Vậy nhưng dường như vẫn muốn gây "áp lực" với quyết định của Chính phủ, các ý kiến tranh luận (đã cũ) vẫn tiếp tục được đưa ra. Mới đây (ngày 11/8) buổi tọa đàm “Nhập ô tô: Giữ hay bỏ Thông tư 20?” được tổ chức với sự có mặt đại diện các bộ, ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và rất đông doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô Việt Nam.
Đông đảo là vậy, nhưng cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng, đề xuất phương án về điều kiện nhập khẩu ô tô là Bộ Công Thương lại không có mặt tại buổi tọa đàm này.
Buổi tọa đàm ghi nhận rất nhiều ý kiến song các ý kiến nêu ra không có nhiều cái mới, chủ yếu xoay quanh 2 thái cực là giữ và bỏ các điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô.
Quan điểm giữ lại quy định tại Thông tư 20 được ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc chi nhánh Audi Hà Nội nêu ra, việc duy trì quy định tại Thông tư 20 sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng như: Giá xe sẽ được niêm yết rất rõ ràng, được hưởng dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng đúng tiêu chuẩn… Khi không được mua xe chính hãng, người tiêu dùng sẽ là người bị thiệt hại.
Hơn nữa, các hãng xe chính hãng có mạng lưới bảo hành toàn quốc, theo đúng tiêu chuẩn và trang thiết bị đắt tiền. Do đó, người tiêu dùng có thể được bảo hành chính hãng ở các tỉnh thành trên cả nước.
Phản bác lại quan điểm này, ông Nguyễn Đình Quyết - Giám đốc Công ty Hưng Hà cho rằng, Thông tư 20 ra đời có mục tiêu nhằm hạn chế nhập siêu. Tuy nhiên, muốn hạn chế nhập siêu là giảm lượng xe nhưng mục tiêu của Thông tư 20 không đạt được vì xe vẫn tăng.
Cũng theo ông Quyết, khi có sự cạnh tranh thì người tiêu mới có sự lựa chọn. Nếu độc quyền thì người tiêu dùng sẽ chỉ biết có duy nhất một giá trên thị trường.
Một phần không đồng tình với việc giữ lại điều kiện trong Thông tư 20, ông Nguyễn Đông Phong - Phó trưởng phòng chất lượng xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam - nêu quan điểm: Thông tư 20 ra đời trong bối cảnh để đảm bảo sự vận hành của thị trường ô tô, bên cạnh yêu cầu giảm nhập siêu. Thông tư 20 có một số quy định có ảnh hưởng trực tiếp tới việc nhập khẩu xe, mà cụ thể là việc ủy quyền chính hãng. Việc này sẽ tạo ra cả cái hay và chưa hay.
Những doanh nghiệp được cấp ủy quyền thì được thuận lợi, có ưu thế về mặt kỹ thuật, nhưng lại làm hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này hạn chế chủ trương rất lớn của Chính phủ là tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Các nước khác không có thông tư tương tự như Thông tư 20 của Việt Nam. Họ không phân biệt lắp ráp với nhập khẩu, họ được đối xử tương đồng đặc biệt ở các nước phát triển. Nếu chúng ta bỏ Thông tư 20 với quy định "ủy quyền chính hãng", cuộc chơi sẽ mở hơn với tất cả nhưng ưu thế về kỹ thuật các doanh nghiệp nhỏ sẽ không bằng các doanh nghiệp chính hãng.
“Từ góc độ chuyên gia, có thể bỏ Thông tư 20, nhưng không bỏ hoàn toàn mà phải có hàng rào kỹ thuật. Ai đáp ứng được sẽ được chấp nhận. Tôi cũng muốn đưa ngành nghề nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp phương tiện vào ngành nghề có điều kiện”, ông Phong nói.
Đáng chú ý, một doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng cũng đồng tình với việc bỏ điều kiện trong Thông tư 20. Ông Đoàn Hiếu Trung, Giám đốc điều hành tập đoàn Regal Motor Cars, chuyên nhập khẩu và phân phối Rolls-Royce khẳng định, hiện nay, người tiêu dùng là những khách hàng thông minh, họ có quyền tự lựa chọn. Nếu có tiền thì họ mua chính hãng, không thì họ sẽ chọn rẻ hơn.
“Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ việc bãi bỏ các điều kiện như đã nêu trong Thông tư 20, miễn sao pháp luật của chính phủ phải đảm bảo công bằng, minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp”, ông Trung nói.
Theo Phan Thu
Hải quan Online
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn