Đi ôtô, trong cái sướng có cái khổ và trong cái khổ có cái sướng. Mát mẻ, êm ái, thoải mái, không khói bụi, an toàn, chở được nhiều người cùng hành lý, chăm đi thăm thú, du lịch, picnic, giao lưu nhiều hơn đồng nghĩa cơ hội cũng nhiều lên. "Chân kính" ít nhiều được nâng lên. Ok, không phải bàn cãi. Sướng!
Còn cái khổ? Khổ lắm! Không phải ai cũng thấu hiểu. Trong thành phố giờ cao điểm, người và phương tiện tham gia giao thông rất đông. Tài xế ôtô phải căng mắt, bon chen, nhích từng chục centimet, vừa tránh va quệt, vừa canh không cho xe khác điền vào chỗ trống, vừa biết né những xe máy có giá sắt chở hàng cồng kềnh cũng như những người coi đường phố như đường làng.
Về đến nhà an toàn, xe không bị trầy xước là hôm đó may mắn. Để làm được điều đó, khi soi gương chắc chắn tóc bạc thêm vài sợi, râu mọc ra dài hơn, nếp nhăn hằn sâu hơn, vài mụn trứng cá cũng đua nhau mọc lên vô tổ chức quanh mép, vì lúc nãy bức xúc với vài tình huống giao thông, có văng tục vài câu. Phụ nữ mà lái xe, nhan sắc cuối ngày hẳn tệ lắm. Nhất là hôm nào va quệt thì giận cá chém chồng con là điều dễ hiểu.
Lái xe ngoại ô không nhàn hơn là mấy, vẫn căng thẳng vì canh biển báo, tốc độ, bẫy này nọ và nguy cơ tai nạn cao từ xe khách, xe tải lớn, gia súc... Có khi còn do cả chủ quan của chính mình.
Rồi, muốn ăn bát phở ngon hay thưởng thức ly cà phê nóng hổi mà mình yêu thích ở nơi trung tâm thành phố, rất khó đạt được vì không có điểm đỗ xe. Chỗ nào có điểm đỗ thì không tiện cho mình hoặc món ăn, thức uống vừa đắt vừa không ra gì.
Hà Nội, lắp xong 450 chiếc camera, đưa vào thử nghiệm. Kinh phí dự tính ngốn 231 tỷ đồng để đảm bảo an ninh, điều hành giao thông, xử phạt nguội lỗi vi phạm. Nghĩa là vào một ngày đẹp trời bạn có thể nhận được biên bản kèm hình ảnh vi phạm thông qua đường bưu điện. Còn TP HCM đã có bác ôm vào lòng mà ngửa mặt lên trời khóc rưng rức với phiếu phạt liệt kê cơ man nào các lỗi vi phạm lên tới 90 triệu đồng.
Ra đường xe máy, xe đạp va vào, lỗi của họ nhưng mình không bắt đền được, thậm chí còn bị đền ngược vì "ai bảo mày đi ôtô!". Tập quán "xe to đền xe nhỏ" - học lại lịch sử đi!
Đã lái ôtô là không rượu bia. Con cái chở ông bà bố mẹ dự tiệc, hiếu hỉ, việc làng, việc họ là trách nhiệm phận con cháu, cũng là dịp để ông bà "mở mày mở mặt". Nhưng chở ông bà đi tiệc thì mình lại đói vì cỗ không rượu, cỗ đâu có ngon. Khổ.
Lái xe về làng, ông bác trưởng họ muốn đánh vào đỗ trước cửa. Càng nhiều ôtô đỗ trước cửa, gia đình ông bác càng thích. Càng nhiều comple, áo dài đại lễ, ôtô "cam zi" hoặc "an tịt" màu đen mà lại biển xanh nữa thì quý hóa quá. Thế nào cũng bắt cả họ chụp hình lưu niệm, nhờ con cháu post lên "phây". Hôm sau chắc hẳn ông bác nở mặt với bà con làng xóm. Khâu oai được giải quyết xong. Làng xã đừng hòng ai dám bắt nạt. Khổ nỗi xe công nông mới vào được tới cửa nhà ông, chứ đường làng nhỏ hẹp, quanh có quanh co, ôtô phải xếp hàng để lại đầu làng.
Bọn trẻ chỉ chờ có thế. Đứa trai lấy đất sét, hòn vôi vẽ lên cửa xe hình con phượng con công, trông như con giun con gà. Đứa gái lật gương ra để nặn trứng cá, tạo dáng khoe dáng cute.
Đứa oe oe thì được mẹ hoặc bà bế lên kính lái để chơi cầu trượt xuống tận nắp ca-pô. Bọn trẻ khác đứa núp sau bánh xe chơi trốn tìm, đứa đuổi nhau chạy vòng quanh các xe đang đỗ thành hàng. Đôi khi những chiếc xe biến thành lô cốt bảo vệ chúng khi chơi trò ném nhau bằng quả táo, quả sung, quả ổi, quả roi... Khi ra, bỗng không nhận ra xe mình, xót lắm nhưng biết làm sao? Khổ chưa?
Hôm nào vợ hứng chí "shopping trên phố" để nhặt hàng sale off thì ôtô mình lái cứ phải chạy lòng vòng do không có điểm dừng đỗ. Muốn uống tách trà hay cà phê để giết thời gian chờ cũng không có chỗ đỗ. Ngồi uống ở xa hơn, sợ bị vợ alo gọi đến đón, cũng khổ. "Ngày thứ 6 đen" vừa rồi làm tài xế bất đắc dĩ cho vợ, đến chết mệt.
Nói là nắng mưa không tới đầu, nhưng hôm nào mưa rét đưa con đi học, tưởng chừng ôtô sẽ tốt hơn xe máy. Không, vẫn phải đỗ "trộm" ở đâu đó cách trường vài trăm mét để đi xe ôm, hoặc dắt bộ vì không thể len vào được tới cổng đang quá đông người và phương tiện chiếm kín cả vỉa hè, lòng đường. Thế là cả bố và con cùng rét ướt. Khổ hay sướng?
Quay ra chỗ lấy ôtô, không may gặp CSGT/113/TTGT/ trật tự phường thì coi như xong. Có hôm níu áo cô giáo dạy ngoại ngữ trẻ đẹp để hỏi thăm tình hình học tập của con. Định rằng chỉ "tám" với cô 5 phút, ai dè hợp chuyện, 45 phút như một tiết học mà chưa dứt. Khi ra chẳng thấy xe đâu. Hóa ra bị kéo về bãi giữ xe vi phạm, vì dừng đỗ không đúng luật. Thế là mất toi một khoản mua sữa cho con.
Mình đỗ ôtô trong ngõ, có ý thức nên chưa dính cái kiểu bị quây hơn chục cái xe rác, hoặc bị xì lốp, hoặc cảnh cáo bằng gạch lên nóc xe, hoặc bị dán giấy ghi bậy lên kính hay bị chửi vì cái tội đỗ xe "mất dạy" che mất cửa hàng, bịt lối ra vào của nhà ai đó. Chứ, báo đăng nhiều vụ như thế, thấy vừa trách vừa tội. Có xe mà không có chỗ đỗ thì đúng khổ thật.
Theo luật, ôtô không được quay đầu xe giữa phố. Mình đi đúng luật chạy cả cây số lên ngã tư để quay xe. Quay xe ở ngã tư phải chờ mấy nhịp đèn. Khi quay thì xung đột với tá hỏa các luồng phương tiện. Xe lại đứng ị ra giữa ngã tư đường. Anh cảnh sát áo vàng lườm lườm, gườm gườm, còn dân đi xe máy chửi rát mặt. Khổ thân tôi thế!
Các bác vào diễn đàn hỏi nhau mua ôtô, hò nhau mua ôtô. Coi ôtô là thiên đường của cuộc sống! Biết đâu lái ôtô nó ức chế và tổn hại thần kinh đến mức nào. Không phải lúc nào cũng chủ động được thời gian. Không phải cứ đi sớm về muộn là thảnh thơi, an nhàn. Có gia đình đi làm phải phụ thuộc vào giờ đi học của con cái. Có những lúc với sự vụ giời ơi đất hỡi cũng làm tắc đường cả tiếng đồng hồ, không cách nào thoát ra được.
Bây giờ không chỉ tắc ở ngoài phố, ở đường quốc lộ mà ngay cả đại lộ, đường cao tốc hay các cửa ngõ ra vào thành phố cũng đều tắc nghẽn. Kinh hoàng hơn là ôtô tắc từ trong ngõ tắc ra, từ ngoài ngõ tắc vào. Gặp đám hiếu, đám hỉ, lều bạt che nắng mưa của mấy bà hàng quà và xe máy đỗ vểnh đầu đít nghêng ngang thì phải tự xuống mà dọn để lấy lối đi. Ai đưa người nhà đi cấp cứu gặp tình huống này thì stress muốn chết luôn!
Hơn nữa thời gian là vàng ngọc. Thời gian dành cho cầm lái quá nhiều, cộng với tinh thần căng thẳng, mệt mỏi sẽ lấy đi "vàng ngọc" của các cơ hội khác.
Về chi phí, ôtô bị cõng quá nhiều thuế phí. Cõng đến sụn cả lưng, hình như vẫn còn hoặc sẽ còn bị cõng tiếp. Sang 2018 thuế nhập khẩu ôtô giảm theo lộ trình cam kết, nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt được đề xuất giữ nguyên; "hàng rào kỹ thuật" sẽ được dựng lên; biển chẵn/lẻ và tăng thêm tuyến phố/thời gian cấm ôtô được tính đến; thuế/phí khác lại phình lên.
Có bác trên diễn đàn nói "Có ôtô, ắt có đường!". Đây là triết lý bay bổng lãng mạn kiểu sinh viên! Đấy là "xây nhà từ nóc"; giải pháp tình thế kiểu "gọt chân cho vừa giày", không nước tiên tiến nào làm như thế. Chỉ có tầm nhìn, hoạch định chính sách dài hơi từ 50 năm đến cả trăm năm mới là bài toán căn bản cho phát triển giao thông bền vững. Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, chí ít là nửa bước.
Đấy là chân lý. Không nhà đầu tư nào đổ tiền vào nơi khỉ ho cò gáy để xây dựng khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, nếu nơi đó đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay và các liên kết vùng không phát triển. Tương tự, bạn không thể mua nhà hoặc thuê cửa hàng để kinh doanh, buôn bán ở những nơi không được coi là "nhất cận thị, nhị cận giang".
Có bác cho rằng: Có ôtô sẽ là cú hích thúc đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa, giúp ngành cơ khí chế tạo, vật liệu, điện tử, phụ trợ... phát triển, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; giúp tạo thêm nhiều công ăn việc làm, cũng là đảm bảo an ninh - trật tự - xã hội; giúp nguồn chất xám cùng ngoại tệ từ biển chảy ngược vào sông ngòi Việt Nam; giúp hệ thống hạ tầng giao thông và trình độ quản lý đô thị được hoàn thiện nhanh hơn!
Nhưng đấy cũng là lý luận bay bổng lãng mạn kiểu sinh viên. Bởi vì giả sử được đầu tư tiền của và công nghệ, nhưng yếu tố quyết định là con người. Con người phải được đào tạo, được chuẩn bị để đến giai đoạn nào đó "hợp quy" với quản trị hiện đại, với công nghệ hiện đại, với tác phong công nghiệp hiện đại... thì mới mơ là Hổ là Rồng được. Giai đoạn đó cũng mất hàng chục năm với tầm nhìn và nỗ lực của toàn xã hội.
Với nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp là chính, hơn 80% là nông dân, muốn chuyển dịch sang cơ cấu công nghiệp hiện đại thì không hề đơn giản. Với con người, càng không thể đốt cháy giai đoạn. Không thể nhìn sang các nước công nghiệp tiên tiến hàng đầu ngày hôm nay để bảo mai ta phải bằng họ, giống y xì đúc như họ, khi yếu tố con người của chúng ta chưa được như họ.
Nhìn xem đường cao tốc hiện đại vẫn đi xe máy lên. Nhìn xem thịt bẩn, rau bẩn. Nhìn xem thuỷ điện xả lũ dân không kịp trở tay. Nhìn xem rất nhiều doanh nghiệp phớt lờ sức khoẻ của cộng đồng, ngồi trên môi trường sống, xả thải trực tiếp bức tử cả dòng sông. Nhìn xem hai máy bay suýt đâm nhau và mất kiểm soát không lưu. Nhìn xem cái gì cũng chụp giựt. Nhìn xem 30% cắp ô sáng đi tối về và chém gió phần phật giống y như mình. Nhìn xem, đó toàn yếu tố con người cả. Buồn.
Giấc mơ ôtô giá rẻ như Mỹ để làm cuộc cách mạng hô biến 38 triệu chiếc xe máy thay bằng 38 triệu chiếc tô lấp đầy mặt đường trên cả nước là điều viển vông. Việc bỏ lỡ cơ hội "dân số vàng" cũng có thể làm giấc mơ ôtô của đại bộ phận người dân dài hơn.
Mình đã 3 lần nâng đời ôtô, ôtô còi thôi và ước mơ của mình không phải là siêu xe hay xe siêu sang, mà đã mơ phải hoành tráng! Đó là: Mơ tất cả các thành phố của Việt Nam đều xanh-sạch-đẹp. Hạ tầng phát triển, đường phố văn minh, các loại hình phương tiện công cộng tiện dụng và vô cùng hữu hiệu.
Người dân chán xe cá nhân vì nó thừa và phí phạm, không có lợi cho môi trường. Người dân có thể đi bộ hàng cây số hít thở không khí trong lành như ở bắc Âu và Úc. Thú cảnh cũng có đường riêng trên vỉa hè được rải cát trắng. Công chức như mình đi làm bằng xe đạp, đi công chuyện bằng xe cơ quan. Con cái đi học được xe nhà trường đưa đón. Vợ ra bến xe bus ngay dưới tòa nhà để ra bến tàu điện ngầm, từ tàu điện ngầm ra bến xe bus gần nhất để tới cơ quan cách nhà 30 km.
Cả quãng đường ấy hết có 35 -40 phút. Trên phương tiện công cộng vẫn tranh thủ trao đổi công việc qua smartphone với đồng nghiệp/khách hàng/đối tác; vẫn chỉ dẫn con cái việc nhà, việc học hành, vui chơi; Hoặc check mail, lướt web, chat facebook bình thường. Đi xe máy hay tự lái ôtô làm sao thực hiện được. Đi chợ tại siêu thị ngay nơi ở hay ship hàng từ chỗ khác về tiện lợi, đơn giản.
Lúc đó ôtô cá nhân đi lại hàng ngày chỉ dành cho những người, những đối tượng có nhu cầu thật cần thiết. Bởi vì giá xe rẻ, nhưng sẽ giống như Singapore, Hong Kong , Italy, Anh, Tây Ban Nha và một số nước khác, thuế đường bộ tính theo số km thực tế sau mỗi lần đăng kiểm - đi càng nhiều đóng tiền nhiều; đi ít đóng ít, phí đi xe tại trung tâm trong giờ cao điểm, phí dừng đỗ xe, gửi xe, phí chạy trên đường cao tốc, phí kiểm định, thuế bảo vệ môi trường đều ở mức rất cao; vòng đời xe được lưu hành ngắn lại còn 10 năm... là chi phí tài chính như "búa tạ" giáng lên đầu chủ sở hữu mà không phải ai cũng chịu nổi.
Còn lại mỗi gia đình đều có xe riêng. Xe rẻ, tội gì không sắm. Đi ít, trùm mền nhiều nên thuế/ phí chỉ như cái búa nhẹ, nhiều người vẫn chịu được. Đa phần người dân đều có công ăn việc làm với thu nhập khá ổn, bận bịu, đến cuối tuần, chiều thứ 6 mới lôi xe ra khỏi mền để cùng gia đình "lướt cùng tia chớp" cả trăm cây số tới các khu resort yêu thích. Hoặc cùng bạn bè làm vài gậy ở những sân golf đẳng cấp. Kỳ nghỉ lễ dài ngày hay cắt phép làm chuyến du lịch xuyên Việt hoặc du lịch việt dã thăm mấy bạn tại đất nước ngàn voi và chùa tháp...Quay về xe lại trùm mền. Lái xe ôtô khi ấy nó mới sướng đúng nghĩa.
Nhưng có lẽ giấc mơ được sử dụng "các loại hình phương tiện công cộng tiện dụng - hữu hiệu" còn lâu và lâu lắm mới thành hiện thực. Nên bây giờ vẫn "bị" đi ôtô cá nhân với trải nghiệm vừa sướng vừa khổ, khổ sướng đan xen, đôi khi khổ nhiều hơn sướng. Khổ vẫn phải đi vì hiện chưa có lựa chọn khác an toàn cho bản thân và gia đình, đảm bảo sức khoẻ và tự chủ hơn.
Bài viết này là câu chuyên vui, hài hước. Các bác đọc cho vui, xả stress là chính. Đừng suy nghĩ nặng nề gì nhé. Mình chuẩn bị đi xem bộ phim "Bỗng dưng muốn khóc" đây.
Độc giả Nguyễn Phúc TâmNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn