án đến các ngân hàng, đề nghị được tái cơ cấu lại vốn đầu tư, để kinh doanh sản xuất, xin được vay vốn lưu động và hoàn trả nợ vay.
Tiếc rằng chủ trương đúng, nhưng khi thực hiện lại không có hội đồng đánh giá lại tính khả thi của dự án, không có sự kết hợp của các cơ quan chức năng trong việc xử lý nợ xấu. Thậm chí, giữa các ngân hàng thương mại nảy sinh nhiều bất đồng về tài sản đảm bảo, vốn lưu động, chẳng ai hiểu ai; còn VAMC thì mua bán nợ xấu chưa thực chất, nên Vinaxuki bị chết kẹt.
Qua hơn 5 năm “chạy” khắp các cửa, chỉ xin được tái cơ cấu vốn, được vay vài trăm tỷ vốn lưu động để sản xuất, để đảm bảo việc làm và đời sống người lao động trong lúc thị trường ô tô tăng trưởng nóng mà không được. Thị trường ô tô từ giữa năm 2013 tăng trưởng trở lại với tốc độ cao. Nhiều loại xe khan hiếm, trong lúc Nhà máy ô tô Vinaxuki có đủ năng lực nội địa hóa các dòng xe tải đạt mức 40-50%, lắp ráp xe con, xe tải nặng, xe khách mà phải đắp chiếu, thiệt hại vô kể.
Ông Huyên cho biết mới đây đã kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cử các chuyên gia đến nghiên cứu và giúp Vinaxuki giải pháp thoát khỏi bế tắc, đắp chiếu hiện nay, tránh nguy cơ nhà máy trở thành đống phế liệu.
Theo Trần Thủy
Vietnamnet
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn