Sau câu chuyện về kiểu cảnh báo tốc độ của xe tải , tôi xin tiếp tục những điều lạ trên cao tốc Autobahn của Đức mà tôi chứng kiến trong thời gian đi công tác bên này.
Trước hết Autobahn là hệ thống đường cao tốc chằng chịt dài gần 13.000 km nối các bang của Đức với nhau, xây dựng lần đầu từ những năm 1930. Đây là đường cao tốc duy nhất trên thế giới không có giới hạn tốc độ. Tuy nhiên đường đi qua khu đô thị, công trường, đường đang xây dựng... sẽ có giới hạn tốc độ riêng, khoảng 80-120 km/h tùy chính quyền từng bang.
Khi ở những đoạn không giới hạn tốc độ thì tốc độ tối đa gợi ý là chỉ nên ở mức 130 km/h, tuy nhiên thực tế xe trên đường có thể chạy tới 300 km/h. Autobahn có từ 2-4 làn xe chạy cộng một làn dừng khẩn cấp. Ở những bang cũ, xưa vẫn có những đoạn Autobahn chỉ 2 làn mà không có làn dừng khẩn cấp.
Những hình ảnh trong bài viết của tôi dưới đây có thể chạy qua cả những đoạn không được tính là Autobahn, nhưng tôi vẫn đưa vào để thấy sự khác trong nhau trong giao thông của một nước phát triển bậc nhất thế giới với nước đang phát triển như Việt Nam.
1. Biển báo cắm hai bên
Ở những đoạn có giới hạn tốc độ, bao giờ biển báo cũng cắm ở cả giữa đường và ngoài lề đường. Cách làm này giúp xe chạy ở làn nào, tốc độ nào cũng có thể nhìn thấy thông báo hạn chế tốc độ.
Hai loại biển báo xuất hiện nhiều nhất trên cao tốc ở Đức là biển hạn chế tốc độ/hết hạn chế tốc độ và biển cấm vượt.
2. Một làn cho xe vượt, vượt xong đi vào
Làn sát giải phân cách là làn chỉ dùng để vượt, và dân Đức làm rất đúng điều này. Chúng tôi ngồi trên xe buýt chạy ở làn trong cùng với tốc độ khoảng 100 km/h, nhưng ở làn sát giải phân cách, xe con lao qua như xe gió mà người nào chạy ôtô thường xuyên có thể dễ dàng ước lượng tốc độ đó phải ở mức 150-180 km/h.
Ngay sau khi vượt xong, các xe lập tức quay trở lại làn trong, nhường đường cho xe khác muốn chạy nhanh hơn hoặc vượt, vì ở đây không có hạn chế tốc độ. Làn sát giải phân cách cứ như một đường đua thu nhỏ. Không có chuyện xe đan làn để vượt những xe rùa bò như ở Việt Nam.
3. Bus chạy tối đa 100 km/h
Đồng hồ tốc độ của người tài xế già chở chúng tôi không bao giờ vượt qua con số 100 km/h ngay cả những vùng không hạn chế tốc độ. Điều này thật khó xảy ra ở Việt Nam, vì xe bus, xe khách muốn chạy nhanh chậm là tùy ý thích, và tùy họ muốn bắt khách hay không.
4. Biển chỉ dẫn rất to
Ở Việt Nam không ít lần tôi phải mua thêm rất nhiều đường vì chạy quá nơi rẽ, lý do là biển hướng dẫn đặt mãi bên kia đường và chữ rất nhỏ. Ở Đức thì khác, chạy cách cả nửa cây số đã thấp thoáng những thứ cần đọc, chữ to, rõ ràng.
5. Không có trạm thu phí
Đường Autobahn nổi tiếng vì không có trạm thu phí, nhằm hạn chế tắc đường vì lượng ôtô lưu thông rất nhiều. Tuy nhiên, theo một người Việt sống lâu năm ở Đức, phí vẫn phải nộp, chỉ là đánh vào chung các loại thuế, phí xăng cộ, bảo trì đường khi đăng ký, đăng kiểm xe.
Độc giảNguyên KhoaBài viết đóng góp cho Diễn đàn Xe gửi về duchuy@vnexpress.net
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn