Sau kiến nghị của phóng viên về việc thiếu thông tin của hải quan trong việc cung cấp thông tin xe hơi nhập khẩu về Việt Nam, đặc biệt là giá xe, chủng loại xe của từng thị trường khác nhau, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đã chỉ đạo: Ngay trong năm 2018 sẽ yêu cầu các đơn vị chức năng của Tổng cục và các Cục hải quan địa phương định kỳ mỗi tuần 1 lần các thông tin về: giá cả xe nhập khẩu, từng thị trường, chủng loại xe sẽ được công bố trên cổng thông tin của Tổng cục Hải quan.
Thực tế hiện nay Tổng cục Hải quan vẫn công khai số lượng xe nhập về Việt Nam, song con số này thường được công bố sau 15 đến 20 ngày. Các đơn vị như Cục công nghệ thông tin, Cục thuế xuất nhập khẩu cũng không công bố từng chủng loại xe, giá xe, lượng xe và thị trường nhập khẩu từng thời kỳ. Con số được công khai chủ yếu tổng lượng xe và xe con chia cho các thị trường qua các tháng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, xe nhập khẩu từ năm 2018 sẽ được người dân đặc biệt quan tâm khi thuế nhập khẩu xe hơi từ ASEAN, trong đó chủ yếu là 2 nước Thái Lan, Indonesia về 0%. Việc thông tin từng tuần sẽ giúp công khai minh bạch và báo chí có thể khai thác các thông tin kịp thời biến động thị trường ô tô hiện nay.
Trên thực tế, từ năm 2016 đến 2017, xe hơi nhập về Việt Nam đã tăng rất mạnh do thị trường mở rộng, mức thuế suất thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN trong đó chủ yếu là Thái Lan, Indonesia đã giảm từ 40% xuống còn 30%. Đây là động lực khiến các loại xe nhập ồ ạt về nước.
Ngay từ đầu năm 2017, trào lưu nhập khẩu ồ ạt xe từ Ấn Độ về Việt Nam, mức khai báo giá trước thông quan giá xe trung bình nhập từ Ấn về chỉ khoảng 99 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng/chiếc.
Mức giá khai báo nhập khẩu thấp trong khi giá bán thực tế tại thị trường vẫn rất cao trên 400 triệu đồng/chiếc đối với mẫu xe rẻ nhất nhập từ Ấn Độ là Hyundai i10, Suzuki Ertiga... Điều này dấy lên nghi ngờ DN khai báo giá thấp để trốn thuế hoặc giảm nhập khẩu thuế, có sự tiếp tay của hải quan.
Từ thời điểm giữa năm, xe Ấn Độ bất ngờ giảm mạnh lượng nhập, đến cuối năm lượng xe nhập từ Ấn Độ chỉ vài trăm chiếc/tháng. Trong khi đó, xe Indonesia, Thái Lan vẫn tăng lượng nhập về Việt Nam, xe nhập từ 2 thị trường này năm 2017 chiếm hơn 60% lượng xe nhập về Việt Nam, áp đảo, đẩy lùi xe nhập khẩu từ các thị trường lớn khác như Đức, Anh, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Sự thay đổi chóng vánh, nhiều thông tin xáo trộn liên tục đã khiến thị trường trở nên cực kỳ nhạy cảm; thông tin giá xe tăng lên, giảm xuống đã đặt người tiêu dùng vào ma trận, khủng hoảng thông tin.
Ngay từ đầu năm 2018, thông tin xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam giảm cực mạnh cũng khiến người tiêu dùng hoang mang, thị trường biến động. Lúc này số liệu của hải quan cũng được đưa ra làm căn cứ, song không có thông tin nhập khẩu loại xe nào, giá cả như nào từ các DN, hải quan trong khi mức thuế nhập xe nguyên chiếc từ ASEAN (chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia) đã được bãi bỏ.
Trên thực tế, để có thông tin chính xác về số lượng nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc trong từng thời điểm, mức giá khai báo nhập khẩu để xác định trị giá hải quan trước thời điểm tính thuế phải phụ thuộc vào thông tin hải quan địa phương cung cấp, trong đó chủ yếu là: Hải quan Hải Phòng, Hải quan Đà Nẵng và Hải quan TP.HCM - ba nơi được phép nhập xe chủ yếu về Việt Nam.
Tuy nhiên, việc này không dễ vì hải quan địa phương đều cho rằng đây là thông tin "mật" của doanh nghiệp, việc khai báo và nhập khẩu thực tế có thể thay đổi trong 14 ngày (khai báo nhiều nhưng nhập ít do phải phụ thuộc vào vận đơn, hàng chuyển....) hoặc có chỉ đạo từ cấp trên xuống.
Việc không công khai số lượng nhập xe, giá trị tính thuế hải quan đã khiến thời gian qua nhiều thông tin cho rằng có sự móc ngoặc giữa hải quan với các DN xe hơi nhập khẩu trong điều tra xác định lại trị giá xe hơi để tính thuế hải quan. Nhiều DN cho biết, nhập khẩu xe được tính theo quý hoặc nửa năm tài chính do đó không có chuyện khai nhiều mà nhập ít, chỉ có trường hợp khai ít rồi xin thêm số lương nhập khẩu mà thôi.
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn